Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Lý Cường muốn “gần” Nhật hơn nữa

Ông Lý Cường muốn “gần” Nhật hơn nữa

Tân thủ tướng Trung Quốc cần quan hệ tốt hơn với Nhật Bản để phục hồi nền kinh tế

Chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cuối tuần qua – chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một ngoại trưởng Nhật sau ba năm – đã không có nhiều bức ảnh vui vẻ.

Nhưng xét đến mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước, Bắc Kinh đã chào đón Hayashi tương đối nồng nhiệt.

Nhà ngoại giao Nhật Bản đã gặp nhà lãnh đạo số 2 của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường, đồng thời có các cuộc hội đàm riêng với Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và là thành viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản, và với Ngoại trưởng Tần Cương, người gần đây đã được thăng chức Ủy viên Quốc vụ viện. Hayashi còn dùng bữa trưa với Tần và bữa tối với Vương.

Các nhà phân tích cho rằng Lý Cường chính là nguyên nhân cho sự tiếp đón nồng nhiệt này.

Việc Thủ tướng Trung Quốc luôn bận tâm vì nền kinh tế trì trệ của đất nước không phải là điều gì bí mật, vì nó đặt ra thách thức chính trị lớn nhất cho Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện đang ở nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất.

Lý Cường, người được giao nhiệm vụ hồi sinh nền kinh tế, đã nhận ra mình đang ở một vị trí chính trị khác với người tiền nhiệm. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường dường như chưa bao giờ có mối quan hệ thân thiết với Tập. Ngược lại, Lý Cường là một trong những phụ tá thân cận nhất của Chủ tịch Trung Quốc, từng là thư ký riêng của ông ở tỉnh Chiết Giang.

Tại đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2022, Lý Khắc Cường đã bị loại bỏ thẳng tay, thậm chí còn không thể giữ được một ghế trong Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm 200 thành viên, dù ông kém Tập hai tuổi.

Trong năm đầu tiên tại chức, Lý Cường cần phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước, là “khoảng 5%.”

Các nguồn tin cho biết Trung Quốc ban đầu cân nhắc đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức “khoảng 5,5%”, nhưng con số này đã bị hạ xuống sau khi dữ liệu tháng 2 cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong thương mại, chủ yếu là với Mỹ.

Nói một cách đơn giản, Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn về nền kinh tế của mình trong năm nay. Ngoài thương mại sụt giảm, Trung Quốc còn đang chứng kiến các nhà sản xuất trong nước – chìa khóa cho sức mạnh kinh tế quốc gia – chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Những khó khăn trong việc mua các chất bán dẫn hiệu suất cao do quan hệ xấu đi với Mỹ cũng sẽ cản trở tăng trưởng. Ngay cả 5% cũng có thể là một mục tiêu không dễ dàng.

Lý Cường đã thể hiện thái độ bi quan trong cuộc họp báo đầu tiên của mình với tư cách là thủ tướng ngay sau hội nghị thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc). Ông nhấn mạnh rằng các công ty tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc vực dậy nền kinh tế.

Nếu Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%, năng lực quản trị của Lý Cường có thể sẽ bị nghi ngờ, vì ông không có kinh nghiệm trong chính quyền trung ương trước khi đảm nhận chức vụ hiện tại của mình.

Tất cả những người tiền nhiệm của ông đều từng là phó thủ tướng. Ngược lại, Lý Cường được thuyên chuyển trực tiếp từ Thượng Hải, nơi ông là bí thư thành ủy, nhưng không được lòng dân do đợt phong tỏa thành phố theo chính sách zero-COVID hà khắc của Bắc Kinh.

Tình hình đang rất căng thẳng. Nếu Lý Cường thất bại, Tập Cận Bình sẽ có thể phải chịu trách nhiệm vì đã thăng chức cho một cấp dưới thân cận bất chấp việc người này không đủ uy tín, năng lực – điều bị xem là con đường không chính thống dẫn đến quyền lực, ngay cả ở Trung Quốc.

Vì vậy, dù phía Trung Quốc đã cảnh báo Hayashi về vấn đề Đài Loan và các vấn đề kinh tế bao gồm việc cung cấp chất bán dẫn, họ vẫn tôn trọng và hỗ trợ chuyến thăm của ông trong phạm vi hoàn cảnh cho phép.

Đối với Nhật Bản, câu hỏi đặt ra là: Liệu sự hiếu khách này có dẫn đến việc trao trả một nhân viên của tập đoàn dược phẩm Nhật Astellas Pharma, người đã bị bắt giam vì cáo buộc gián điệp theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc hay không. Liệu Lý Cường có đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề này không?

Cần nhớ rằng Bộ An ninh Quốc gia trực thuộc Quốc vụ viện, chính phủ Trung Quốc, cơ quan mà Lý Cường lãnh đạo.

Nhưng tại Trung Quốc, trong những tháng gần đây, quyền lực đã được chuyển giao từ Quốc vụ viện sang Đảng Cộng sản. Như tôi đã lưu ý vào tuần trước, nhân vật số 5 của Trung Quốc, Thái Kỳ, hiện là người giám sát tất cả các khía cạnh an ninh. Ông là thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng – và là chánh văn phòng mới của Tập.

Giống như Thủ tướng Lý, Thái là một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập.

Xét về cấu trúc quyền lực hiện tại của Trung Quốc, sẽ rất khó để Lý Cường tự mình hành động. Ông cần đưa vấn đề này ra trước Ban Thường vụ Bộ Chính trị và được sự chấp thuận từ Tập, thông qua Thái.

Theo truyền thống, bộ máy an ninh quốc gia của Trung Quốc không quan tâm nhiều đến hậu quả ngoại giao khi truy lùng gián điệp.

Theo đó, có thể suy đoán rằng mối quan hệ giữa Lý và Thái – dưới sự giám sát của Tập – sẽ là yếu tố quyết định.

Tác động đối với các công ty Nhật Bản có thể sẽ rất sâu rộng. Nhiều người sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc gầy dựng sự nghiệp của họ với tư cách là chuyên gia về Trung Quốc. Cống hiến cả đời làm việc của mình để vun đắp mối quan hệ với Trung Quốc, rồi cuối cùng bị giam giữ vì những cáo buộc đáng ngờ không phải là con đường sự nghiệp mà nhiều người sẽ chọn.

Trung Quốc trước thời Tập được đặc trưng bởi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Và chí ít thì trong lĩnh vực kinh tế, cũng đã có một mức độ tự do nhất định. Với việc các công ty công nghệ thông tin và kỹ thuật số tư nhân phát triển mạnh mẽ, nhiều người trẻ ở Nhật Bản đã bị thu hút bởi cơ hội kinh doanh mới.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi dưới thời Tập Cận Bình. Đặc biệt, ba năm qua đã làm suy giảm nghiêm trọng tình cảm giữa đôi bên, khi sự tương tác giữa người với người bị đình trệ theo chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của Bắc Kinh.

Hơn nữa, đã xuất hiện một thế hệ người Nhật mới, ít hoặc không quan tâm đến Trung Quốc. Việc giam giữ nhân viên Astellas có thể thúc đẩy xu hướng này, vì những cuộc trò chuyện liên quan đến Trung Quốc hiện nay thường tập trung vào những từ ngữ như “nguy hiểm” và “đáng sợ” thay vì “cơ hội.”

Một yếu tố đáng chú ý là Lý Cường có kinh nghiệm lãnh đạo Giang Tô và Thượng Hải – hai khu vực tập trung nhiều công ty Nhật Bản. Một nguồn tin cho biết Lý đã say sưa nói chuyện với Hayashi về những kỷ niệm của ông khi điều hành các nền kinh tế địa phương.

Mới đây, một sự kiện đã được tổ chức tại Tokyo, báo hiệu chiến lược của Lý Cường nhằm khai thác các giao dịch thuộc khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Được tài trợ bởi Khu Tô Châu Mới, một trung tâm nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao ở tỉnh Giang Tô, sự kiện này nhằm thúc đẩy đầu tư vào Trung Quốc, và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã xuất hiện trước đông đảo người tham dự.

Một diễn biến khác là việc nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma quay trở lại Trung Quốc. Sau nhiều tháng ở nước ngoài, trong đó có cả Nhật Bản, vị doanh nhân này đã xuất hiện trở lại ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nơi đặt trụ sở của Alibaba.

Từng làm việc dưới quyền Tập trong nhiều năm ở Chiết Giang, Lý Cường được cho là có quen biết cá nhân với Jack Ma. Sự tái xuất của Ma, một biểu tượng nổi tiếng của nền kinh tế khu vực tư nhân Trung Quốc, dường như phù hợp với kế hoạch của Lý.

Ngoài ra, hồi cuối tháng 3, Vương Nghị cũng đã gặp riêng cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda, người đang ở Trung Quốc để tham dự một diễn đàn kinh tế. Fukuda là một trong số ít các kênh đối thoại còn sót lại giữa hai nước láng giềng, và ông sẽ là nhân tố quan trọng đảm bảo việc trả tự do cho công dân người Nhật đang bị giam giữ.

Liệu Trung Quốc có tiếp tục khiến người dân đứng trước nguy cơ kinh tế gián đoạn hơn nữa, hay nước này sẽ giải quyết vấn đề theo kế hoạch tái thiết nền kinh tế của Lý Cường? Câu trả lời chưa rõ ràng. Bắc Kinh dường như vẫn đang cân nhắc các lựa chọn của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới