Sunday, December 29, 2024
Trang chủQuân sựRò rỉ tài liệu mật: Mỹ lo sợ vũ khí chống vệ...

Rò rỉ tài liệu mật: Mỹ lo sợ vũ khí chống vệ tinh của TQ

Nếu xung đột tại Đài Loan nổ ra, Mỹ không thể hỗ trợ được nhiều cho hòn đảo này thông qua các vệ tinh bởi những vũ khí tiên tiến mà Trung Quốc đang sở hữu.

Tàu chiến Trung Quốc trên eo biển Đài Loan.

Rò rỉ Lầu Năm Góc (thuật ngữ được sử dụng để chỉ các tài liệu mật bị rò rỉ từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ) đang gây ra nhiều thiệt hại cho tình báo của quốc gia này. Những đánh giá và phân tích về bối cảnh chính trị – quân sự quốc tế của chính phủ Mỹ được tiết lộ cho thấy ở một khía cạnh nào đó, Mỹ chưa sẵn sàng để ứng phó với những mối đe dọa tiềm tàng.

Theo Washington Post, một phần của vụ rò rỉ Lầu Năm Góc trình bày tình hình khó khăn mà Đài Loan phải đối mặt trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Tình báo Mỹ xác nhận Đài Loan dễ bị tấn công, tuy nhiên các tài liệu bị rò rỉ cho thấy Mỹ cũng sẽ có hành động nếu xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan nổ ra.

Điều quan trọng là Washington sẽ cố gắng bảo vệ Đài Loan bằng cách là cung cấp thông tin tình báo. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ sử dụng tích cực các vệ tinh để hỗ trợ Đài Loan, hiện Mỹ cũng sử dụng cách này để cung cấp dữ liệu cho lực lượng vũ trang Ukraine. Liệu Trung Quốc có thể tấn công các vệ tinh của Mỹ khi một cuộc xung đột tiềm ẩn với Đài Loan nổ ra?

Rò rỉ Lầu Năm Góc nói gì?

Theo các tài liệu bị rò rỉ, tình báo Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng tấn công và bắn hạ các vệ tinh của Mỹ. Trung Quốc có các vũ khí không gian đủ sức gây khó khăn cho các hoạt động tình báo Mỹ.

Theo tình báo Mỹ, Trung Quốc thậm chí có thể sử dụng các vệ tinh của nước này để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các tàu của Mỹ trong khu vực. Nhưng không chỉ các tàu chiến dễ bị tổn thương mà các tàu ngầm và tàu sân bay nằm rải rác ở Thái Bình Dương cũng sẽ có nguy cơ bị “thắp sáng như ngọn đèn trong phòng tối”.

Dean Cheng, chuyên viên cao cấp làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Potomac, chuyên nghiên cứu các vấn đề chính trị và an ninh của Trung Quốc, đồng tình với quan điểm này. Theo ông, nếu Trung Quốc thành công trong việc “vô hiệu hóa” các vệ tinh của Mỹ, thì tình hình trong khu vực sẽ trở nên “khó khăn hơn rất nhiều” đối với Mỹ và đồng minh.

Trung Quốc có khả năng chống vệ tinh?

Cuộc thử nghiệm cuối cùng được biết đến của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với hệ thống ASAT (vũ khí chống vệ tinh) là vào năm 2007. Kể từ đó, Bắc Kinh đã không thử nghiệm bất kỳ hệ thống chống vệ tinh nào.

Nhưng một báo cáo năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Bắc Kinh đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc chế tạo tên lửa và vũ khí laser để phá hủy các vệ tinh có quỹ đạo thấp. Hơn nữa, theo tình báo Mỹ, Trung Quốc đang sở hữu những tên lửa đủ sức bắn hạ các loại vệ tinh tầm thấp.

Theo EurAsian Times, Trung Quốc thậm chí có thể có vũ khí hạt nhân chống vệ tinh. Tuyên bố này dựa trên một nghiên cứu của Viện Công nghệ Hạt nhân Tây Bắc ở Tây An.

Các nhà khoa học tại viện này đã phát triển một mô hình đánh giá thiệt hại khi sử dụng vũ khí hạt nhân trong không gian. Theo kết quả, nếu một đầu đạn hạt nhân có điện tích 10 megaton được kích nổ ở độ cao 80 km, tên lửa thậm chí không cần phải bắn trúng vệ tinh nhưng vẫn có thể gây hư hại nghiêm trọng cho mục tiêu.

Các chuyên gia phân tích cho biết, Trung Quốc đã có trạm vũ trụ của riêng mình và hiện tại không ai có thể biết những hoạt động bí mật diễn ra tại đó. Nhiều câu hỏi đang được suy đoán như trạm vũ trụ của Trung Quốc có được trang bị một loại vũ khí nào đó hay không, hay liệu nó có đóng vai trò chính trong việc liên lạc với các vệ tinh của Trung Quốc hay không?

Bên cạnh đó, có những báo cáo về các hệ thống chống vệ tinh mà Bắc Kinh đang phát triển. Theo giới quan sát, Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí này trong lĩnh vực vật lý động học, vật lý phi động học, điện tử, năng lượng định hướng. Những công nghệ này cùng với trạm vũ trụ hiện có của Trung Quốc đang thách thức ưu thế không gian của Mỹ.

Hệ thống DEW

Theo tài liệu bị rò rỉ, Trung Quốc cũng đang tích cực chế tạo một hệ thống phòng không sử dụng năng lượng định hướng được gọi là “vũ khí năng lượng định hướng” (DEW). Đã có những chương trình phát triển vũ khí này ở Mỹ, Nga và Israel, tuy nhiên chỉ được thực hiện trên các hệ thống phòng thủ trên mặt đất.

DEW là vũ khí phá hủy, gây sát thương hoặc làm mất khả năng của mục tiêu bằng năng lượng tập trung cao độ, bao gồm tia laze, vi sóng hoặc chùm hạt.

Vấn đề là Bắc Kinh đang phát triển một phiên bản DEW trong không gian. Nếu Trung Quốc hoàn thành việc phát triển DEW vào năm 2027 và đưa nó lên trạm vũ trụ của mình, thì Mỹ sẽ hoàn toàn bị động trước một cuộc tấn công vệ tinh.

Đài Loan

Rò rỉ Lầu Năm Góc tiết lộ rằng Đài Loan sẽ không thể đủ sức chống lại Trung Quốc. Lực lượng phòng không của Đài Loan thậm chí sẽ không kịp phản ứng trước những tên lửa được Trung Quốc bắn về phía hòn đảo. Đây là những lời từ các tài liệu bị rò rỉ không phải từ tình báo Mỹ, do tình báo Đài Loan thu thập được.

Trên không tình hình cũng tương tự. Theo báo cáo từ Lầu Năm Góc, một nửa số máy bay chiến đấu của Đài Loan không bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tình hình phức tạp đến mức Đài Loan sẽ mất ít nhất một tuần để triển khai máy bay chiến đấu, di chuyển hoặc cất giấu chúng khi xung đột xảy ra.

Rò rỉ Lầu Năm Góc gợi ý rằng trong vòng một tuần, không quân Trung Quốc có thể thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ hòn đảo. Điều mà Nga muốn làm khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine, nhưng không thành công.

Tóm lại với sức mạnh hiện tại, Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn nếu xung đột với Đài Loan nổ ra, việc hỗ trợ của Mỹ và đồng minh sẽ bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả trước những công nghệ mới và tiên tiến của Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới