Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ vét sạch con cá ngựa ở Việt Nam

TQ vét sạch con cá ngựa ở Việt Nam

Những tác dụng thần kỳ trong việc bổ thận, tráng dương, điều trị chứng khó sinh… đã khiến loài cá này được săn lùng ráo riết.

Cá ngựa ở Việt Nam đa dạng và phong phú

Cá Ngựa (tên khoa học Hippocampus) là một nhóm loài phân bố rộng ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo thống kê, có ít nhất 150 tên loài cá ngựa trên thế giới, nhưng phần lớn là synonym (tên đồng vật), thực tế có khoảng 35 loài.

Theo “Tuyển tập Nghiên cứu biển. Tập VIII, 1998”, ở Việt Nam, đã có 7 loài cá ngựa sau được phát hiện, phân bổ trên khắp các vùng biển từ Bắc tới Nam.

– Cá ngựa gai: Ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, từ Khánh Hòa đến Kiên Giang.

– Cá ngựa ba chấm: Ở vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang.

– Cá ngựa đen: Vùng biển ở Huế, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

– Cá ngựa thân Trắng: Vùng biển từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu.

– Cá ngựa mõm ngắn: Vùng biển Quảng Trị và Khánh Hòa.

– Cá ngựa gai dài: Vùng biển Khánh Hòa

– Cá ngựa mười vòng thân: Vùng biển Khánh Hòa

Trong số 7 loài cá ngựa nói trên, hai loài cá ngựa ba chấm và cá ngựa gai có sản lượng khai thác lớn hơn cả, còn cá ngựa mõm ngắn, cá ngựa gai dài và cá ngựa mười vòng thân là những loài hiếm gặp.

Thành phần loài cá ngựa ở Việt Nam được đánh giá là khá phong phú so với một số nước/vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc), bởi tại các khu vực này chỉ có 4-6 loài.

Cá ngựa là loài có giá trị kinh tế cao và được xếp vào danh sách sinh vật quý hiếm, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.

Trung Quốc coi cá ngựa là ‘thần dược’

Từ xa xưa, cá ngựa đã được biết đến như một vị thuốc quý. Theo Science Direct, một số loài cá ngựa đã được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc trong hàng nghìn năm qua như một loại thuốc bí truyền và bí quyết tăng cường sinh lực.

Y học cổ truyền Trung Quốc chỉ ra rằng cá ngựa có tác dụng chống hình thành khối u, chống lão hóa, mệt mỏi, chống tăng sản tuyến tiền liệt và thậm chí có thể được sử dụng để điều trị huyết khối, các dạng viêm, bệnh tăng huyết áp và liệt dương.

Các tài liệu lịch sử còn ghi nhận dưới thời Nhà Lương ở Trung Quốc, cá ngựa được sử dụng để điều trị chứng khó sinh. Ngoài ra, nó còn có tác dụng rất tốt trong việc làm ấm thận.

Một cuộc khảo sát đăng trên chuyên san “Journal of Ethnopharmacology” năm 2015 cho biết, trong cá ngựa có chứa các thành phần axit amin thiết yếu, axit béo và nhiều nguyên tố vi lượng. Chức năng quan trọng nhất của cá ngựa trong y học cổ truyền Trung Quốc là bổ thận tráng dương.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của chuyên gia Siukan Law đến từ Hồng Kông (Trung Quốc), đã có nhiều bằng chứng cho thấy giá trị của cá ngựa khô trong y học cổ truyền Trung Quốc với hai tác dụng chính là bổ thận và tăng cường miễn dịch.

Cuốn “Bản thảo cương mục” (từ điển bách khoa của Trung Quốc về dược vật học được thầy thuốc Lý Thời Trân biên soạn vào thế kỷ 16 đầu thời nhà Minh) thì cho biết, cá ngựa khô có tác dụng kích thích sinh sản.

Trong nghiên cứu dược học hiện đại, cá ngựa được cho là có nhiều hoạt tính sinh học như chống khối u, chống lão hóa, chống mệt mỏi. Các thành phần từ cá ngựa được sử dụng rộng rãi để điều trị rối loạn cương dương.

Nhiều loại thuốc hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe có chứa thành phần từ cá ngựa đã được sản xuất và sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.

Loài cá cần được bảo tồn

Với những tác dụng thần kỳ trong y học cổ truyền, cá ngựa đã được săn lùng, sử dụng nhiều đến mức khan hiếm.

Theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), cá ngựa đã được buôn bán rộng rãi trên khắp thế giới như một phương thuốc y học cổ truyền Trung Quốc với số lượng khoảng 20 triệu con mỗi năm.

Riêng Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, có lượng tiêu thụ cá ngựa làm phương thuốc cổ truyền lên tới 250 tấn/năm. Đáng nói, mức tiêu thụ này ngày càng gia tăng do người ta tin rằng cá ngựa có giá trị y học trong việc chữa trị chứng khó sinh và loại bỏ khối u. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức đã khiến số lượng cá ngựa ngoài tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng.

Cá ngựa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do chúng có tỷ lệ sinh sản thấp, chỉ chung thủy với một bạn tình và hoạt động tương đối tĩnh tại. Chính vì lý do này, toàn bộ chi cá ngựa đã được liệt kê trong Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Nhằm giảm áp lực khai thác ngoài tự nhiên, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ xuất khẩu phát triển kinh tế, tại Việt Nam đã phát triển ngành sản xuất giống và nuôi cá ngựa thương phẩm.

Trước đây, cá ngựa nuôi ở Việt Nam được xuất khẩu qua các nước với mục đích chính là làm cảnh. Có năm, Khánh Hòa xuất khẩu ra thị trường thế giới hơn 30.000 con cá ngựa cảnh.

Tuy nhiên, IUCN và các nước tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài đông, thực vật hoang dã nguy cấp đã thống nhất cùng giám sát chặt chẽ việc buôn bán cá ngựa.

Cuối năm 2013, thông báo cấm xuất khẩu cá ngựa đen đã chính thức được đưa ra. Loài cá này sẽ chỉ được xuất khẩu trở lại nếu các nhà khoa học chứng minh được rằng việc nuôi cá ngựa không ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên.

Theo các chuyên gia, nếu đang tìm kiếm các phương thức bổ thận, tráng dương, người dân cũng không nhất thiết phải săn lùng cá ngựa. Một số loại thảo dược khác trong tự nhiên như cây dâm dương hoắc, địa hoàng… cũng có tác dụng tương tự như vậy.

Ngoài ra, theo Science Direct, mặc dù cho tới nay, chưa có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc độc tính nào của cá ngựa được ghi nhận, song vẫn cần có thêm những nghiên cứu độc tính để xác định chính xác điều này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới