Sunday, December 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChoáng ngợp 'thành phố ma' xa hoa như lăng tẩm vua chúa...

Choáng ngợp ‘thành phố ma’ xa hoa như lăng tẩm vua chúa ở Thừa Thiên – Huế

Ở một miền quê ven biển Thừa Thiên – Huế có khu nghĩa địa với những ngôi mộ bạc tỷ được xây dựng cầu kỳ và xa hoa giống hệt như lăng tẩm vua chúa.

Hàng chục năm qua, khu nghĩa địa ở làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) nổi tiếng với những ngôi mộ bạc tỷ mọc nên như nấm. Khu nghĩa địa “siêu sang” này lại càng nổi tiếng hơn khi năm 2006 hãng tin Daily Mail của Vương quốc Anh bất ngờ cho đăng tải một chùm ảnh về nghĩa trang này với lời bình luận “một nghĩa trang kỳ lạ, đầy màu sắc và xa hoa” và gọi nó là “thành phố của những hồn ma”.

Làng An Bằng hay còn có tên gọi khác là Hà Úc và vốn là một làng chài nghèo của xã Vinh An. Cuộc sống của người dân ở làng chèo này chủ yếu phụ thuộc vào nghề khai thác thủy sản gần bờ trên những con thuyền nhỏ. Cuộc sống của những ngư dân làng An Bằng chuyển sang một trang mới khi khoảng năm 1990 nhà nước cho phép những người Việt định cư ở nước ngoài gửi tiền về cho người thân trong nước.

Nhiều người xuất thân từ làng An Bằng đang sinh sống ở nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) đã gửi tiền về cho người thân. Từ nguồn tiền ấy, dân chài làng An Bằng bắt đầu thay đổi cuộc sống bằng cách làm nhà, tậu xe sang… Với việc cuộc sống đủ đầy và quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ” nên những ngư dân ở An Bằng bắt đầu đi kiến thiết lăng mộ với nguồn tiền chủ yếu từ nước ngoài gửi về. Từ đó, những lăng mộ có giá hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng thi nhau mọc lên như nấm trong khuôn viên nghĩa địa của làng.

Thành phố ma An Bằng nổi tiếng tới mức, hỏi người dân ở Thừa Thiên – Huế gần như ai cũng biết. Khi hỏi đường người thậm chí người dân xứ Huế còn bảo: “Cứ thấy nơi mô nghĩa địa cao hơn nhà ở thì đó là làng An Bằng”. Để về khu nghĩa địa “siêu sang” này có nhiều lối nhưng gần nhất là hạy dọc theo tuyến quốc lộ 49 về biển Thuận An, tiếp tục chạy dọc theo con đường ven biển chừng gần 30km là đến.

Từ trên cao nhìn xuống, khu nghĩa địa làng An Bằng với hàng nghìn ngôi mộ xa hoa nằm trải dài trên những cồn cát trắng ven bãi biển Vinh An. Kích thước các ngôi mộ tại đây cũng không đồng đều và mang đủ các phong cách nhưng hầu hết đều mang một điểm chung là sử dụng các vật liệu đắt tiền, hoa văn cầu kỳ và đều được khảm sành, sứ.

Ở nghĩa địa làng An Bằng rất hiếm những ngôi mộ có kích cỡ nhỏ mà hầu hết đều được xây dựng to lớn, cầu kỳ hệt lăng mộ vua chúa và thường mộ xây sau thường to và hoành tráng hơn mộ xây trước.

Một người thợ đang xây mộ ở khu nghĩa địa làng An Bằng cho biết, nhiều nhà xây rồi nhưng lại đập đi xây lại vì mộ kém đẹp và to so với những ngôi mộ khác. Có những nhà tốn cả vài chục đến vài trăm nghìn USD để xây lăng mộ. Thậm chí, có một số ngôi mộ xa hoa là thế nhưng vẫn còn bỏ trống vì nó được xây trước khi có người chết.

Đây là ngôi mộ mà dân địa phương đánh giá là to đẹp và hoành tráng nhất trong số những ngôi mộ xa hoa ở khu nghĩa địa làng An Bằng. Nhìn từ bên ngoài nghĩa địa có 4 cột trụ còn to còn hơn cả trụ biểu của đình làng. Phía ngoài có 2 con sư tử đá chầu và vừa qua cổng là tượng phật và vào phía trong là nhà bia. Được biết, để xây dựng ngôi mộ này, chủ nhân phải chi ra số tiền gần 10 tỷ đồng.

Theo những người thợ xây ở khu lăng mộ An Bằng, hầu hết các lăng mộ ở đây đều lấy mẫu thiết kế chung từ lăng Khải Định. Sau đó, việc biến hóa thêm hay bớt tùy thuộc vào sở thích của mỗi chủ nhân.

Những ngôi mộ tại nghĩa trang này được trang trí bởi nghệ thuật “khảm sành sứ” đặc trưng ở Huế với những họa tiết hoa lá và hình rồng với những cổng tam quan, mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành… Một số ngôi mộ có kiến trúc công phu, cao 6 mét và được chạm khắc rồng đầy màu sắc vào các cột trụ. Nhiều ngôi mộ mới được xây cao tới 10m và được trang trí tỉ mỉ từng cm.

Những người làm nghề xây mộ ở khu nghĩa địa làng An Bằng băn khoăn: “Không biết sao họ lại có thể bỏ cả tỷ bạc chỉ để xây lăng mộ, phí quá”. Băn khoăn là vậy nhưng họ bảo, nhờ vào việc xây mộ ở đây mà họ có công việc ổn định. Mỗi cái lăng sẽ được khoán cho nhóm thợ làm trong vòng 3 – 5 tháng với mức tiền công khoán khoảng 200 – 300 triệu đồng tùy thuộc vào quy mô từng mộ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới