Friday, November 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Antony Blinken trừ ai ra?

Ông Antony Blinken trừ ai ra?

Sự quan tâm của Bắc Kinh về chuyến công du Hà Nội của nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ thể hiện trước hết qua truyền thông, trong có bài viết của tờ Thời báo Hoàn cầu.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, 15/4/2023.

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) là một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo – cơ quan của Đảng CSTQ. Thế nên, cho dù đôi khi Trung Nam Hải chối bay chối biến, phủ nhận trách nhiệm khi bị dư luận phản ứng về một thông tin tiêu cực nào đó Thời báo Hoàn cầu tung ra, độc giả vẫn có lý do để khẳng định, không có Trung Nam Hải bật đèn xanh, bố bảo tờ báo này dám tự tiện.

Liên quan chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trước đó một tuần, Thời báo Hoàn cầu đã có một bài bình luận. Khác với kiểu bỗ bã, xóc óc thường có khi đề cập những gì không vừa ý mình, bài bình luận dẫn ý kiến một chuyên gia để “nói xa nói gần” rằng: “Mỹ đang tìm cách nâng cấp mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm đối tác chiến lược nhưng Việt Nam dường như còn có những mối lo ngại”; chuyến thăm “có thể dẫn đến kết quả trong một số lĩnh vực, như an ninh hàng hải hay một số cải thiện trong hợp tác kinh tế, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược chung của Việt Nam bởi giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tồn tại một số mâu thuẫn cố hữu và mang tính cơ cấu.”

Nhưng, như câu tục ngữ của Việt Nam “nói gần nói xa chẳng qua nói thật”, thiên hạ nhận ngay ra thông điệp mà Bắc Kinh mượn miệng Thời báo Hoàn cầu để “rung” Hà Nội. Đó là, Hà Nội hãy tỉnh táo, hãy ý thức được giới hạn trong quan hệ với cựu thù bên kia đại dương.

Ẩn đằng sau thông điệp đó, còn là cái đuôi của con…cáo: “nếu không thì sẽ lôi thôi …”. Lôi thôi, hay nói cách khác, có thể bị ai đó làm khó dễ – ai mà chẳng hiểu.

Thực ra, nói một cách nôm na, “chơi với ai” trong quan hệ đối ngoại thời buổi này, Việt Nam đâu cần ai dạy khôn. Lịch sử Việt Nam vô số những trang huy hoàng. Nhưng lịch sử Việt Nam cũng còn đó những trang bi thương chưa hề phai mờ theo thời gian.

Cả huy hoàng và bi thương khiến Việt Nam ngày nay trưởng thành hơn bao giờ hết về tư duy ngoại giao. Chính ông Nguyễn Phú Trọng – đứng đầu Đảng CSVN chẳng đã nêu “ngoại giao cây tre”, nhấn mạnh chủ trương một nền ngoại giao mềm dẻo, uyển chuyển, lấy lợi ích chính đáng dân tộc làm cốt lõi đó sao. Và Việt Nam từ lâu đã chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; kiên trì phương châm “làm bạn với tất cả các nước”…trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế…

Kiên trì chủ trương đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao (coi như thành bạn) với 192 quốc gia trên thế giới (trong đó có 190/193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc).

Kiên trì chủ trương đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Mỹ lịch sử – một chuyến thăm thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam từ phía một cựu thù.

Kiên trì chủ trương đó, trước chuyến thăm Việt Nam của ông Blinken nửa tháng, ngày 29/3 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng và ông chủ Nhà trắng Biden đã có một cuộc điện đàm nồng hậu tới mức dư luận quốc tế kinh ngạc ví nó như “một sự tương tác hiếm hoi của Tổng thống Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia hay thuộc về chính phủ”.

Trở lại với dư âm nóng sốt chuyến thăm của ông Blinken, vẻ như lần này, cả hai đang cùng muốn, cùng hướng tới một cái gì nhiều hơn, cao hơn nữa.

Cái muốn, cái hướng đó thể hiện qua sự trọng thị của nước chủ nhà dành cho vị “sứ thần” của Nhà trắng: ngoài hội đàm với người đồng cấp Bùi Thanh Sơn, còn là các cuộc tiếp rất mực cởi mở, thịnh tình của người đứng đầu Đảng Nguyễn Phú Trọng và ông Thủ tướng Phạm Minh Chính…

Cái muốn, cái hướng đó thể hiện qua những lời nói thẳng chứ chẳng úp mở từ ông Blinken rằng: “Và tôi nghĩ, những gì tôi đang nghe được từ các đồng nghiệp Việt Nam cũng như từ các đồng nghiệp của tôi ở Washington là mong muốn đưa mối quan hệ đối tác này lên một tầm cao hơn nữa”.

Và cũng nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu này tự nói ra cái điều ai cũng biết là “tế nhị” qua trả lời một câu hỏi “sát sàn sạt” từ cánh nhà báo ranh ma: “Trong bối cảnh địa chính trị liên tục thay đổi, chính sách của Mỹ ở Biển Đông thế nào?”, rằng: Việt Nam và Mỹ có cùng một cách tiếp cận, giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực. Điều rất quan trọng là chúng ta đang bảo vệ quyền tự do của các vùng biển, tự do hàng hải, tự do thương mại. Tất cả chúng ta đều tuân thủ luật pháp quốc tế. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) là một trong nhiều quy tắc cơ bản mà Việt Nam và Mỹ đều cảm thấy mọi quốc gia cần phải tôn trọng”.

Không nói ai cũng biết, liên quan câu chuyện Biển Đông, cái gọi là “giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực” trong câu nói của ông Blinken chắc chắn không bao gồm Trung Quốc rồi. Bởi là thành viên UNCLOS 1982, nhưng Trung Quốc có coi ra gì phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) ngày 12/7/2016 về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường 9 đoạn” mà họ đơn phương đưa ra đâu?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới