Thursday, January 23, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaDữ liệu người chết ở TQ vì Covid …biến mất

Dữ liệu người chết ở TQ vì Covid …biến mất

Dữ liệu hỏa táng của hơn 10 thành phố ở Trung Quốc trong quý 4 năm ngoái hiện hoàn toàn trống rỗng. Các báo cáo liên quan lẽ ra được công bố hàng quý trên toàn quốc đã ngừng cập nhật hoặc đơn giản là biến mất. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cố gắng ‘tái tạo’ ký ức của người dân về thảm họa trong đại dịch COVID-19 và tạo ra một đoạn lịch sử bị bóp méo nghiêm trọng.

Sau khi COVID-19 bùng phát vào tháng 12/2022, có rất nhiều xác chết tại các nhà tang lễ ở Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình/NTD tổng hợp)

Năm 2022, đại dịch COVID-19 quay trở lại Trung Quốc Đại lục, chính quyền nước này đã tiến hành một cuộc phong tỏa hà khắc và vô nhân đạo trong vài tháng. Sau đó vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh đột ngột xóa bỏ chính sách Zero Covid toàn diện mà không có cảnh báo trước. Trong quá trình mở cửa này, người dân Trung Quốc đã phải trả giá đắt bằng mạng sống của họ.

Thông thường vào mỗi quý, hơn 30 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc phải nộp báo cáo về số lượng thi thể được hỏa táng. Dữ liệu này do cơ quan dân chính báo cáo lên cấp trên. Nhưng The Wall Street Journal ngày 13/4 đưa tin, kênh truyền thông này đã điều tra và phát hiện rằng, các báo cáo trên đã biến mất hoặc không được cập nhật kịp thời.

Cụ thể, dữ liệu hỏa táng của hơn 10 thành phố ở Trung Quốc đều đang trống rỗng. Một số thành phố khác thì liên tục trì hoãn và không có bất kỳ lời giải thích nào về thời gian công bố báo cáo.

Thậm chí có một thành phố đã trực tiếp xóa toàn bộ các ghi chép liên quan kể từ đầu năm 2020, đó là Nam Kinh. Ký giả The Wall Street Journal đã so sánh dữ liệu hiện tại với trang lưu trữ web và phát hiện ra điều này.

Các chuyên gia y tế quốc tế đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Trung Quốc công bố thêm dữ liệu về đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc. Nhưng rốt cuộc có bao nhiêu người đã tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc, đến nay đây vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Bởi vì những hồ sơ có thể giúp trả lời câu hỏi này đã bị chính phủ Trung Quốc ẩn giấu và bị hạn chế tiếp cận một cách nghiêm ngặt.

Bài báo trên The Wall Street Journal còn đề cập rằng, trong báo cáo tài chính của ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc, khi nói đến nguyên nhân thua lỗ tài chính, họ không dám đề cập đến tác động to lớn của dịch bệnh mà chỉ nói rằng, thiệt hại là do giá dầu cao và cái gọi là “xung đột địa chính trị”.

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc còn liên tục ngăn chặn các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về chấn thương tâm lý lâu dài do chính sách Zero Covid gây ra. Trong vài tuần vừa qua, các quan chức cũng cố gắng ngăn chặn các hoạt động kỷ niệm một năm Thượng Hải bị phong tỏa. Năm ngoái, Thượng Hải bị phong tỏa toàn diện trong 2 tháng từ ngày 1/4 đến 31/5 và dẫn đến vô số thảm họa.

The Wall Street Journal trích dẫn phân tích của nhà sử học Gina Tam tại Đại học Trinity ở San Antonio, Texas, Mỹ chỉ ra rằng, các hành động trên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nhằm tạo ký ức giả cho công chúng về chính sách phòng chống dịch bệnh do chính quyền đưa ra. Điều này cho thấy, đảng chính trị này không muốn đối mặt với giai đoạn lịch sử mà khi đó hình ảnh của họ bị tổn hại.

Hai tháng trước, ĐCSTQ chính thức tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và tự phô trương rằng đã “tạo nên một kỳ tích trong lịch sử văn minh nhân loại – một quốc gia đông dân đã thành công thoát khỏi đại dịch”. Đồng thời, các kênh truyền thông chính thống còn tuyên truyền rầm rộ rằng tất cả quyết định của ban lãnh đạo ĐCSTQ nhằm đối phó với dịch bệnh là “hoàn toàn đúng đắn”, các tờ báo đảng cũng đăng một loạt bài bình luận.

Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đã không còn bị lừa dối bởi loại tuyên truyền tẩy não này.

Tháng trước, các cư dân mạng ở Thượng Hải đã bắt đầu đăng tải lại và truyền tay nhau thông báo phong tỏa thành phố mà họ nhận được một năm trước. Đi kèm đó là các bình luận như: “Không được quên; Không tha thứ”.

Vào cuối tháng 3, một cư dân Thượng Hải đã đăng một bài viết về tác động tâm lý lâu dài do phong tỏa gây ra trên tài khoản WeChat công chúng (WeChat Official Account, tương tự Fanpage trên Facebook). Nhưng không lâu sau khi được đăng tải, bài viết đã không thể truy cập được.

Cũng có một số cư dân Thượng Hải mua áo phông màu tím có dòng chữ “Shanghai Locked survivor” (Người sống sót trong vụ phong tỏa Thượng Hải) trên mạng, nhưng sau đó họ đã bị cảnh sát đưa đi thẩm vấn.

Cô Quách Tinh (Guo Jing) là một nhà công tác xã hội tham gia vào các hoạt động vì quyền và lợi ích của phụ nữ. Trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, cô kể rằng cô sống ở Vũ Hán trong thời gian thành phố này bị phong tỏa vào năm 2020, sau đó nhân viên an ninh nội địa đã yêu cầu cô giao nộp bản thảo cuốn nhật ký mà cô xuất bản vào năm đó, và còn lắp đặt camera giám sát bên ngoài căn hộ của cô.

Cuối cùng, cô Quách cảm thấy rằng cuộc sống của mình có thể dễ dàng bị hủy hoại bất cứ lúc nào, nên cô đã rời Trung Quốc vào tháng 10/2021 và không bao giờ có ý định quay trở lại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới