Đánh giá ảm đạm về tình hình giao tranh ở Bakhmut, Ukraine xuất hiện trong các tài liệu mật dường như được đưa vào bí mật an ninh quốc gia của Mỹ.
“Ống thở cuối cùng” và quyết định bổ sung lính tinh nhuệ cứu nguy Bakhmut
Tài liệu bị rò rỉ gần đây tập trung vào chiến trường Bakhmut với hai cuộc tấn công thọc sườn của quân đội Nga nhằm vào khu vực Tây Bắc và Tây Nam thành phố để bao vây quân đội Ukraine bằng cách cắt đứt các tuyến đường tiếp tế. Hiện nay, thành phố này chủ yếu chỉ còn là những đống đổ nát với những cuộc giao tranh dữ dội của quân đội hai bên trong các tòa nhà.
Tài liệu này miêu tả các tính toán bên trong quân đội Ukraine về cách thức phản ứng thông qua việc các chỉ huy quyết định triển khai các đơn vị tinh nhuệ từ cơ quan tình báo quân sự để đẩy lùi các lực lượng của Nga. Tài liệu từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 này cũng phác thảo những thiếu thốn nghiêm trọng mà quân đội Ukraine đang đối mặt. Các báo cáo tình báo cho thấy Mỹ dường như đang theo dõi giới lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao của Ukraine – một thực tế phản ánh Washington dường như đang gặp khó khăn trong việc hiểu rõ về chiến lược của Kiev.
Quân đội Ukraine được cho là đã bảo vệ hiệu quả những bí mật quan trọng trong suốt cuộc xung đột, trong đó có cả cuộc phản công bất ngờ vào cuối mùa hè năm ngoái ở Kharkiv. Các quan chức Ukraine đã gọi vụ rò rỉ tài liệu là một kịch bản tuyên truyền của Nga.
Theo đánh giá tình báo bị rò rỉ trên: “Vào ngày 25/2, quân đội Ukraine đã gần như bị các lực lượng của Nga ở Bakhmut bao vây”.
Các quan chức Mỹ cho biết, Cục Điều tra Liên bang (FBI) sẽ nhanh chóng điều tra về nguồn gốc vụ rò rỉ này. Các quan chức này thừa nhận tài liệu trên dường như là những bản tóm tắt chính thức do Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ của Lầu Năm Góc tập hợp, sử dụng báo cáo từ các cơ quan tình báo của chính phủ nhưng dường như chúng đã bị thay đổi một chút so với bản gốc.
Tài liệu trên cho biết Tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc tình báo quân sự của Ukraine đã đề xuất triển khai các đơn vị tinh nhuệ trong 2 tuần để đẩy lùi quân đội Nga đe dọa đến tuyến đường tiếp tế trên. Tướng Budanov đã gọi tình thế của quân đội Ukraine vào thời điểm đó là “thê thảm”.
Theo tài liệu trên, ông Roman Mashovets, Cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine – ông Andriy Yermak nhận định, một con đường cung cấp hậu cần đi qua các ngọn đồi ở phía Tây Bakhmut vẫn có thể tiếp cận vào trong thành phố nhưng nó đang bị đối phương pháo kích.
“Ông Mashovets cho rằng, vì những lý do trên, nhuệ khí ở Bakhmut đang giảm khi quân đội Ukraine tin rằng họ gần như đã bị bao vây”, tài liệu cho hay.
Trong cuộc giao tranh trên những đồng bằng ở Đông Nam Ukraine, việc bao vây sẽ khiến các binh lính rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Khi bị bao vây, đạn dược nhanh chóng cạn kiệt, các binh lính bị thương không thể sơ tán trong khi vẫn phải giao tranh với rủi ro bị áp đảo và tử trận. Chỉ huy bộ binh Ukraine ở phía Đông, Tướng Oleksandr Syrsky đã gọi tuyến hậu cần duy nhất trên của Ukraine là “ống thở cuối cùng”, đồng thời yêu cầu Kreken – một đơn vị trong cơ quan tình báo quân sự triển khai tới Bakhmut, tài liệu cho hay.
Tài liệu bị rò rỉ cũng tiết lộ những tính toán bên trong của giới lãnh đạo Ukraine và cho thấy đánh giá của tình báo phương Tây rằng tình hình Bakhmut trở nên bấp bênh vào cuối tháng 2.
Tuy nhiên, bức tranh lớn hơn mà tài liệu này phác thảo hầu như không phải là điều bí mật. Các lực lượng của Nga đã ngăn chặn các tuyến cung cấp hậu cần của Ukraine vào tháng 2 trước khi Kiev điều thêm lực lượng. Một loạt đơn vị tinh nhuệ của Ukraine sau đó đã tham gia chiến đấu.
Tài liệu trên cho biết, Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga đủ xa khỏi con đường huyết mạch của họ và nối lại tuyến tiếp tế cho các binh lính trong thành phố cũng như sơ tán những người bị thương. Dù vậy, điều này khiến Ukraine phải trả giá chiến lược khi sau đó nước này phải tìm cách bổ sung các binh lính được huấn luyện và trang bị tốt nhất cho cuộc phản công dự kiến diễn ra trong một vài tuần hoặc một vài tháng tới.
Tình thế thiếu thốn đạn dược nghiêm trọng của Ukraine hiện nay
Theo Washington Post, Lữ đoàn Cơ giới hóa số 58 của Ukraine, từng phóng 20 – 30 quả đạn pháo mỗi ngày bằng các lựu pháo thời Liên Xô, nay chỉ có thể bắn 1 hoặc 2 quả hoặc thậm chí không quả đạn pháo nào mỗi ngày. Để theo kịp đối thủ và vẫn bảo toàn đạn dược, quân đội Ukraine đang phải lựa chọn mục tiêu kỹ càng hơn, thường ưu tiên các trang thiết bị thay vì các nhóm bộ binh nhỏ. Sự chính xác là then chốt bởi bất kỳ cú bắn trượt nào đều đồng nghĩa với những quả pháo bị lãng phí.
Trong những phòng nghiên cứu dưới lòng đất ở phía Đông Ukraine, các binh lính Ukraine đang sử dụng các máy in 3D và tái chế đạn chưa phát nổ để tạo thành các loại đạn thay thế.
Theo Washington Post, “đạn pháo sử dụng cho các khẩu pháo thời Liên Xô của Ukraine, vốn chiếm đa số trong kho vũ khí của họ từ lâu đã đối mặt với nguồn cung hạn chế” và chính quyền Kiev phải dựa vào đạn pháo phương Tây mà “hiện Ukraine có nhiều hơn nhưng lại ít pháo hơn”. Washington Post ước tính, “với nhịp độ sử dụng hiện tại của Ukraine, các kho đạn dược này có thể sớm cạn kiệt bởi phương Tây đang phải chật vật để tăng cường sản xuất”.
Hồi tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo “tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện nay của Ukraine cao hơn nhiều lần so với tỷ lệ sản xuất hiện tại của chúng tôi”.
Mỹ đã tìm kiếm đạn dược thời Liên Xô khắp thế giới để tăng cường nguồn cung cho Ukraine nhưng việc vận chuyển có thể phải mất một vài tháng. Ngày 4/4, Lầu Năm Góc thông báo sẽ cung cấp một số lượng đạn pháo cho Ukraine, trong đó có đạn cỡ nòng 122mm mà nước này không thể tự sản xuất. Các khẩu pháo D-30 của Ukraine sử dụng loại đạn này.
Nhà phân tích quân sự Rob Lee của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại dự đoán, Mỹ và phương Tây sẽ tăng cường cung cấp đạn dược trước thềm cuộc tấn công mùa xuân nhưng việc vận chuyển có thể kéo dài đến mùa thu và mùa đông. Điều này có thể cản trở Ukraine giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát.
“Đây là một cuộc xung đột pháo binh, bất kỳ bên nào có nhiều đạn pháo hơn hoặc có thể sản xuất nhiều hơn và duy trì khả năng về dài hạn thì bên đó sẽ có lợi thế lớn hơn. Khả năng sẵn có của đạn pháo là một trong những nhân tố quan trọng nhất của cuộc xung đột này”, chuyên gia trên cho hay.
T.P