Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ quyết làm “trong sạch nội bộ”

TQ quyết làm “trong sạch nội bộ”

Nhiều nguồn tin cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành một cuộc “đại điều tra” đối với các bộ ngành và địa phương; bao gồm một số chính quyền cấp tỉnh và các bộ chủ chốt.

Các binh sĩ của Tiểu đoàn Cảnh vệ Danh dự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành bên ngoài Tử Cấm Thành, gần Quảng trường Thiên An Môn, vào ngày 20/5/020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Li Yanming, đây là dấu hiệu của một đợt thanh trừng chính trị mới sắp diễn ra ở Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn với tờ The Epoch Times hôm 6/4, ông Li cho biết:

“Sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba, đã lập tức tổ chức các chiến dịch điều tra quy mô lớn. Điều này cho thấy có một cuộc đấu đá leo thang trong nội bộ của ĐCSTQ. Tình hình chính trị Trung Quốc hiện nay vô cùng hỗn loạn và bất ổn”.

Ông Li cho rằng cuộc “đại điều tra” lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là để củng cố quyền lực, từ đó đặt nền móng cho một cuộc đại thanh trừng chính trị.

Vào ngày 2/4/2023, tâm phúc của ông Tập là Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng đã ban hành một kế hoạch hoạt động chính thức, nhằm “thúc đẩy điều tra và nghiên cứu các cơ quan công an toàn Trung Quốc”, ông Li cho biết thêm.

Kế hoạch này nhằm bảo vệ “an ninh chính trị của ĐCSTQ”, đồng thời là một lời nhắc nhở đến “‘bài học của phe phái chính trị ông Tôn Lập Quân trước đó’”.

Ông Tôn Lập Quân nguyên là Ủy viên Đảng ủy, đồng thời là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Vào ngày 23/9/2022, ông Tôn kết án tử hình hoãn thi hành án hai năm, ngoài ra bị tước bỏ các quyền chính trị và bị tịch thu tất cả tài sản cá nhân. Ông Tôn thuộc phe trung thành với cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Ông Giang Trạch Dân đã mất hồi tháng 10/2022.

Ông Giang và đồng minh là ông Tăng Khánh Hồng, đều là đối thủ của ông Tập trong cuộc chiến tranh giành quyền lực.

Cuộc điều tra mở rộng tới cấp tỉnh, cấp thành phố
Vào ngày 6/4/2023, website chính thức của chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã đăng thông cáo nói rằng tỉnh này cũng đang tổ chức “một cuộc điều tra lớn”.

Vào ngày 19/3/2023, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã tuyên bố sẽ “thúc đẩy điều tra và nghiên cứu bộ máy ĐCSTQ” trong 12 lĩnh vực, bao gồm cả chính trị, và pháp luật, tài chính, và hệ tư tưởng. Tỉnh Hồ Bắc cùng các khu vực khác như Liêu Ninh, Giang Tô, Quảng Tây và Thượng Hải, đang nỗ lực “noi gương” chính quyền Trung ương và thực hiện điều tra.

Chính quyền tỉnh Giang Tô cho biết các cán bộ địa phương tỉnh này sẽ đi đầu trong việc tiến hành các cuộc khảo sát và nghiên cứu đặc biệt trên toàn tỉnh.

Ngày 4/4/2023, phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Xuyên Tương Năng (Xuan Changneng) thông báo rằng, hệ thống tài chính Trung Quốc cũng sẽ bị điều tra.

Trang Sina đưa tin, tại hội nghị học thuật năm 2023 của Hiệp hội Tài chính Trung Quốc, ông Xuyên đã tuyên bố nội dung của “cuộc điều tra và nghiên cứu mạnh mẽ” về hệ thống tài chính Trung Quốc lần này là: “Tìm cách để ĐCSTQ có thể giám sát toàn bộ hoạt động tài chính và bảo vệ phòng tuyến cuối cùng, từ đó tránh được những rủi ro mang tính hệ thống”.

Cùng ngày 4/4, cơ quan ngôn luận Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã đăng một bài bình luận, viết rằng cần phải nỗ lực để cuộc điều tra và nghiên cứu trở nên “sâu sắc và thiết thực hơn”.

Ý nghĩa của cuộc “đại điều tra”?
Ông Li lập luận rằng có 2 yếu tố khiến ông Tập muốn “điều tra toàn diện” bộ máy ĐCSTQ sau khi thâu tóm được quyền lực.

Yếu tố thứ nhất chính là các vấn đề nan giải mà ĐCSTQ đang phải đối mặt, từ khó khăn do khủng hoảng từ dân số trong nước, cho đến các vấn đề về lương thực, kinh tế, tài chính, đạo đức xã hội và an ninh.

Theo ông Li, một số các dữ liệu trong bộ máy ĐCSTQ và một số ban ngành có thể đã bị làm giả. Vì vậy, cuộc điều tra chuyên sâu này sẽ cho ông Tập một bức tranh chi tiết về khó khăn của từng bộ ngành, từ đó có thể đưa ra giải pháp đối phó hợp lý.

Yếu tố thứ hai là các đối thủ chính trị trước đây của ông Tập Cận Bình. Ông Giang Trạch Dân và phe phái quyền lực của ông Tăng Khánh Hồng đã có một lịch sử lâu dài trong việc thao túng các lĩnh vực quan trọng, doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng. Tất cả những lĩnh vực này đều quan trọng đối với sinh kế của Trung Quốc.

“Các cuộc khủng hoảng trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội Trung Quốc gắn liền với các cuộc đấu tranh nội bộ của các nhóm lợi ích cấp cao của ĐCSTQ,” ông Li nói.

Đại hội ĐCSTQ lần thứ XX bế mạc vào ngày 26/10/2022. Chỉ trong vòng nửa tháng kể từ thời điểm đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố bắt giữ 23 cán bộ cấp trung ương. Những cán bộ này đều là cấp thứ trưởng trở lên, được Ủy ban Trung ương Trung Quốc bổ nhiệm và được Ban Tổ chức ĐCSTQ thông qua. Trong đó, 16 quan chức đã bị điều tra vào năm 2023, và 9 trong số này đã “ngã ngựa” chỉ sau hai nhiệm kỳ, bao gồm 3 giám đốc tài chính là:

Ông Lý Hiểu Bằng (Li Xiaopeng), cựu bí thư đảng ủy và cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Everbright.
Ông Lưu Liên Khả (Liu Liange), cựu bí thư đảng ủy và cựu chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc.
Ông Phạm Nhất Phi (Fan Yifei), thành viên đảng ủy và cựu phó chủ tịch Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Kể từ khi ông Tập lên cầm quyền vào năm 2022, ông đã triển khai cuộc thanh trừng nhắm chủ yếu vào các lĩnh vực chính trị và pháp lý, công nghiệp quân sự, tài chính, và các doanh nghiệp nhà nước. Rất nhiều quan chức cao cấp cấp tỉnh và cấp địa phương của Trung Quốc đã phải “ra đi tay trắng”.

Động thái chính trị
Theo phân tích của ông Li, những chiến dịch điều tra từ trước đến nay của ĐCSTQ đều có phần liên quan đến một khủng hoảng “sống còn” của đảng.

Trước đây, nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ là ông Mao Trạch Đông cũng từng phát động một cuộc “điều tra và nghiên cứu lớn”.

Vào năm 1958, Trung quốc đã triển khai kế hoạch “Đại Nhảy Vọt” do ông Mao Trạch Đông khởi xướng. Kế hoạch dự kiến kéo dài 4 năm này đã dẫn đến một “nạn đói lớn”, khiến hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng. Sau sự kiện đó, nền kinh tế Trung Quốc đã lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, sự cai trị của ông Mao bị ĐCSTQ nghi ngờ, và trong bộ máy của ĐCSTQ liên tục xảy ra đấu đá nội bộ.

Vì vậy, vào đầu tháng 1/1961, tại phiên họp toàn thể lần thứ IX của Ủy ban Trung ương Trung Quốc khóa VIII, ông Mao đã phát động một cuộc “đại điều tra” và kêu gọi toàn ĐCSTQ chung tay “đẩy mạnh điều tra và nghiên cứu”.

Vào tháng 1/1962, Ủy ban Trung ương Trung Quốc đã tổ chức “Đại hội 7,000 cán bộ”, hội nghị có quy mô lớn nhất trong lịch sử của ĐCSTQ. Tại đây, chủ tịch nước Trung Quốc khi ấy là ông Lưu Thiếu Kỳ đã “bất ngờ công kích” kế hoạch “Đại Nhảy Vọt” và các chính sách khác của ông Mao. Việc bị Ông Lưu Thiếu Kỳ chỉ trích trước 7,000 người đã khiến ông Mao “nổi cơn thịnh nộ”. Năm 1966, ông Mao phát động kế hoạch Đại Cách mạng Văn hóa để trả thù. Ông Lưu Thiếu Kỳ cùng với những người liên can đều bị tra tấn hành hình thảm khốc.

Loại bỏ phe đối nghịch
Trong buổi phỏng vấn với tờ The Epoch Times ngày 6/4, chuyên gia về Trung Quốc Ji Da đã nhận định rằng những chiến dịch “điều tra và nghiên cứu” của ĐCSTQ chỉ là một công cụ để người cầm quyền đảng này loại bỏ các thế lực đối nghịch và thâu tóm quyền lực.

Nếu bộ máy chuyên chế của ĐCSTQ muốn hoạt động trơn tru, thì phải có một đội ngũ phục tùng ĐCSTQ tuyệt đối; vì vậy đảng này sẽ không thể dung thứ và sẽ liên tục thanh trừng các thế lực đối nghịch để tránh các hậu hoạn về sau.

Tuy nhiên, càng loại bỏ nhiều người, càng làm tổn hại đến nhiều thế lực, thì càng tạo ra nhiều kẻ thù. Kết cục là ĐCSTQ sẽ bị cô lập và bế tắc, chuyên gia Ji Da chia sẻ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới