Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi con thuyền “giữa hai làn đạn”

Khi con thuyền “giữa hai làn đạn”

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam trong ba này từ 14 đến 16/4. Cũng trong ba ngày đó, theo tin của Cục An toàn Hàng hải Yangpu ở Hải Nam, Trung Quốc, quân đội nước này tiến hành bắn đạn thật ở vùng Vịnh phía bắc giáp Việt Nam.

Đánh giá từ phía Việt Nam và Mỹ đều cho rằng, kết quả chuyến thăm lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ là thành công rất tốt đẹp. Ông Blinken nói, chuyến thăm xóa đi khoảng trời mù sương giữa hai nước, đặt ra hi vọng mới về việc nâng mức ngoại giao lên tầm cao mới.

Còn phía Trung Quốc thì sao? Chắc chắn ông bạn láng giềng phía Bắc không vui vẻ gì khi Hà Nội xích lại gần Washington vào lúc Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh địa chính trị gay gắt nhằm tới ngôi vị số một thế giới. Và phải chăng việc tổ chức cho bộ đội bắn đạt thật ngay “sát nách” hàng xóm là hành động phản ứng lộ liễu?

Còn trên Thời báo Hoàn Cầu – một ấn phẩm chuyên việc “đánh đấm” của Nhân Dân Nhật báo đã cao giọng nhắc chính quyền Hà Nội rằng: “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ có thể dẫn đến kết quả trong một số lĩnh vực, như an ninh hàng hải, hay một số cải thiện trong hợp tác kinh tế, nhưng không thể ảnh hưởng đến chiến lược chung của Việt Nam, bởi giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tồn tại một số mâu thuẫn cố hữu và mang tính cơ cấu.”

“Mang tính cơ cấu” là gì thì các nhà lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh hiểu sâu sắc hơn ai hết, đó là ý thức hệ, là chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đấy là thông tin từ báo chí Trung Quốc. Còn tiếng nói chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì sao? Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam viết trên trang facebook: “Dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và những quốc gia trong ASEAN, hiện tại tình hình trên biển được duy trì ổn định. Trung Quốc và các nước ASEAN tích cực thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), nhất trí đẩy nhanh thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sẵn sàng thông qua “ý tưởng kép” để xử lý thoả đáng vấn đề trên biển”.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng nói: “Nguyện vọng chung của các nước trong khu vực là xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Một số quốc gia ngoài khu vực dựa trên tư duy chiến tranh lạnh và ý đồ giữ vững bá quyền, lợi dụng mọi cơ hội để gây bất hoà và chia rẽ. Hành vi của họ nhất định không lấy được lòng dân và chắc chắn sẽ thất bại”.

Vậy là lời lẽ của Đại sứ Trung Quốc vẫn còn giữ chừng mực, ám chỉ Mỹ chứ không chọc giận hay công kích.

Về phía Mỹ, hiện nay, Washinton đang phải đối mặt với những thách thức ở Đông Nam Á. Thách thức lớn nhất là cần phải xây dựng một liên minh để chống lại Trung Quốc, ngăn chặn các mưu toan của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Mỹ xác định, Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á, cần tăng cường quan hệ.

Còn Hà Nội thì rất muốn đẩy mạnh hợp tác với Washington mà không làm Bắc Kinh giận dữ. Hà Nội còn gặp khó nhiều hơn, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow ngày càng khăng khít trong thời gian gần đây, sau khi Nga xâm lược Ukraine. Cả Trung Quốc và Nga đều là đối tác chiến lược của Việt Nam, là những “ông bạn vàng”.

Với chính sách “ngoại giao cây tre” mà gần đây ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói, Hà Nội xác định: đối địch với Trung Quốc là điều không nên và không cần thiết. Hà Nội tìm mọi cách tránh lộ diện như là một phần trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ được thiết kế để chống lại Trung Quốc.

Đương nhiên Hà Nội đón khách quý từ Mỹ một cách nồng nhiệt và đang chuẩn bị đón Tổng thống Joe Biden là thể hiện Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Làm được như vậy Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích chính trị và kinh tế.

Vẫn biết, Hà Nội rất tỉnh táo khi biết rằng, không thể biết Mỹ hay Trung Quốc sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn này. Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác, có lẽ sẽ có cách hành xử khôn ngoan là “không chọn bên”, chỉ chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải, vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Nếu như liên minh với Mỹ để chống lại Trung Quốc, chắc chắn sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Việt Nam, vì vậy Hà Nội cần tỉnh táo để lái con thuyền “đấu tranh và hợp tác” giữa hai làn đạn và tránh cả những đợt sóng ngầm.

Mặc dù tới đây sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không dừng lại mà có khả năng gay gắt hơn, Hà Nội vẫn có thể “là bạn, là đối tác tin cậy” của cả hai để đạt được lợi ích lớn nhất và giảm bớt những căng thẳng, bất trắc. Đó là đường lối nhất quán. Cứng rắn nhưng uyển chuyển, linh hoạt, “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới