Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChung quanh việc phân chia Vịnh Thái Lan

Chung quanh việc phân chia Vịnh Thái Lan

Biển Đông là vùng biển lớn thứ tư trên thế giới, nằm ở rìa lục địa, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km2. Trong vùng biển này, có hai vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Đây là hai vịnh có vị trí chiến lược quan trọng đối với các nước có liên quan cùng Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Trong đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất có chủ quyền ở cả hai vịnh biển này.

Với Vịnh Thái Lan thì đây là một khu Vịnh rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực phía Nam và phía Tây Nam của tổ quốc. Tuy nhiên, không giống như Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc phân định đường biên giới trên biển giữa các quốc gia trong khu vực.

Vịnh Thái Lan hay còn gọi là Vịnh Xiêm. Đây là một vùng biển nửa kín với diện tích khoảng 320.000 km², tương đương với diện tích trên đất liền của Việt Nam. Vịnh có chiều dài tối đa khoảng 830 km, chiều rộng khoảng 385 km và được giới hạn bởi bờ biển của 4 quốc gia bao gồm Việt Nam (230km), Campuchia (460 km), Thái Lan (1.660 km) và Malaysia (30 km). Ranh giới của Vịnh Thái Lan được xác định theo đường thẳng nối từ mũi Cà Mau của Việt Nam tới mũi “Kota Baru” tại khu vực “Pengkalan Chepa” trên bờ biển Malaysia. Hai điểm này cách nhau chừng 400km. Theo một số tài liệu, đường bờ biển của Malaysia trong vịnh Thái Lan dài khoảng 150km. Tuy nhiên, nếu chiếu theo vị trí của Vịnh, tức là mũi “Kota Baru” tại khu vực “Pengkalan Chepa” trên bờ biển Malaysia, đường bờ biển của Malaysia trong Vịnh chỉ dài khoảng 30 km.

Nhìn vào bản đồ dầu khí trong vịnh Thái Lan, có thể thấy rằng, phần lớn là các mỏ khí đốt màu đỏ và nó chủ yếu tập trung ở khu vực giữa Vịnh. Vì vậy, căn cứ vào các quy định của công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (1982), toàn bộ Vịnh Thái Lan là đối tượng của các “yêu sách” mở rộng quyền “Tài Phán” của các quốc gia ven biển dẫn tới hạn 22 lý. Tức là khoảng 370,4 km, tức là sẽ bao trọn toàn bộ các mỏ dầu và mỏ khí đốt tại đây. Vì quốc gia nào cũng mong muốn chiếm được phần nhiều nhất có thể nên từ đó đã nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn.

Những mâu thuẫn và phân chia

Do Vịnh Thái Lan được giới hạn bởi 4 bờ biển của 4 quốc gia là Việt Nam. Campuchia, Thái Lan và Malaysia nên mâu thuẫn về vùng chồng lấn và thềm lục địa diễn ra xung quanh 4 quốc gia này. Các tuyên bố về chủ quyền trong Vịnh biển này, đã diễn ra trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Trong đó, đường màu đỏ là tuyên bố chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa (1971), đường màu cam là tuyên bố chủ quyền của Campuchia (1972), đường màu xanh dương là tuyên bố chủ quyền của Thái Lan (1973) và đường màu xanh lá là tuyên bố chủ quyền của Malaysia (1979). Đối với Việt Nam và Thái Lan, sau 9 vòng đàm phán, 09/08/1997 hai nước đã ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong vùng Vịnh Thái Lan. Đây là Hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong Vịnh này. Cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phân định biển giữa Việt Nam – Campuchia, Thái Lan – Campuchia, Việt Nam – Malaysia và Thái Lan, Việt Nam – Campuchia và Thái Lan.

Trước hết là mâu thuẫn phân chia giữa Việt Nam và Campuchia. Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng, có vùng biển liền kề nhau, giữa bờ biển Việt Nam và Campuchia có hơn 150 đảo lớn và nhỏ, được chia thành 7 cụm và một số đảo lẻ. Do đó, chiếu theo quy định của công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (1982), các đảo này là đối tượng của việc mở rộng “yêu sách” về quyền “tài phán” của các quốc gia ven biển. Dưới thời Pháp thuộc, do một số đảo không đủ căn cứ để phân định chủ quyền và đơn phương khai thác tài nguyên, cũng như giải quyết các mâu thuẫn trong quản lý.

Vào ngày 31/1/1939, Toàn quyền Đông Dương đã gửi một bức thư cho “Khâm Sứ Cao Miên”, quyết định vạch ra một đường được gọi là đường Brévié, phân chia quyền quản lý hành chính và kiểm soát các đảo giữa hai bên. Theo đó, Campuchia chính thức quản lý về mặt hành chính của các đảo phía Bắc đường Brévié, còn các đảo phía Nam đường này thuộc quyền quản lý của Nam Kỳ.

Đến năm 1954, cả hai quốc gia đều cho rằng, đường Brévié đã không còn hiệu lực và bắt đầu tranh chấp quyền kiểm soát các đảo. Năm 1956, Campuchia đưa quân đến đảo Phú Dự, sau đó tiếp tục chiếm nhóm đảo Bắc Hải Tặc (1958) và đảo Poulo Wai (1966). Năm 1976, chính quyền “Pol Pot” đòi lấy đường Brévié là biên giới giữa hai nước, với lý do là đường này đã được sử dụng như đường biên giới gần 40 năm qua. Sau này, dưới sự ra đời của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia, đã tạo ra một sự thuận lợi cơ bản cho việc nối lại và tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam Campuchia, nhằm giải quyết những vấn đề về biên giới giữa hai nước.

Việt Nam và Campuchia ký Hiệp định về vùng nước lịch sử vào năm 1982. Theo đó, vùng nước nằm giữa tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến đảo Thổ Chu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bờ biển Kampot đến đảo Poulo Wai của nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia là vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thủy. Nó được quy định trên bản đồ như sau: sẽ lấy điểm bắt đầu ở phía Tây trên đảo Poulo Wai của Campuchia kéo dài đến sát hòn đảo Koh Sess, sau đó, đứng lên đảo Koh Thmei. Tiếp theo sẽ kéo vào bờ biển tỉnh Kampot. Từ đây, sẽ đi vào một điểm cuối cùng giữa biên giới đất liền của Việt Nam và Campuchia, từ điểm này sẽ kéo dài một đường thẳng ra đến mũi An Yên (Phú Quốc). Tuy, mũi An Yên không tìm thấy ở trên bản đồ nhưng sau khi chúng ta tìm bằng tọa độ địa lý thì địa danh này sẽ nằm ở ngoại ô thị trấn An Thới. Từ điểm này, sẽ tiếp tục vòng ra bờ biển phía Bắc và phía Tây của đảo, đến mũi Đất Đỏ. Từ mũi Đất Đỏ sẽ kéo tiếp một đường thẳng đến đảo Thổ Chu, chéo sang một chút sang Hòn Nhạn. Cuối cùng, nối hai điểm cuối và điểm đầu lại với nhau, sẽ được vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia.

Việc kiểm soát vùng nước lịch sử này sẽ do hai bên quản lý, việc sản xuất kinh tế của người dân sẽ tiếp tục như tập quán của người dân trước đây. Hai nước đều có quyền khai thác nguồn lợi hợp pháp trong vùng nước lịch sử. Công dân của nước thứ ba sẽ không được phép đánh bắt trong vùng nước này. Các nguồn tài nguyên như là dầu khí, khoáng sản sẽ do hai nước thỏa thuận, không bên nào được đơn phương thực hiện khai thác tài nguyên. Sau khi ký kết Hiệp định, hai bên tiếp tục đàm phán để phân định đường biên giới và ranh giới trên biển. Cho đến nay, Việt Nam và Campuchia vẫn chưa phân định được biên giới trên biển, cũng như là xác định vùng chồng lấn.

Tuy nhiên, năm 1991, hai nước cũng đã xác định được một đường dàn xếp tạm thời bên ngoài vùng nước lịch sử. Đây là một đường thẳng cách đều giữa đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai kéo dài cho đến đường biên giới và Campuchia tuyên bố vào năm 1972. Nhìn chung thì đường biên giới tạm thời bên ngoài vùng nước lịch sử ngày, chạy gần song song với đường Brevie.

Thứ hai là mâu thuẫn và phân chia ranh giới giữa Việt Nam và Thái Lan. Thái Lan và Việt Nam là hai nước có đường bờ biển đối diện, có cùng quyền mở rộng vùng biển của mình. Do đó, đã tạo ra một vùng chồng lấn rộng khoảng 6.074 km2. Về phía Việt Nam, sau Hiệp định Genève (1954), nước ta bị chia cắt làm hai miền. Toàn bộ vùng biển đảo phía Nam, vĩ tuyến 17, đều do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Năm 1971, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đưa ra “yêu sách” ở vùng biển Vịnh Thái Lan. Trong thời gian từ năm 1977 – 1982, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua một loạt các văn kiện pháp lý, liên quan đến phần biển Việt Nam trong Vịnh. Đó là tuyên bố của chính phủ Việt Nam (12/5/1977), về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Tuyên bố 12/11/1982, về đường cơ sở, dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ biển lục địa Việt Nam và Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia (7/7/1982). Tuy nhiên, trong các văn kiện này, Việt Nam đã không vạch ra một đường ranh giới chính thức nào cho thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Về phía Thái Lan, ngày 18/5/1973, nước này đã đơn phương vạch ra ranh giới của thềm lục địa Thái Lan trong Vịnh và công bố các tọa độ của con đường này. Ranh giới này là đường trung tuyến, giữa 1 bên là các đảo quan trọng của Thái Lan như: Ko Phangan, Koh Samui và bờ biển Thái Lan và bên kia là các đảo và bờ biển của các quốc gia liên quan như: đảo Rong, Salem của Campuchia, đảo Phú Quốc, mũi Cà Mau của Việt Nam. Ngày nay, đường trung tuyến này, chúng ta hay gọi là đường 1973.

Để vạch ranh giới này, Thái Lan đã bỏ qua các đảo xa bờ như là đá Ko Kra, Ko Losin của Thái Lan, đảo Poulo Wai của Campuchia và quần đảo Thổ Chu của Việt Nam. Sau này, khi Việt Nam giải quyết xong các vấn đề của Campuchia, trong quan hệ với nước ta, Thái Lan đã nhiều lần thể hiện nguyện vọng ký kết một Hiệp định về nghề cá và xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Đồng thời, cả hai nước cũng đều nhận thấy, nếu không có một Hiệp định chung thì sẽ rất khó phân định được chủ quyền trên biển. Vì vậy, đến năm 1992, Việt Nam và Thái Lan đã bắt đầu tiến trình đàm phán thương thảo. Tháng 9/1992, Việt Nam và Thái Lan bắt đầu tiến hành đàm phán phân định thềm lục địa giữa hai nước. Qua nhiều năm thương lượng, hai nước đã tiến hành 9 vòng đàm phán, cấp chuyên viên về phân định biển.

Ngày 9/8/1997, Việt Nam và Thái Lan ký Hiệp định phân định biên giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan. Hiệp định có 6 điều, trong đó, khoản 1 điều 1 có vạch ra đường ranh giới trên biển, giữa Việt Nam và Thái Lan, tại khu vực chồng lấn. Đường ranh giới này, được gọi là một đường thẳng nối điểm C và điểm K mà ngày nay, chúng ta hay gọi là đường CK. Trong đó, điểm C là điểm cực Bắc của vùng phát triển chung, được xác lập theo thỏa thuận giữa Vương Quốc Thái Lan và Malaysia, về việc thành lập cơ quan quyền lực chung, khai thác tài nguyên đáy biển trong khu vực thềm lục địa chồng lấn, giữa hai nước ở trong Vịnh Thái Lan. Còn điểm K là một điểm nằm trên đường ranh giới tạm thời trên biển, giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương Quốc Campuchia. Với hiệu lực 32,5% của đảo Thổ Chu, đường phân định này trên thực tế cho thấy, Việt Nam được hưởng 1/3 diện tích chồng lấn và Thái Lan được hưởng 2/3 diện tích vùng chồng lấn. Từ đây, đường biên giới biển CK đã tạo thành biên giới phân định thềm lục địa, giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương Quốc Thái Lan. Đồng thời, cũng là đường phân định đặc quyền kinh tế giữa hai nước này. Đây là Hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được ở trong vịnh Thái Lan.

Thứ ba là mâu thuẫn giữa Việt Nam và Malaysia. Giữa hai nước tồn tại một vùng chồng lấn thềm lục địa, rộng khoảng 2.800 km2. Vùng này hình thành bởi đường ranh giới thềm lục địa, do chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố (1971). Về đường ranh giới thềm lục địa, thể hiện trên hải đồ của Malaysia công bố (1979). Sở dĩ có sự khác nhau đó là do chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã vẽ đường trung tuyến, có tính đến các đảo của hai bên. Tức là lấy đường trung tuyến giữa đảo Hòn Khoai của Việt Nam và đảo Redang của Malaysia. Còn Malaysia lại lấy đường trung tuyến tính từ đảo Redang của họ đến mũi Cà Mau và cũng chính vì yếu tố này, cho nên vùng chồng lấn giữa hai quốc gia kéo dài ra ngoài cả Vịnh Thái Lan. Mặc dù, khu vực chồng lấn trong Vịnh Thái Lan không lớn nhưng lại có tiềm năng rất lớn về dầu mỏ và khí tự nhiên. Đầu những năm 1940, trong khu vực chồng lấn giữa 2 quốc gia, đã phát hiện ra 3 mỏ dầu khí có thể đưa vào kế hoạch phát triển mỏ. Tuy nhiên, 2 quốc gia vẫn chưa có một đường biên giới rõ ràng trong khu vực chồng lấn này. Nên việc khai thác các mỏ này tạm thời được gác lại.

Sau này, Việt Nam và Malaysia đã cùng nhau có những nỗ lực để đi tới ban đàm phán về kế hoạch đường biên giới trên biển, nhằm khai thác nguồn tài nguyên hiệu quả trong khu vực chồng lấn. Theo đó, vào ngày 5/6/1992, tại Kuala Lumpur (Malaysia), 2 quốc gia đã ký kết một thỏa thuận ghi nhớ về khai thác chung dầu khí giữa Việt Nam và Malaysia. Hai bên đã cùng nhau xác định tọa độ khu vực chồng lấn theo đường ranh giới thềm lục địa, do tổng cục dầu khí Việt Nam công bố (1977) và đường ranh giới thềm lục địa, thể hiện trên ranh giới hải đồ của Malaysia công bố (1979). Bản ghi nhớ này gồm 8 điều. Trong đó, điều 1 quy định khu vực khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia, được hình thành theo bản ghi nhớ vào ngày 5/6/1992, giới hạn bởi các đoạn thẳng nối 6 điểm được đánh thứ tự A, B, C, D, E, F. Trong đó, điểm A nằm cách Hòn Khoai của Việt Nam khoảng 204 km về phía Tây Nam và cách mũi Kota Baru tại khu vực “Pengkalan Chepa” trên bờ biển của Malaysia khoảng 172 km về phía Bắc. Điểm B nằm chếch lên phía trên điểm A một chút, 2 điểm này cách nhau khoảng 4,48 km. Tiếp đến là điểm C cách điểm B khoảng 4km, điểm D nằm cách điểm C khoảng 25 km về phía Đông Nam, điểm E nằm cách điểm D 243,2 km về phía Tây Bắc và nằm cách hòn Vung (Côn Đảo) 307 km về phía Nam. Còn điểm F nằm cách điểm E 137,6 km về phía Đông. Nối 6 điểm này lại, sẽ được khu vực khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia có diện tích khoảng 2.800 km2. Trong khu vực này, 2 nước tuân thủ nguyên tắc chia sẻ đồng đều mọi lợi nhuận, cũng như là trách nhiệm và nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Tuy nhiên, cho đến nay thì hai nước vẫn chưa có một cuộc đàm phán mới nào về phân định đường biên giới trên biển.

Kiên trì đàm phán trong hòa bình

Ngoài ra trên Vịnh Thái Lan còn tồn tại vùng chồng lấn 3 bên của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Hiện nay, ba quốc gia vẫn đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận chung về việc khai thác ở vùng chồng lấn. Hiện mới chỉ xác định được tọa độ địa lý và diện tích của khu vực này, chứ chưa có bất kỳ một Hiệp định nào được thông qua giữa ba nước. Khu vực này gồm 4 điểm, được đánh dấu từ 1 đến 4. Trong đó, điểm 1 có tọa độ gần như trùng khớp với điểm C của đường CK, biên giới biển giữa Việt Nam – Thái Lan. Điểm 2 cách điểm số 1 về phía Tây, còn điểm 3 có tọa độ gần giống với điểm B trong khu vực khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia. Điểm 4 cũng giống với điểm C được xác định trong khu vực khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia. Nối cả bốn điểm này lại với nhau, chúng ta được khu vực khai thác chung giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, với tổng diện tích khoảng 232 km2. Mặc dù, diện tích khá khiêm tốn nhưng khu vực này lại chứa đựng rất nhiều tiềm năng về nguồn lợi hải sản, cũng như dầu khí. Hi vọng trong tương lai, cả ba nước đều sẽ có tiếng nói chung để khai thác khu vực này một cách hiệu quả.

Như vậy, dựa theo các thông tin nêu trên thì vùng biển Vịnh Thái Lan vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, dựa theo các Hiệp định về vùng nước lịch sử, đường biên giới tạm thời, đường biên giới chính thức về Thái Lan và vùng khai thác chung thì giới hạn trên Vịnh Thái Lan của chúng ta sẽ như đường màu đỏ dưới đây. Nhìn chung quá trình phân chia Vịnh Thái Lan diễn ra rất phức tạp. Hiện tại, về cơ bản, giữa các bên đều đạt được một số thống nhất định. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, nhất là tình trạng bất ổn của Thái Lan thì khả năng trong tương lai sẽ có thêm nhiều “yêu sách” liên quan đến chủ quyền là rất cao. Hi vọng là dù trong trường hợp nào thì các bên đều có thể cùng kiên trì đàm phán trong Hòa Bình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới