Sau một quý tăng trưởng kinh tế “thấp bất ngờ”, TPHCM tiếp tục đưa ra kịch bản 3 quý còn lại với mục tiêu cả năm đạt 7,5%. Trong đó có kịch bản quý III tăng trưởng tới 16,5%.
Nỗi lòng doanh nghiệp: Quy trình 30 ngày chưa xong, nâng 2 tầng mất… 4 năm
Thông tin Tập đoàn Novaland được Chính phủ lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc các dự án tại Đồng Nai, Bình Thuận được đánh giá là tích cực trong bối cảnh doanh nghiệp này chịu nhiều sức ép về nguồn vốn và thanh khoản. Nếu được gỡ vướng, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường, như lời ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Novaland – kiến nghị với Thủ tướng trong phiên họp trực tuyến hồi giữa tháng 2.
Không chỉ Novaland, theo báo cáo từ Tổ công tác của Thủ tướng, cả nước có hơn 1.000 dự án bất động sản còn vướng pháp lý, trong đó chủ yếu là các dự án nhà ở thương mại. Khó khăn được phản ánh nhiều nhất liên quan đến pháp luật về đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, khan hiếm nguồn lực tài chính… Riêng tại TPHCM, khoảng 160 dự án cũng trong diện khó khăn về pháp lý, cần được gỡ vướng mắc.
Thời gian qua, TPHCM cũng có nhiều lần gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn. Hồi đầu tháng 3, thành phố có “xử điểm” 7 dự án và đưa ra phương án tháo gỡ cho 4 dự án. Các dự án khác vẫn đang tiếp tục được xem xét, có thể phân loại các khó khăn vướng mắc, xác định cụ thể cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thống nhất phương án xử lý.
Vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp tại TPHCM “đau đầu”, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh.
Trong một hội thảo mới đây, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân Group, nói thủ tục hành chính kéo dài khiến một dự án phải mất 5-10 năm mới có thể hoàn thành. Trước đây, một sở giải quyết, quy trình có thể mất 3 đến 10 ngày, nay tới 30 ngày chưa xong.
Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty Lê Thành nói để điều chỉnh quy hoạch một dự án trong khu vực được điều chỉnh, chủ đầu tư mất 4 năm chỉ để nâng từ 12 tầng lên 14 tầng. Trong khâu thủ tục chấp thuận đầu tư dự án, doanh nghiệp phải xin ý kiến các sở, ngành, có khi 6 tháng không trả lời.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản nhà ở tại TPHCM cho rằng hiện tại, nhiều chính sách kích cầu, củng cố niềm tin của thị trường được đưa ra nhưng chưa được áp dụng mạnh mẽ vào thực tế.
Ví dụ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tưởng chừng ưu đãi nhưng lại gây bất cập khi lãi suất 6 tháng được thương lượng một lần. Điều này dẫn tới rủi ro cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà trong việc khó cân đối được dòng tiền và khó tính toán bài toán tài chính. Hay lãi suất dù đã giảm 1-2%/năm so với trước đây nhưng vẫn ở mức cao, vẫn còn khoảng 14%/năm, như vậy doanh nghiệp không còn lãi.
Khả năng “tăng tốc” của nền kinh tế đầu tàu
Quý I vừa qua, bất động sản là một trong những ngành giảm sâu về giá trị tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TPHCM với mức giảm 16,2%. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ngành này, nhóm xây dựng cũng giảm tới 20%.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam, cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cần thiết giải quyết các vấn đề về tín dụng, lãi suất… nhưng vấn đề pháp lý dự án (chiếm 70% khó khăn của thị trường bất động sản TPHCM) là một thử thách cho các bên liên quan để xử lý nhanh chóng. Quy trình tháo gỡ thường đi qua nhiều bước, nhiều bộ ngành, thậm chí phải thông qua Quốc hội. Do đó, pháp lý dự án không thể giải quyết trong 1-2 quý, có nghĩa là câu chuyện ngành bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong khi thị trường còn đang hết sức ngổn ngang thì vừa qua, Trung tâm Mô phỏng kinh tế – xã hội TPHCM đưa ra dự báo về 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố trong các quý còn lại của năm nay, sau quý đầu năm chỉ đạt 0,7%.
– Kịch bản đầu tiên, tăng trưởng GRDP quý II đạt 1,19%, quý III đạt 16,52%, quý IV đạt 12,14%.
– Kịch bản thứ hai, tăng trưởng GRDP quý II đạt 1,55%, quý III đạt 16,16%, quý IV đạt 12,1%.
– Kịch bản thứ ba, tăng trưởng GRDP lần lượt các quý là 3,27-16,3% và 10,13%.
Cho dù là kịch bản nào thì mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%, dựa trên sự bứt phá mạnh mẽ trong quý III và IV. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng chung đã được đặt ra từ đầu năm là 7,5-8%. TPHCM cũng chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung, Trung tâm Mô phỏng kinh tế – xã hội TPHCM nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm nay sẽ phụ thuộc vào diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ.
6 nhóm giải pháp được đưa ra, gồm tận dụng thuận lợi từ môi trường vĩ mô đang có chiều hướng tốt hơn từ quý II; quyết liệt giải ngân đầu tư công và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho các dự án, nhất là các dự án bất động sản; kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; thực thi công vụ hiệu quả và thúc đẩy trung ương ban hành thể chế; tạo đồng thuận xã hội từ các chính sách an sinh, y tế, giáo dục.
Chia sẻ với Dân trí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng không có cơ sở cụ thể để thấy một nền kinh tế địa phương, dù là “đầu tàu”, có thể tăng trưởng trên 10%. Trong quá khứ, tăng trưởng kinh tế của cả nước đã từng đạt trên 10% nhưng ở thời điểm này, với những khó khăn của thế giới và nội tại, mức tăng 15-16% một quý là không khả thi. Hơn nữa, mỗi kịch bản tăng trưởng cần cụ thể từng ngành nghề, thể hiện đầy đủ nếu tăng thì vốn ở đâu, nguồn lao động ra sao… Các con số đang phản ánh mong ước và không có tính thực tế.
Cũng theo quan điểm của ông, mục tiêu tăng trưởng 7,5% của TPHCM khó có thể đạt được. Mức hợp lý có thể là 5%, dựa trên các điều kiện kinh tế hiện tại, các khó khăn, yếu tố thị trường… TPHCM cần điều chỉnh mục tiêu này, không nên “vẽ màu hồng” lên nền kinh tế, dẫu biết thành phố đang chịu áp lực lớn, cần tạo sự hứng khởi và không khí lạc quan để vực dậy nhưng cần có cơ sở. Mọi sự hứng khởi, lạc quan cần có cơ sở.
Ở góc nhìn thận trọng, TS. Sử Ngọc Khương cho rằng với mục tiêu tăng trưởng của TPHCM, nếu thực hiện được thì vô cùng đáng mừng. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, Việt Nam cũng bị tác động, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ sau Covid-19, cộng thêm khó khăn về pháp lý dự án, tồn đọng trái phiếu thì động lực nào để TPHCM thực hiện mục tiêu trên còn là dấu hỏi.
Ngược lại, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nói nhìn tổng thể, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% là cao hơn con số 6,5% tăng trưởng GDP cả nước năm nay. Mục tiêu này là thách thức, tuy nhiên hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ông Thành nêu năm nay được dự báo là khó khăn nhưng cũng có nhiều yếu tố tích cực, bớt áp lực cả ở bên trong và bên ngoài. Với bên ngoài, áp lực lạm phát, tỷ giá cũng giảm, chưa kể nhiều nền kinh tế phục hồi khá như Trung Quốc. Còn ở bên trong, vấn đề tài chính, tiền tệ đã được Chính phủ điều hành kịp thời, bước đầu có cải thiện, lãi suất đã hạ so với trước đây.
Riêng đối với TPHCM, quý I tăng trưởng giảm phần lớn do giảm ở lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp; đầu tư công, hạ tầng, công trình bất động sản dừng và chững lại; một số lĩnh vực dịch vụ “nhúc nhích”.
Quý II, ông Thành cho rằng việc tăng trưởng của TPHCM chưa thể quá mạnh vì đang trong quá trình chuẩn bị. Nửa năm sau, tình hình sẽ được cải thiện hơn, bởi Chính phủ cùng các bộ ngành quyết tâm tháo gỡ các khó khăn. Nhiều khả năng trong tháng 5, Quốc hội họp sẽ thông qua cơ chế đặc thù cho TPHCM, giúp “đả thông” được nhiều dự án. Do đó, tăng trưởng sẽ bật tăng.
Quyết tâm của TPHCM
Dù có như thế nào, TPHCM vẫn “chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu đạt được tăng trưởng cao nhất có thể trong năm”, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM – cho biết tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ do Thủ tướng chủ trì (ngày 16/4).
Trong cuộc họp này, lãnh đạo TPHCM có đưa ra phương án triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, đầu tư công và đầu tư tư nhân. Trong đó, thành phố tập trung các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tập trung đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm như Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; Tuyến Metro số 1; dự án rạch Xuyên Tâm; nút giao An Phú…
Ông Phan Văn Mãi thẳng thắn nhìn nhận thành phố có tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ công chức viên chức là có thật. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển.
Chủ tịch UBND TPHCM còn kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá Thành phố nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định.
Thành phố kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng (Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài; Dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TPHCM – Trung Lương; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; Đường Vành đai 3 TPHCM; Đường Vành đai 4 TPHCM; Dự án cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Dự án đường sắt TPHCM – Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu; các dự án đường sắt đô thị…).
Tựu trung lại, TPHCM có 29 đề xuất, kiến nghị, trong đó 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành. Thủ tướng đã cho ý kiến với các đề xuất, kiến nghị của TPHCM tại cuộc họp, nêu rõ cả nước, Trung ương, Chính phủ luôn đồng hành, trách nhiệm trên tinh thần hiệu lực, hiệu quả với TPHCM và TPHCM cũng luôn đồng hành, trách nhiệm cùng cả nước.
T.P