Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Đài Loan có trở thành “ba ba trong lọ”?

Liệu Đài Loan có trở thành “ba ba trong lọ”?

Eo biển Đài Loan lại nóng lên khi Quân đội Trung Quốc tiến hành Cuộc tập trận“bao vây toàn diện” hòn đảo này. Dư luận thế giới quan tâm một điều, đây có phải là chủ đích lâu dài hay chỉ hành động dằn mặt Đài Bắc, trả đũa việc nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thăm và gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ hôm 5/4?

Câu trả lời là cả hai. Trước hết, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp tới hòn đảo, rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tha thứ cho việc Đài Bắc cấu kết với Mỹ, ngày càng có xu hướng li khai, đi theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Còn mục tiêu lâu dài là Trung Quốc sẽ sớm thống nhất Đài Loan, điều mà nhiều nhà bình luận đã dự báo vào năm 2030. Vấn đề này còn phụ thuộc một phần vào cuộc chiến Nga- Ukraine. Nếu Nga thắng có nghĩa là việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực có thể xảy ra sớm.

Cuộc tập trận lần này mang tên chính thức là “Liên hợp lợi kiếm”, kéo dài trong ba ngày. Các bài tập mô phỏng sát với tình huống chiến đấu. Đó là “các cuộc tấn công chính xác” nhắm vào “các mục tiêu chính trên đảo Đài Loan và vùng biển chung quanh”. Các bài tập bắn đạn thật diễn ra ngay gần đảo Bình Đàm (Pingtan). Quân đội Trung Quốc lí giải, hoạt động tập trận không gây vấn đề đối với tự do hàng hải, là hoạt động hợp pháp và nhằm răn đe Đài Loan.

PLA cũng công bố đã huy động một lực lượng hùng hậu, bao gồm các khu trục hạm, khinh hạm cao tốc phóng tên lửa, chiến đấu cơ, phi cơ tiếp liệu và gây nhiễu cùng các đơn vị trên bộ vào cuộc tập trận.Truyền thông Trung Quốc quảng bá rầm rộ cho các cuộc tập trận, chủ yếu nhằm răn đe Đài Loan.

Cụ thể, Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân đội Trung Quốc đang tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung quanh Đài Loan, trong tư thế “bao vây và răn đe tổng thể”. Binh lính Trung Quốc mặc quần áo ngụy trang, lao ra khỏi các doanh trại. Họ được trang bị đến tận răng với đủ loại thiết bị được triển khai từ các hệ thống phòng không, các giàn tên lửa tầm xa, chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, cho đến các chiến hạm.

Cuộc tập trận nhằm “bao vây toàn diện” này không phải lần đầu, Hồi tháng 8/2022, Đại Lục cũng đã khiến cho Đài Loan căng mình đối phó vì các cuộc tập trận “như thật”, diễn ra với quy mô lớn. Quân đội Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật trên không và trên biển tại 6 khu vực chung quanh đảo Đài Loan, trong đó đã phóng một số tên lửa đạn đạo Đông Phong, nhằm vào các vùng biển ở phía đông bắc và tây nam hòn đảo. Có 3 trên 6 khu vực tập trận có các góc chồng lấn với Đài Loan.

Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc nói rằng, “toàn bộ tên lửa đã bắn trúng các mục tiêu”. Thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chẳng hề úp mở khi tuyên bố, cuộc tập trận này nhằm phản ứng “sự cấu kết giữa Đài Loan và Mỹ”. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc gọi các cuộc tập trận với lời lẽ hoa mỹ – “cuộc diễn tập cho chiến dịch thống nhất”.

Đại diện Bộ Quốc phòng còn đe dọa: “Nếu quân đội Đài Loan phản ứng, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể “bắt ba ba trong lọ” (bắt được con mồi một cách dễ dàng)”. Cố nhiên, PLA chỉ phóng tên lửa từ trên tàu hoặc trên máy bay xuống khu vực tập trận mà không dám phóng tên lửa bay qua đảo Đài Loan – như lời đe dọa.

Từ cuộc tập trận tháng 8/2022 đến cuộc tập trận 4/2023, tuy tổ chức với quy mô lớn nhưng chiến lược của Trung Quốc vẫn là “đe dọa và ép buộc”, không gây ra xung đột trực tiếp. Khả năng Đại lục cắt đứt toàn bộ các con đường tiếp cận Đài Loan là khó xảy ra. Nếu làm như vậy sẽ gây tổn hại không chỉ cho Đài Loan mà còn kéo theo cả Trung Quốc.

Có điều theo các nhà bình luận quốc tế, các cuộc tập trận đều có thể leo thang. Một khi cuộc tập trận quân sự biến thành một cuộc phong tỏa thì dấu hiệu ở đâu? Ai sẽ phản ứng đầu tiên? Đài Loan hay Mỹ? Đó là những vấn đề cần tiếp tục theo dõi.

Về phía Đài Loan, Cơ quan Phòng vệ của vùng lãnh thổ này đã tỏ thái độ rõ ràng, các lực lượng Đài Loan luôn theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận của Trung Quốc. Họ khẳng định, sẽ giữ vững nguyên tắc “chuẩn bị cho chiến tranh mà không tìm kiếm chiến tranh”. Nhưng nếu Trung Quốc quyết thu hồi Đài Loan bằng vũ lực thì Đài Loan sẽ chiến đấu đến cùng.

Chuyến thăm vừa qua của bà Thái Anh Văn tới Mỹ là thể hiện thái độ quyết liệt phản đối thống nhất với Đại lục, từ chối mô hình “một quốc gia, hai chế độ” do Bắc Kinh đặt ra. Khi mọi xung đột đẩy tới cao trào tất sẽ dẫn đến một biện pháp tất yếu là giải quyết xung đột bằng sử dụng vũ trang. Điều này đúng với tư tưởng Mao Trạch Đông: Súng đẻ ra chính quyền.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới