Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựĐiểm mặt 10 loại tên lửa liên lục địa mạnh nhất thế...

Điểm mặt 10 loại tên lửa liên lục địa mạnh nhất thế giới

Theo trang tin Toutiao (Trung Quốc) ngày 18/4, truyền thông Mỹ vừa công bố bảng xếp hạng 10 tên lửa liên lục địa (ICBM) hàng đầu thế giới, trong đó tên lửa Dongfeng-41 mạnh nhất của Trung Quốc xếp thứ 7.

Tên lửa đạn đạo UGM-133A “Trident D5” phóng từ tàu ngầm của Mỹ hiện được coi là loại tên lửa đứng đầu Top 10 ICBM trên thế giới (Ảnh: Toutiao).

Đương nhiên đây không phải là một bảng xếp hạng chính thức và chỉ phản ánh cách nhìn của một số nhà quan sát, nhưng cũng đáng để tham khảo.

RSM-56 “Bulava”
Đứng cuối bản danh sách Top 10 ICBM hiện nay là hệ thống tên lửa RSM-56 “Bulava” của Nga, loại tên lửa phóng từ tàu ngầm còn được gọi là R-30 này có tầm bắn vượt quá 8.000 km (xa nhất tới 9.100 km), có thể từ Moscow đánh thẳng vào New York.

Tên lửa RSM-56 “Bulava” có thể mang từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân, tầm bắn xa, độ chính xác cao, không dễ bị đánh chặn, ngoài ra sức công phá của đầu đạn hạt nhân là điều không thể nghi ngờ.

Năm 2011, Nga đã hai lần phóng tên lửa RSM-56 “Bulava” từ tàu ngầm hạt nhân “Yuri Dolgoruky”, hiệu quả hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mong muốn.

Julang-2
Xếp thứ 9 là tên lửa đạn đạo JL-2 (Julang-2 hay Cự Lãng-2) của Trung Quốc phóng từ tàu ngầm, xuất hiện lần đầu tiên trong lễ duyệt binh Quốc khánh Trung Quốc (1/10) năm 2019. Sự xuất hiện của loại tên lửa này vào thời điểm đó thực sự khiến các nước châu Âu và châu Mỹ sửng sốt.

Giống như tên lửa Bulava, JL-2 là tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm, tầm bắn khoảng 8.000 km, nhưng tầm bắn xa nhất ngắn hơn Bulava của Nga.

Tuy nhiên, JL-2 có khả năng che giấu mạnh mẽ, trong điều kiện thích hợp, nó có thể tránh được sự phát hiện của đối phương, khi nó xuất hiện trong tầm radar thì đã quá muộn.

Khả năng đột phá của JL-2 cũng rất mạnh, cho dù đối phương có một hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến, nhưng nó có một số lượng lớn đầu đạn phụ và rất khó bị đánh chặn hoàn toàn, nên có thể được coi là một sát thủ lớn của Trung Quốc.

Dongfeng-31A
Đứng ở vị trí thứ 8 là tên lửa hạt nhân nâng cấp DF-31A (Dongfeng-31A hay Đông Phong-31A), là tên lửa liên lục địa chiến lược sử dụng thuốc phóng rắn thế hệ thứ hai do Trung Quốc tự phát triển, ra mắt lần đầu tại cuộc duyệt binh năm 2019 và là một trong những vũ khí cuối cùng của đội hình duyệt binh.

Dongfeng-31 được đặt trên một xe chuyên dụng đã được sửa đổi nâng cấp, có các đặc điểm tầm bắn xa, khả năng che giấu mạnh mẽ, tính linh hoạt cao và khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.

Dongfeng-31 có tầm bắn hơn 10.000 km, có thể nói thuộc nhóm đứng đầu trong các loại tên lửa liên lục địa.

Dongfeng-41
Vị trí thứ 7 là tên lửa đạn đạo Dongfeng-41 – niềm tự hào của người Trung Quốc, từ khi nghiên cứu phát triển ban đầu cho đến khi được nâng cấp cải tiến như hiện tại, đã xảy ra rất nhiều sự cố và nó cũng là mối quan tâm quan trọng của các gián điệp nước ngoài.

Tại cuộc diễu binh Quốc khánh năm 2019, Dongfeng-41 đi ở cuối cuộc diễu hành, có vẻ kín đáo nhưng mọi người đều quan tâm đến đoạn cuối của cuộc diễu binh hoành tráng đó.

Đối với các nước châu Âu và Mỹ, cuộc duyệt binh năm 2019 chắc chắn đã làm thay đổi nhận thức của họ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc hết lần này đến lần khác.

Dongfeng-41 có thể mang trên xe hoặc phóng từ bệ phóng cố định, rất linh hoạt. Truyền thông Trung Quốc viết: “Tên lửa này có tầm bắn khoảng 12.000 km, mang theo 10 đầu đạn hạt nhân đương lượng nhỏ Trung Quốc tự phát triển, bên trong có hệ thống định vị Bắc Đẩu chuyên dụng, có thể nói là chỉ đâu đánh trúng đó.”

“Hơn nữa, uy lực của Dongfeng-41 cực kỳ mạnh mẽ, dù đầu đạn hạt nhân nhỏ, nhưng phạm vi nổ của nó có thể đạt tới hàng trăm km2, có thể trực tiếp phá hủy một nửa Hiroshima” – trang Toutiao của Trung Quốc viết.

M-51
Đứng ở vị trí thứ 6 là tên lửa đạn đạo M-51 do Pháp nghiên cứu chế tạo, được thử nghiệm lần đầu tiên và phóng thành công vào năm 2006.

Tên lửa M-51 có tầm bắn tối đa 13.000 km và mang theo 12 đầu đạn hạt nhân. Nó có khả năng đột phá mạnh mẽ và có thể được mô tả là tên lửa át chủ bài của Pháp.

Hiện tên lửa đạn đạo M-51 đã được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân của Pháp, khi cần thiết tên lửa này có thể phóng tới bất kỳ quốc gia nào trên thế giới từ tàu ngầm, khả năng che giấu rất tốt.

Pháp mặc dù là một quốc gia NATO và được hỗ trợ bởi “người khổng lồ Hoa Kỳ”, nhưng cuối cùng lại bị người khác kiểm soát, việc Pháp phát triển được một loại tên lửa như vậy rõ ràng là một bước tiến lớn về khả năng quốc phòng.

SS-N-23M1 “Deep Blue”
Đứng ở vị trí thứ 5 là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm SS-N-23M1 “Deep Blue”, đây là loại tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm hạt nhân do Nga độc lập phát triển, tầm bắn tối đa vượt quá 10.000 km, chỉ cần ngồi ở nhà là có thể tấn công bất cứ nơi nào trên nước Mỹ.

Có thông tin cho rằng Nga hiện có ít nhất 50 tên lửa đạn đạo Deep Blue phóng từ tàu ngầm, được lắp đặt trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Delta, một khi nổ ra chiến tranh đây sẽ là một thế lực không thể xem thường.

Minuteman 3
Đứng thứ 4 là tên lửa liên lục địa Minuteman 3 của Mỹ. Tháng 2/2023, Mỹ đã tiến hành phóng thử tên lửa liên lục địa Minuteman 3. Tên lửa này không mang đầu đạn và chủ yếu đóng vai trò răn đe nhằm phô trương sức mạnh quân sự với các nước khác.

Tên lửa Minuteman 3 có tầm bắn khoảng 12.500 km, mang đầu đạn hạt nhân trong thực chiến, đã được thử nghiệm hơn 300 lần, điều này cho thấy tên lửa liên lục địa Minuteman 3 của Mỹ đã được sản xuất hàng loạt, đây là một trong những nguyên nhân khiến nó có thể xếp ở vị trí thứ 4.

RT-2PM2 “Topol-M”
Ở vị trí thứ 3 là tên lửa đạn đạo RT-2PM2 “Topol-M” (NATO gọi là SS-27), loại tên lửa liên lục địa nhiều đầu đạn do Nga phát triển, mang từ 6 đến 10 đầu đạn được cải tiến, mỗi đầu nặng 1,2 tấn, tổng trọng lượng đầu đạn khoảng 49 tấn.

Tên lửa đạn đạo RT-2PM2 có tầm bắn tối đa 10.500 km và tốc độ bắn khoảng 4.800 mét/giây, tức nhanh gấp hơn 10 lần tốc độ âm thanh.

Điều đó cũng có nghĩa là một khi tên lửa đã được phóng đi thì hầu như khó bị các hệ thống đánh chặn thông thường ngăn chặn, chưa kể tên lửa đạn đạo RT-2PM2 còn là tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau.

Một phần các tên lửa đạn đạo RT-2PM2 được lắp đặt tại căn cứ quân sự dưới lòng đất của Nga, rất khó bị tiêu diệt và tấn công, phần còn lại được nạp trên xe bọc thép để tấn công linh hoạt.

R-36M “Satan”
Xếp thứ 2, tên lửa đạn đạo R-36M “Satan” của Nga. Tên lửa đạn đạo R-36M đã được Nga cải tiến và tối ưu hóa, hiện nay tầm bắn tối đa có thể đạt tới 16.000 km, đương lượng nổ đầu đạn là 20 triệu tấn TNT, tương đương với hơn 1.600 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.

Trọng lượng cất cánh của tên lửa đạn đạo R-36M “Satan” khoảng 210 tấn, ngay cả khi loại vũ khí khủng khiếp này không mang đầu đạn có thể bay 16.000 km thì cũng khá đáng sợ, người ta gọi nó là “tên lửa ngày tận thế”.

Tên lửa đạn đạo R-36M được giấu sâu dưới lòng đất của Nga, sở hữu công nghệ chống vụ nổ hạt nhân và có khả năng phản kích rất mạnh mẽ. Sự tồn tại của tên lửa đạn đạo R-36M “Satan” gần như đồng nghĩa với sự hoàn hảo.

UGM-133A
Đứng ở vị trí đầu tiên của Top 10 là tên lửa đạn đạo UGM-133A (Trident II hoặc Trident D5) của Mỹ, có tầm bắn khoảng 8.000 km, hiện đã được cải tiến nâng cấp lên 10.000 km.

Sở dĩ tên lửa đạn đạo UGM-133A “Trident D5” có thể xếp ở vị trí số 1 là vì xét về năng lực tấn công mạnh mẽ; về uy lực thì nó không bằng tên lửa R-36M “Satan” của Nga.

Tuy nhiên, tên lửa này có độ chính xác rất cao, khi điều chỉnh độ chính xác đường đạn, xác suất sai số có thể đạt tới 90 mét, đường đạn đặc biệt của nó cũng khiến mọi hệ thống phòng thủ gần như không thể đánh chặn.

Để bù đắp cho sự hạn chế về tầm bắn của tên lửa đạn đạo UGM-133A, nó được đưa lên tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất của Mỹ, và có thể được vận chuyển đến bất cứ nơi nào cần thiết.

Nhìn chung, các tên lửa của Trung Quốc, Mỹ và Nga chiếm 90% vị trí trong Top 10, và bảng xếp hạng này không phải là chính thức, vì vậy trong suy nghĩ của mọi người ở các quốc gia, các loại tên lửa và thứ tự các vị trí trong Top 10 ICBM có thể khác nhau.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới