Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Pháp quyết không là chư hầu của Mỹ

Tổng thống Pháp quyết không là chư hầu của Mỹ

“Là đồng minh không có nghĩa là trở thành chư hầu. Không phải vì là đồng minh và làm nhiều việc cùng nhau thì có nghĩa là không được phép tư duy một mình và phải theo đuôi những nhân vật cứng rắn nhất của quốc gia đồng minh”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Tổng thống Pháp Macron trong buổi họp báo tại Amsterdam.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/4 tiếp tục bảo vệ quan điểm rằng, châu Âu cần có chính sách độc lập với Mỹ trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và khẳng định nước Pháp là đồng minh của Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa là không được theo đuổi các chính sách phục vụ lợi ích riêng của mình.

Phát biểu trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chiều 12/4 tại Amsterdam sau khi kết thúc chuyến thăm hai ngày đến Hà Lan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông không có gì phải e ngại về những phát biểu đưa ra đầu tuần này về việc châu Âu cần phải xây dựng sự tự chủ chiến lược, giảm phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời phải có chính sách độc lập với Mỹ trong cách tiếp cận với mâu thuẫn Mỹ – Trung vì vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Tổng thống Pháp, chính sách của nước Pháp đối với vấn đề Đài Loan từ trước đến nay là nhất quán, rõ ràng và kiên định, đó là ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng, ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” cũng như ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Tổng thống Pháp Macron khẳng định, đó cũng chính là quan điểm của châu Âu và nước Pháp không có nghĩa vụ phải nghe lời dạy dỗ từ bất cứ ai.

“Đây chính là quan điểm phù hợp với vai trò của một đồng minh. Tuy nhiên, đây cũng là điểm mà tôi muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cần phải có sự tự chủ chiến lược của châu Âu. Là đồng minh không có nghĩa là trở thành chư hầu. Không phải vì là đồng minh và làm nhiều việc cùng nhau thì có nghĩa là không được phép tư duy một mình và phải theo đuôi những nhân vật cứng rắn nhất của quốc gia đồng minh. Tiếp đến, nhìn vào những gì đã diễn ra trong thực tế, nước Pháp không cần phải nhận bất cứ bài học nào từ bất cứ ai, dù là trong vấn đề Ukraine, vấn đề Sahel hay vấn đề Đài Loan”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Bên cạnh việc khẳng định lại lập trường của Pháp đối với vấn đề Đài Loan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đáp trả quyết liệt các chỉ trích từ nhiều chính trị gia Mỹ, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cho rằng những nhân vật này chỉ đang tìm cách leo thang căng thẳng, trong khi nước Pháp vẫn kiên định với việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhưng không tìm cách làm phức tạp tình hình.

Các tranh luận gay gắt và trái chiều tại châu Âu xung quanh các phát biểu của Tổng thống Pháp Macron gần đây cho thấy, châu Âu sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong tham vọng xây dựng một cách tiếp cận chung trong quan hệ với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngay trong ngày 13/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng sẽ thực hiện chuyến công du 3 ngày đến Trung Quốc. Giới phân tích tại châu Âu nhận định, bà Annalena Baerbock sẽ đối mặt với một thách thức lớn là phải thể hiện với Trung Quốc rằng, các nước châu Âu cùng theo đuổi một chính sách chung với Trung Quốc chứ không chia rẽ như những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell ban đầu dự kiến công du Trung Quốc cùng Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhưng đã phải hoãn chuyến đi đến tuần sau do mắc Covid-19.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới