Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Của tin gọi một chút này…”

“Của tin gọi một chút này…”

Philippines đồng ý tăng thêm 4 căn cứ Mỹ có thể sử dụng trên lãnh thổ nước này, nhưng Mỹ không được thực thi các hoạt động nhằm vào Đài Loan. Điều kiện kèm theo đó ví như câu Kiều “của tin gọi một chút này làm ghi” của thi hào Việt Nam Nguyễn Du.

Binh lính Mỹ và Philippines tham gia tập trận chung ở căn cứ Fort Magsaysay, Nueva Ecija, ngày 31/3.

Diễn dịch cụ thể hơn, “của tin” của của Philippines là dành cho Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang điên đầu với quốc gia láng giềng từng có thời hết mực gẫn gũi, mặn mà của mình. Mà thời đó nào đã xa xôi. Nó là thời mà ông Duterte làm tổng thống, ít ra cũng trong thời gian 4/5 nhiệm kỳ, gắn với bao nhiêu sự kiện, trong đó có cả một dự án đầy kỳ vọng hợp tác khai thác chung về dầu khí trên Biển Đông.

Chẳng phải tới lúc quan hệ Trung Quốc – Philippines “loãng” đi mới có người đổ xô vào bình phẩm. Từ năm 2018, khi ông Duterte chạm ly với ông Tập Cận Bình tại Trung Nam Hải hoan hỷ với Thỏa thuận khai thác chung hai bên vừa đạt được, các chính trị gia đối lập Philippines và dư luận đã cảnh báo, ông Duterte đang chơi thứ “trò chơi nguy hiểm” về chủ quyền trên Biển Đông. Và họ dẫn lại vụ Philippines mất kiểm kiểm soát bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc năm 2012. Tuy nhiên, đối lại, không chỉ tự tin “Thỏa thuận phải có lợi cho chúng tôi chứ không chỉ Trung Quốc”, ông Duterte quy kết luôn các chính trị gia đối lập là những người “lo lắng một cách phù phiếm” (!).

Tới cuối nhiệm kỳ, phản ứng của cánh lập pháp cùng những hành động ngang ngược, nhẫn tâm của Trung Quốc đối với ngư dân Philippines mới khiến ông Duterte mới giật mình, hối hả tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận trên.

Từ đó, cho dù đôi khi có người nhắc lại và đề xuất tái đàm phán, nhưng cái dự án khai thác chung dầu khí với Bắc Kinh dường như đã đi vào quên lãng. Nó càng trở nên hết cơ hội khi cùng thời gian này, quan hệ Philippines – Mỹ ví như “gương vỡ lại lành”, nhất là sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kalama Harris cuối năm 2022 cam kết rằng: Mối quan hệ Mỹ – Philippines là lâu dài, bền vững và cam kết của Washington với Manila về bảo đảm an ninh là “không lay chuyển”. Và đáp lại, ông Ferdinand Marcos Jr cũng tin tưởng: tương lai của mối quan hệ Mỹ – Philippines sẽ ngày càng sâu sắc hơn dựa trên nền tảng đồng minh lâu bền.

Chứng thực cho sự gắn bó đó là hàng loạt động thái, trong đó có các cuộc tập trận quy mô lớn giữa hai bên, khiến Bắc Kinh nóng mắt.

Chuyện càng như “thêm dầu vào lửa” với việc đầu tháng 4 vừa qua, Philippines công bố 4 địa điểm cho phép quân đội Mỹ tiếp cận theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) giữa hai nước (ký năm 2014, cho phép Mỹ hiện diện nhiều hơn tại các căn cứ quân sự của Philippines). Như vậy, nếu tính 5 căn cứ được sử dụng từ trước, căn cứ quân sự Mỹ được sử dụng ở Philippines sẽ lên tới con số 9 trong tương lai gần.

Tăng số lượng đã là điều Trung Quốc cay cú. Càng cay hơn khi trong 4 căn cứ mới được công bố, căn cứ ở Camilo Osias chỉ cách Đài Loan khoảng 400km. Trung Quốc đâu phải kẻ khờ khạo để không biết rằng, Mỹ hẳn đang đắc ý với khoảng cách đó. Vì sao? Vì nó giúp các loại tên lửa của Mỹ phát huy tốt nhất sức mạnh hỏa lực và độ chính xác trong tình huống đối đầu với Trung Quốc. Nói cách khác, giả như Trung Quốc phát động một cuộc tấn công thật (chứ không mô phỏng như hai cuộc tập trận trả đũa việc bà Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện, thăm Đài Loan năm ngoài; và vừa qua, đương kim Chủ tịch Hạ viện – ông McCarthy và gặp bà Thái Anh Văn – tổng thống Đài Loan quá cảnh tại Mỹ) nhằm thu hồi Đài Loan, thì cần tính đến sự trả đũa của Mỹ từ các căn cứ quân sự được sử dụng tại Philippines.

Trách gì Trung Quốc chẳng “gầm” lên ngay khi thập thò thông tin Manila hào phóng với Washington?

Tiếp theo việc Đại sứ Trung Quốc tại Philippines ngày 12/3 kêu gọi Manila “ngừng đi theo con đường sai lầm gieo rắc bất hòa và gây rối”, “Philippines không nên ‘rước sói’ vào nhà hay mở toang cửa cho kẻ trộm”, ngày 4/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Mao Ninh – đã ném vào Mỹ tuyên bố nặng như đá. Tuyên bố đó coi việc Mỹ tăng cường căn cứ “chắc chắn sẽ làm căng thẳng quân sự gia tăng và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Cùng với “hòn đá” trên, Bắc Kinh cũng uốn nắn khéo Philippines hãy “suy nghĩ sâu sắc về những gì phù hợp và những gì có lợi cho cả hai bên, để đưa ra những lựa chọn thực sự có lợi cho lợi ích của chính họ cũng như hòa bình và ổn định khu vực”.

Nói cho cùng, bà Mao có lý để giận dữ. Washington chẳng thể bỗng dưng “thêm tay thêm chân”, nếu không có cái gật đầu hào phóng từ Manila.

Còn Manila, sau những gì đã nếm trải vẻ như cũng biết làm hàng xóm với Trung Quốc thì cần hiểu bản chất thật thay vì tin vào những lời tử tế đầu lưỡi; đồng thời, còn phải khéo để tránh việc bị Trung Nam Hải kiếm cớ gây sự.

Thế nên, ngày 19/4, trước thượng viện Philippines, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã kết hợp việc điều trần với bắn đi một thông điệp tới Trung Nam Hải rằng: “Quan điểm của chúng tôi là EDCA không được nhằm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào, thỏa thuận phải được sử dụng cho trường hợp của Philippines”.

Coi như chút “của tin…” Philippines dành cho Trung Quốc vậy.

Nhưng, nếu trong con mắt Bắc Kinh, chút “của tin…” đó của Manila chỉ bé bằng cái kẹo, thì câu chuyện Biển Đông thời gian tới sẽ diễn ra theo hướng nào?

Nhiều người bắt đầu lo rồi đấy!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới