Trong bối cảnh kinh tế TP.HCM chỉ đạt mức tăng trưởng 0.7% trong quý I/2023, và mỗi tháng có khoảng 20.100 doanh nghiệp bị “khai tử” thì những quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) không hề vô can. Nó khiến hàng triệu doanh nghiệp “chết” lâm sàng và xuất hiện những trường hợp PCCC chỉ có ở Việt Nam!
Báo cáo về tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tháng 1 và tháng 2 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhắc tới những quy định về điều kiện kinh doanh là rào cản đối với doanh nghiệp, trong đó có các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy. Bởi sau vụ cháy ở Bình Dương hồi tháng 9/2022, quy định về an toàn phòng cháy được siết chặt hơn.
Đơn cử, chỉ trong vòng 18 tháng nhưng có tới 3 văn bản; trong đó, có 2 Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Điều này khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi, theo kịp các quy định. Nghiêm trọng hơn là khi doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định nghiệm thu theo phương án mới, mà không có các hướng dẫn chuyển tiếp, khiến không chỉ doanh nghiệp, cả cơ quan thẩm tra cũng không biết xử trí như thế nào.
Chưa nói, theo quy định mới, có những điều kiện PCCC được coi là “điều kiện kinh doanh” của doanh nghiệp; nhưng oái oăm, doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được các “điều kiện kinh doanh” đó. Ví dụ, quy định về khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn PCCC, nhưng với các doanh nghiệp ở các khu đô thị xây dựng mật độ cao như Hà Nội, TP.HCM tìm ra “khoảng cách tối thiểu” để đảm bảo an toàn PCCC, khi mà ra khỏi khuôn viên doanh nghiệp đã chạm mặt vô số các công trình xây dựng khác.
Hay quy định về thẩm định các vật liệu PCCC, công trình nào cũng yêu cầu có các cửa thép chống cháy đạt tiêu chuẩn EI70. Tuy nhiên, phương pháp kiểm định lẽ ra cấp chứng chỉ cho nơi nhập khẩu lô hàng thì lại thẩm định theo công trình. Hoặc trước đây hệ thống ống gió điều hòa, chỉ cần bọc amiăng; quy định tại QCVN 06:2022/BXD mới đây lại yêu cầu bọc bằng… thạch cao chống cháy. Thạch cao có chi phí đắt đỏ, khiến doanh nghiệp đầu tư đội chi phí lên gấp đôi, gấp ba lần.
Ngoài ra, có những quy chuẩn PCCC áp dụng chung cho nhiều hạng mục công trình, không phân biệt về quy mô, chức năng vận hành các công trình đó. Những công trình xây dựng nhỏ – to, có chức năng, công dụng khác nhau đều áp chung một quy định. Nhiều công trình chỉ cần có giấy của cấp xã nhưng vẫn phải chịu sự thẩm tra. Chỉ một hạng mục của công trình mà có đến 3 cơ quan thanh tra, kiểm tra về PCCC…
Đáng lưu ý, gần như tất cả các thủ tục để đưa công trình vào sử dụng đều phải phụ thuộc vào việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến PCCC. Trong khi đó, thời gian thực hiện thủ tục về PCCC hiện nay đang bị kéo dài, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất – kinh doanh, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Ngặt nghèo đến mức vào tháng 3/2023, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản cũng phải kêu cứu vì có những nhà máy, nhà kho được xây dựng mới, hoặc mở rộng; tuy nhiên, không đưa vào hoạt động, vì các doanh nghiệp không thể xin được giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC… Còn Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã thống kê có 18 dự án, với tổng giá trị gần 3.100 tỷ đồng bị ảnh hưởng, dưới dạng đầu tư nhà xưởng, nhà kho, nhưng chưa thể hoạt động, vận hành.
Có thể nói, dưới các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về PCCC, hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp bị tê liệt. Có những doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng xong gần một năm mà không thể có giấy phép PCCC. Các chủ quán Karaoke trên toàn quốc gần như lâm vào phá sản vì buộc phải đóng cửa.
PCCC là rất cần thiết để bảo vệ tính mạng, tài sản của dân, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn quá ngặt nghèo, tréo nghoe đến mức không thể tuân thủ được là chuyện quá lớn. Và rất may mắn Thủ tướng đã vào cuộc! Công điện số 220/CĐ-TTg. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC có ý nghĩa hơn bao giờ hết!
T.P