Saturday, January 11, 2025
Trang chủQuân sựNhững vụ rò rỉ tin tình báo gây chấn động trong lịch...

Những vụ rò rỉ tin tình báo gây chấn động trong lịch sử Mỹ

Vụ rò rỉ mới nhất làm rung chuyển thế giới tình báo Mỹ không phải là lần đầu tiên các tài liệu mật bị phơi bày trước công chúng.

Nghi phạm Jack Teixeira trong vụ rò rỉ thông tin tình báo Lầu Năm Góc gần đây đã ra hầu tòa liên bang ở Boston hôm 14/4.


Hôm 14/4, toà án Mỹ đã buộc tội Jack Teixeira, 21 tuổi, thành viên thuộc lực lượng tình báo của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts, với cáo buộc làm rò rỉ các tài liệu nhạy cảm trên internet.

Tờ New York Times và Washington Post cho hay, Jack Teixeira đã đăng các tài liệu rất nhạy cảm cho một nhóm riêng trên nền tảng mạng xã hội Discord. Các tài liệu này sau đó bị rò rỉ trên không gian mạng internet.

Nhiều tài liệu thuộc loại mật đã được lưu hành trực tuyến trong nhiều tuần qua, có thể là nhiều tháng, song chỉ mới được giới truyền thông cũng như Chính phủ Mỹ phát hiện mới đây.

Tài liệu cung cấp thông tin chi tiết về tình hình Ukraine, cũng như thông tin tình báo về các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Israel. Vụ rò rỉ xảy ra vào thời điểm nhạy cảm trong cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai.

Vụ rò rỉ được mô tả là tổn thất lớn nhất Chính phủ Mỹ phải hứng chịu kể từ khi WikiLeaks công bố hàng nghìn tài liệu mật về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Vụ rò rỉ tài liệu này là vụ việc mới nhất trong một chuỗi vụ lộ lọt tài liệu mật của Mỹ. Một số người liên quan các vụ phát tán tài liệu mật trong quá khứ của Mỹ được ca ngợi như những người hùng, song cũng có trường hợp phải ngồi tù trong nhiều năm.

Hồ sơ Lầu Năm Góc

Việc công bố Hồ sơ Lầu Năm Góc có lẽ là vụ rò rỉ tài liệu mật nổi tiếng và gây ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Năm 1971, Daniel Ellsberg, chuyên gia phân tích quân sự Mỹ, từng làm việc tại tập đoàn RAND, đã rò rỉ một báo cáo của quân đội Mỹ về quá trình can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, vốn ngày càng gây bất mãn khi đã kéo dài sang những năm 1970. Ông đã bí mật sao chụp bản báo cáo và đưa cho các phóng viên.

New York Times đã sử dụng các tài liệu này để đăng tải vào tháng 3/1971. Bài báo gây chấn động chính phủ Mỹ. Bài báo trình bày chi tiết về quá trình tham gia kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ vào Việt Nam và xác nhận nhiều tiếng nói phản chiến. Các tài liệu nêu chi tiết các quyết định và cân nhắc về chính sách của Mỹ từ năm 1945 đến năm 1967.

Vụ rò rỉ tài liệu mật này giáng đòn mạnh vào cấu trúc chính trị và quân sự của Mỹ, lật tẩy những thông tin mà các quan chức đã cố gắng giữ bí mật trong nhiều năm.

Ông Daniel Ellsberg ban đầu bị buộc tội gián điệp, nhưng một thẩm phán Mỹ đã bác bỏ các cáo buộc vào năm 1973. Năm nay 92 tuổi, ông được coi là một trong những người tố giác chính phủ nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ, có những đóng góp vào sự minh bạch của chính phủ.

Rò rỉ tài liệu mật NSA

Vào năm 2013, Edward Snowden – nhân viên làm việc trong Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã tiết lộ loạt tài liệu tình báo cho The Guardian và Washington Post. Tài liệu cho biết Chính phủ Mỹ đang thu thập dữ liệu điện thoại của công dân một cách bất hợp pháp.

Các tài liệu tiết lộ hoạt động bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia – một trong những cơ quan tình báo chính của Mỹ. Tài liệu cũng tiết lộ hành động thu thập dữ liệu bí mật của các chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ như Vương quốc Anh, Australia và New Zealand.

Những tiết lộ của Edward Snowden cũng cho thấy Mỹ thực hiện các chương trình do thám các chính phủ nước ngoài. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã cài máy nghe lén tại một số văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) và theo dõi ít nhất 38 đại sứ quán nước ngoài.

Thông tin mật Edward Snowden tiết lộ khiến người Mỹ lo lắng về dấu vết kỹ thuật số và dữ liệu cá nhân. Cuộc chiến để bảo vệ quyền riêng tư này vẫn diễn ra cho đến ngày nay.

Kho tài liệu Edward Snowden cung cấp cho The Guardian và Washington Post là một trong những vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Chính phủ Mỹ cáo buộc ông Edward Snowden tội gián điệp và trộm cắp tài sản của chính phủ.

Edward Snowden sau đó xin tị nạn ở Nga và hiện ông đang sống lưu vong tại quốc gia này. Tháng 9/2022, Tổng thống Vladimir Putin trao cho Edward Snowden quốc tịch Nga.

WikiLeaks

Năm 2010, Chelsea Manning – một quân nhân và nhà phân tích trong quân đội Mỹ, bắt đầu chia sẻ hàng nghìn tài liệu mật với WikiLeaks vào năm 2010. WikiLeaks là tổ chức truyền thông do Julian Assange thành lập.

WikiLeaks sau đó đã công khai nhiều tài liệu trong số đó và các tài liệu này đã được các tổ chức truyền thông lớn đưa tin.

Kho tài liệu mật do Chelsea Manning cung cấp chứa thông tin chi tiết về các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, cũng như một loạt các bức điện tín ngoại giao. Vụ rò rỉ đã đưa ra một cái nhìn rõ nhất về cuộc xung đột Iraq tại điểm đó.

Một trong những tiết lộ đáng chú ý nhất là đoạn video đồ họa về một chiếc trực thăng Apache của Mỹ giết chết 12 dân thường, trong đó có hai nhà báo Reuters, ở Baghdad năm 2007.

Vụ rò rỉ đã khiến dư luận giảm ủng hộ chính phủ Mỹ can dự vào Iraq. Tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch chấm dứt các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq vào năm 2011.

Chelsea Manning bị kết án 35 năm tù. Tổng thống Barack Obama giảm cho Chelsea Manning vào năm 2017, sau khi thụ án được 7 năm.

Chelsea Manning tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 2018 song không trúng cử.

Reality Winner

Vào năm 2017, Reality Winner, 25 tuổi, cựu thành viên Lực lượng Không quân và là phiên dịch viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Reality Winner bị bắt và bị buộc tội cung cấp tài liệu đã được phân loại của Chính phủ Mỹ cho trang tin TheIntercept.

Tài liệu tuyệt mật từ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho biết Nga đã nỗ lực tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào ít nhất một nhà cung cấp phần mềm bỏ phiếu phục vụ bầu cử bằng cách gửi các thư điện tử (email) khiến người nhận click chuột vào một đường link độc hại đánh cắp dữ liệu.

Các bài viết của The Intercept đã dẫn kết luận từ các cơ quan tình báo Mỹ (bị rò rỉ) cho rằng các cơ quan tình báo Nga đã cố gắng xâm nhập vào hệ thống đăng ký bỏ phiếu của cử tri, làm giảm uy tín của ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ, tạo điều kiện cho Donald Trump thắng cử.

Sau khi bị bắt, Reality Winner cho hay, cô phải nói cho người Mỹ biết sự thật về những nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Reality Winner tốt nghiệp khóa quân sự cơ bản ở căn cứ không quân Lackland ở San Antonio năm 2011. Các nhà điều tra xác nhận cô là một trong 6 cá nhân đã in sao tài liệu và trao đổi email với The Intercept.

Reality Winner bị kết tội làm rò rỉ tài liệu cho một tổ chức truyền thông. Cô đã phải ngồi tù 4 năm và được trả tự do vào năm 2021.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới