Thursday, November 14, 2024
Trang chủQuân sựHơn 100 tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trên mạng...

Hơn 100 tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trên mạng xã hội, gây ‘ác mộng’ cho nhóm Five Eyes

Một số tài liệu mật mới của Mỹ tiếp tục bị rò rỉ và xuất hiện trên các trang mạng xã hội vào ngày 7/4. Một quan chức tình báo cấp cao gọi vụ việc này là cơn ác mộng đối với Five Eyes – nhóm chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.

Binh sĩ Ukraine bắn súng cối trên tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk ngày 26/3.

Theo tờ New York Times, các quan chức Mỹ cho biết quy mô của vụ rò rỉ hơn 100 tài liệu này cùng với độ nhạy cảm của chính các tài liệu đó có thể gây thiệt hại nặng nề. Một quan chức tình báo cấp cao gọi vụ rò rỉ là cơn ác mộng đối với Five Eyes (Ngũ Nhãn) – nhóm chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.

Các tài liệu mới nhất xuất hiện trên Twitter và các trang khác một ngày sau khi các quan chức cấp cao Mỹ cho biết họ đang điều tra về vụ rò rỉ thứ nhất. Trong vụ đầu tiên, các tài liệu mật có nội dung liên quan kế hoạch chiến tranh tại Ukraine. Một trang đề ngày 23/2 được dán nhãn “Secret/NoForn”, nghĩa là tài liệu mật, không được chia sẻ với nước ngoài.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ và đang liên lạc với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cho rằng vụ rò rỉ các tài liệu mật cho thấy tình trạng vi phạm an ninh nghiêm trọng có thể cản trở kế hoạch quân sự của Ukraine. Ông nói: “Vì nhiều trong số này là hình ảnh của các tài liệu, nên có vẻ như đó là một vụ rò rỉ có chủ ý do một người nào đó muốn gây tổn hại cho các nỗ lực của Ukraine, Mỹ và NATO”.

Một nhà phân tích đã mô tả những gì bị rò rỉ cho đến nay là chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Sáng 7/4, các quan chức an ninh quốc gia cấp cao xử lý vụ rò rỉ ban đầu cho biết một lo lắng mới đã nảy sinh: Liệu thông tin đó có phải là thông tin tình báo duy nhất bị rò rỉ? Đến chiều 7/4, họ đã có câu trả lời khi xảy ra vụ thứ hai.

Cụ thể, ngay khi các quan chức tại Lầu Năm Góc và các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đang điều tra nguồn gốc của các tài liệu xuất hiện trên Twitter và Telegram, thì một tài liệu khác lại xuất hiện trên 4chan, một nền tảng tin ẩn danh. Tài liệu bị tung trên 4chan là một bản đồ thể hiện cục diện chiến tranh ở thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine – nơi diễn ra trận chiến khốc liệt kéo dài hàng tháng qua.

Theo ông Aric Toler, một nhà phân tích tại Bellingcat (trang web điều tra của Hà Lan), đợt tài liệu bị rò rỉ đầu tiên dường như đã được đăng vào đầu tháng 3 trên Discord – một nền tảng trò chuyện trên mạng xã hội phổ biến với những người chơi game.

Nhưng các tài liệu bị rò rỉ dường như không chỉ là các tài liệu tuyệt mật về các kế hoạch chiến tranh tại Ukraine. Các nhà phân tích an ninh đã xem xét các tài liệu tràn lan trên các trang mạng xã hội và họ cho biết kho tài liệu cũng có cả các thông tin nhạy cảm về Trung Quốc, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố.

Các quan chức tại một số cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cho biết họ đang gấp rút tìm ra nguồn rò rỉ và thừa nhận có khả năng một lượng nhỏ thông tin mật được đăng tải đều đặn trên các trang web.

Các tài liệu về quân đội Ukraine xuất hiện dưới dạng các bức ảnh biểu đồ về cung cấp vũ khí, sức mạnh của quân đội và các tiểu đoàn cũng như các kế hoạch khác. Các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận rằng chúng là tài liệu hợp pháp của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng các bản sao dường như đã bị thay đổi một số phần so với bản gốc. Ví dụ, các tài liệu này tăng ước tính của Mỹ về số người chết của Ukraine và giảm con số ước tính binh sĩ Nga thiệt mạng.

Ngày 7/4, các quan chức Ukraine và các blogger ủng hộ Nga đều cho rằng vụ rò rỉ là một phần nỗ lực đưa thông tin sai lệch của phía bên kia, nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc tấn công mà Ukraine dự kiến phát động vào mùa xuân.

Một quan chức cấp cao Ukraine nói rằng vụ rò rỉ dường như là một hành vi của Nga nhằm tác động tới cuộc phản công của Ukraine. Còn các blogger ủng hộ Nga cảnh báo không nên tin vào bất kỳ thông tin nào, trong đó một blogger cho rằng đó có thể là sản phẩm của tình báo phương Tây nhằm đánh lạc hướng phía Nga.

Trong khi đó, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đang cố gắng tìm ra thủ phạm. Có khả năng các tài liệu không bị rò rỉ từ các quan chức Ukraine, bởi vì họ không có quyền tiếp cận các kế hoạch cụ thể. Theo một quan chức Mỹ, đầu tiên họ sẽ xác định những ai có quyền truy cập các tài liệu này.

Còn tại Ukraine, Trung tá Yurii Bereza, một chỉ huy tiểu đoàn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, đã phủ nhận thông tin về vụ rò rỉ. Ông cho rằng chiến tranh thông tin đã trở nên mạnh đến mức không còn xác định được đâu là sự thật và đâu là giả.

Các chuyên gia đánh giá rất khó để đưa ra kết luận về việc ai đã tiết lộ thông tin và tại sao. Họ cho rằng có rất nhiều ví dụ về các tài liệu bị rò rỉ được sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền và đặc biệt là để tuyên truyền thông tin sai lệch, nhưng điều đang xảy ra với những tài liệu này của Mỹ hiện vẫn chưa rõ ràng.

Ông Kyle Walter, Giám đốc nghiên cứu tại Logically, một công ty của Anh chuyên theo dõi thông tin sai lệch, cho biết cuộc xung đột ở Ukraine có nhiều vụ rò rỉ tài liệu hơn các cuộc xung đột khác một phần là do vai trò của tình báo nguồn mở và tình báo giải mật trong cuộc xung đột.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới