Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTikTok tạo ra một loại KOL nhảm nhí

TikTok tạo ra một loại KOL nhảm nhí

Sự dễ dãi và lỗ hổng quản lý của TikTok đã tạo ra nhiều “idol” làm nội dung nhảm nhí, phản cảm.

Ảnh minh họa.

Một trong 6 sai phạm của TikTok Việt Nam do đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông, nêu ra là: Không quản lý hoạt động của các idol TikTok, nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.

Khi thời hoàng kim của YouTube qua đi, ứng dụng quay video ngắn TikTok nổi lên như một kênh tạo dựng tên tuổi lẫn kiếm tiền hấp dẫn dành cho giới sáng tạo nội dung. Sự bứt phá cả về số lượng người dùng lẫn tương tác khiến TikTok dần trở thành sân chơi mới với các KOC, KOL.

Khác YouTube, TikTok Việt Nam chưa có chính sách trả tiền cho nhà sáng tạo nội dung dựa trên lượt xem. Tuy nhiên, các TikToker vẫn có thể kiếm tiền nhờ nhận hợp đồng quảng cáo và tiếp thị liên kết (affiliate). Khoản tiền này được trao đổi dựa vào lượt tương tác, lượt theo dõi và traffic mà người dùng có thể tạo dựng được từ video.

Trên cơ sở đó, không ít TikToker sẵn sàng tạo nội dung nhảm nhí, phản cảm, đi ngược với đạo đức nhằm thu hút tương tác, tăng độ nổi tiếng để kiếm được nhiều tiền hơn.

Trong khi đó, sự dễ dãi và lỗ hổng của của nền tảng khiến những clip như vậy vẫn có “đất sống” tốt.

Nội dung phản cảm, vô giá trị nhưng triệu view
Tháng 11 năm ngoái, TikToker Nờ Ô NÔ (tên thật Phạm Đức Tuấn) đăng tải clip “Người nghèo ăn gì Nờ Ô NÔ cho ăn đó” với những lời lẽ thiếu tôn trọng người già như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”.

Tại thời điểm đó, nam thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi và được biết đến nhờ các clip đánh giá quán xá tại TP.HCM. Trước khi clip miệt thị người nghèo xuất hiện, người này đã gây tranh cãi khi chuyên làm các clip đập phá với lời lẽ quát mắng nhân viên khi đến quán ăn, shop thời trang nhưng thực chất đang quảng cáo, giới thiệu dịch vụ.

Sau vụ việc, Nờ Ô NÔ bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và bị TikTok “khóa kênh vĩnh viễn vì chứa video vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”. Song, ngay sau đó, người này vẫn dễ dàng mở kênh mới và tiếp tục làm công việc reviewer. Hiện, nam TikToker này có hơn 283.000 lượt follower, bằng một phần ba so với ngày trước.

Giống các nền tảng khác như Facebook, YouTube, TikTok cũng đặt ra những quy định tương tự nhau, bao gồm cấm các hành vi quấy rối, bắt nạt, bạo lực, cấm hình ảnh khỏa thân, nội dung tình dục. Dù vậy, trên thực tế không phải lúc nào các nội dung này cũng bị chặn, xóa hoặc tắt kiếm tiền.

Ví dụ, tài khoản có tên @wudanman tự giới thiệu kênh là nơi “khám phá kiến thức nam giới”. Tuy nhiên, hầu hết trong 30 video được tải lên của TikToker này lại chứa nội dung hạ thấp giá trị nữ giới và truyền bá tư tưởng nam giới độc hại. Mỗi video đều có lượt xem đáng kể, từ vài chục nghìn cho đến hàng trăm nghìn lượt.

Trong một clip, người này khẳng định “Phụ nữ ngủ với nhiều người là phụ nữ vô giá trị trong mắt đàn ông. Giá trị của phụ nữ tỷ lệ nghịch với số người yêu cũ của cô ấy”. Clip này thu về gần hơn nửa triệu lượt xem.

Ở góc độ khác, TikToker có tên Triệu Linh Trang với 1,5 triệu follower cũng khiến người xem “cau mày” vì loạt content chê bai ngoại hình cho đến tính cách đàn ông.

Trong một clip, cô nàng “cười khẩy” vào những anh chàng có ngoại hình nhưng nghèo, hoặc cho rằng nam giới có chiều cao 1,7m chỉ đáng “bỏ đi”.

TikTok tiếp tay
Từng trao đổi với Zing, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng sự ảo tưởng về quyền lực trên mạng không phải chỉ khi TikTok trở nên phổ biến, thành trào lưu như hiện nay mới có mà đã xuất hiện từ thời YouTube, Facebook.

Bởi những nền tảng được nhiều người theo dõi, quan tâm bao giờ cũng trở thành một dạng quyền lực mới.

Theo ông Vinh, những người sử dụng truyền thông một cách nghiêm túc, tử tế sẽ tạo ra lợi ích cho xã hội. Ngược lại, việc sử dụng sức mạnh truyền thông để gây tiếng vang, câu view, trục lợi là điều cần lên án.

“Càng đông người xem đồng nghĩa càng kiếm được nhiều. Bởi vậy, không ít cá nhân đang bất chấp nguyên tắc đạo đức để sử dụng mạng xã hội như công cụ nhằm kiếm chác”, ông nhận định.

Hàng loạt nội dung độc hại, có thể “đầu độc” tâm trí người xem đáng lý không nên phổ biến. Song, trên thực tế, chúng vẫn thu về lượt xem lớn, thậm chí lên đến cả triệu lượt.

Thuật toán của TikTok góp phần không nhỏ gây ra điều đó. Theo đó, thuật toán sẽ lưu giữ và ghi nhớ tất cả thứ người dùng tìm kiếm hay “thả tim” trên nền tảng. Dựa vào đó, TikTok sẽ cung cấp thêm các video liên quan, đáp ứng thị hiếu người xem.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa rằng ngay cả khi những tìm kiếm đó mang tính nguy hiểm hay độc hại, vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng, thuật toán vẫn sẽ gợi ý lên màn hình.

Trong khi đó, đội kiểm duyệt thủ công của TikTok cho rằng không thể kiểm soát nổi số lượng video khổng lồ đăng mới mỗi ngày. Theo đó, 3 tiêu chí chính để đội kiểm duyệt quyết định video có được xuất hiện trên nền tảng hay không là tiêu đề, ảnh đại diện và khung hình chính của video, dẫn tới tình trạng vô số nội dung bẩn dễ dàng lọt qua vòng kiểm duyệt.

Hơn nữa, vì nhiều người cùng bị thu hút bởi một nội dung, thuật toán còn trở thành tiền đề để sinh ra những trào lưu nguy hiểm, khi người xem muốn bắt chước, làm theo các video của idol TikTok họ từng xem.

Các trào lưu như nhảy vào trước đầu xe tải, ôtô; thử thách đi chợ với 5.000 đồng hay trend săn mây trên máy bay đều xuất phát từ chỗ một TikToker khởi xướng, sau đó clip “viral” và nhiều TikToker khác bắt đầu ăn theo.

Tháng 6/2021, sau khi xem video trên Tiktok, 4 nam sinh cấp 2 rủ nhau ra cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đoạn qua địa phận huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) để ném đá vào ôtô.

Khi lấy lời khai, các nam thiếu niên này thú nhận lý do đằng sau đơn giản là vì thấy “vui”, “hứng thú” và muốn bắt chước video lan truyền trên mạng, còn không ý thức được sự nguy hiểm từ hành động đó gây ra.

“Việc TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung rất rộng ảnh hưởng tới người xem, mạng xã hội”, đại diện Cục PTTH&TTĐT nhận định.

Theo đại diện Cục, hệ lụy lớn nhất từ sự quản lý lỏng lẻo của TikTok là khiến nền tảng tràn lan tin giả, tin sai sự thật. Các trào lưu được nền tảng này khuyến khích đánh vào thị hiếu, tác động và ảnh hưởng tới người dùng nói chung.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới