Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ - Trung gầm ghè nhau ở Biển Đông

Mỹ – Trung gầm ghè nhau ở Biển Đông

Trong lúc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan, thì Mỹ cũng tiến hành tập trận quy mô lớn cùng Philippines, mà các nội dung 2 bên thực hiện đều nhằm vào nhau.

Hôm qua (14.4), cổng thông tin của Quân ủy T.Ư Trung Quốc đăng bài xã luận Be wary of “shoulder to shoulder” turning into “picking sides” (tạm dịch: Cảnh giác “vai kề vai” biến thành “chọn phe”).
Vòng vây của Mỹ

Bài xã luận điểm qua việc Mỹ và Philippines đang tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan (vai kề vai) kéo dài từ ngày 11 – 28.4 với nhiều nội dung diễn ra ở Biển Đông. Trong đó, Philippines điều động 5.400 quân, còn Mỹ điều động 12.200 quân. Kèm theo, còn có hơn 100 thành viên đến từ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quan sát viên đến từ hơn 10 nước khác.

Khu vực diễn ra tập trận bao trùm 4 căn cứ quân sự ở Philippines mà Mỹ mới được tập trận gần đây, với nhiều khu vực thuộc Biển Đông. Hai bên tập trận phòng không và chống tên lửa chung, trong đó Mỹ thực hành hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Patriot PAC-3 và hệ thống tên lửa phòng không Avenger.

“Điều này chứng minh quân đội Mỹ coi trọng cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở Philippines, tập trung vào việc ngăn chặn đối thủ tấn công tầm xa”, bài xã luận đánh giá và cho rằng cuộc tập trận “trở thành công cụ thúc đẩy chiến lược “răn đe tổng hợp” của Mỹ.
Thực sự, Mỹ đang củng cố vòng vây trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đầu tháng 2, Mỹ và Philippines công bố thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ có thể sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines. Đây là Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố. Trả lời Thanh Niên, TS Chester B.Cabalza (Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu phát triển quốc tế và hợp tác an ninh, Philippines) chỉ ra: “Các địa điểm nằm trong EDCA bổ sung là các địa điểm chiến lược mới, có quy mô lớn hơn với công nghệ tiên tiến, được xác định ở khu vực phía bắc của đảo Luzon, nhằm củng cố khả năng răn đe tổng hợp và khả năng tương tác trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan”.

Xa hơn, Mỹ tăng cường kết nối với các đồng minh Nhật Bản, Philippines, Đài Loan là nhằm củng cố chuỗi đảo thứ nhất. Chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô. Trong đó, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines. Chuỗi đảo thứ hai thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines. Chuỗi đảo thứ ba bắt đầu tại quần đảo Aleutian và kết thúc ở châu Đại Dương, mà phần quan trọng là vị trí quần đảo Hawaii.

Gần đây, Mỹ cũng tăng cường hợp tác với Úc và Anh thông qua thỏa thuận thành lập AUKUS (gồm Mỹ, Úc và Anh) vào tháng 9.2021. Theo thỏa thuận, đến thập niên 2030, Mỹ và Anh sẽ giúp hải quân Úc (RAN) xây dựng lực lượng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân (SSN). Đến tháng 3 vừa qua, Reuters dẫn lời 4 quan chức Mỹ tiết lộ Canberra dự kiến sẽ mua từ 3 – 5 SSN lớp Virginia của Washington vào thập niên 2030. Kế hoạch này nằm trong thỏa thuận AUKUS.

Kế hoạch này của Washington nhằm kiềm tỏa sức mạnh hạt nhân và tàu ngầm của Trung Quốc ở khu vực. Liên quan vấn đề này, Reuters mới đây đăng tải phân tích dẫn lại một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân. Theo đó, Bắc Kinh thường xuyên duy trì ít nhất một tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo (SSBN) ở khu vực Biển Đông. Loại SSBN này của Trung Quốc được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3 có thể chứa đầu đạn hạt nhân và đủ sức bắn đến Mỹ.
Đối phó tham vọng của Trung Quốc

Chiến lược trên của Mỹ là nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra cuộc tập trận mà Bắc Kinh vừa tiến hành ở eo biển Đài Loan có triển khai tàu sân bay ở phía Thái Bình Dương, hướng về nơi có kho chứa vũ khí. Đó cũng là khu vực nằm giữa Đài Loan và Nhật – Mỹ – Philippines. Nên việc Trung Quốc tập trận lần này tạo ra sự thách thức trực tiếp cho cụm phòng thủ Đài Loan và Mỹ, Nhật, Philippines.

Từ tháng 9.2020, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên về sự triển khai quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc. Trong đó, báo cáo đã cập nhật chiến lược và cách Trung Quốc “bày binh bố trận” nhằm sớm tiến ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Và nền tảng tiên quyết của Trung Quốc trong việc củng cố thực lực quân sự ở vùng tây Thái Bình Dương, từng bước kiểm soát các chuỗi đảo là xây dựng và hoàn thiện chiến lược phong tỏa – chống tiếp cận (A2/AD) để đủ sức đẩy quân lực của Mỹ hoặc các nước ngoài khu vực ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất.

Nằm trong chiến lược này, hoạt động quân sự nói chung và tập trận nói riêng của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan lẫn khu vực đều hướng đến việc phong tỏa – chống tiếp cận.

Chính vì thế, các cuộc tập trận của Mỹ và Trung Quốc gần đây thực tế là sự so kè lẫn nhau, khi một bên muốn phong tỏa – chống tiếp cận nhằm vào đối thủ, còn bên ngược lại thì muốn siết chặt vòng vây nhằm vào đối phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới