Nga tỏ rõ quyết tâm trong xung đột quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, sau hơn một năm, có thể Tổng thống Putin đã vạch phương án chấm dứt xung đột này sớm nhất có thể để bảo vệ lợi ích quốc gia trong môi trường cạnh tranh nước lớn phức tạp hiện nay.
Chuyển từ “đánh nhanh” sang “đánh chắc”
Tổng thống Nga Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022. Ban đầu Nga định “tốc chiến tốc thắng”, tấn công trực diện vào thủ đô Kiev của Ukraine, với mục tiêu giành chiến thắng nhanh chóng như hồi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, Nga sau đó đã phải thay đổi cách tiếp cận, chuyển sang “đánh chắc tiến chắc”, tập trung vào mặt trận phía Đông. Đến nay, cuộc xung đột vũ trang này đã kéo dài một năm hai tháng, với nhiều tổn thất sinh mạng và của cải cho cả hai bên.
Về phía Ukraine, họ đã mở 2 cuộc tấn công lớn vào năm 2022, thậm chí lấy lại khoảng 40% diện tích mà Nga đã giành được trước đó tính từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Dự kiến Ukraine sẽ mở một cuộc tấn công nữa trong năm nay (2023).
Như vậy, Nga mới chỉ giành được một số thắng lợi nhất định sau một thời gian khá dài. Và Nga đang huy động lượng lớn nguồn lực cho cuộc xung đột này. Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã được chuyển sang chế độ thời chiến.
Hiện rất khó nói một cách chắc chắn khi nào xung đột quân sự Ukraine sẽ kết thúc.
Phương án Nga phá thế giằng co, chấm dứt sớm xung đột
Hiện giới quan sát dự đoán Tổng thống Nga Putin đang tìm kiếm phương thức mới để phá vỡ thế giằng co chiến lược trên chiến trường và chấm dứt xung đột vũ trang.
Một trong các phương pháp mà Tổng thống Putin và đội ngũ của ông áp dụng là cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Biện pháp răn đe này có thể sẽ khiến các đồng minh phương Tây của Ukraine phải dè chừng và nhờ đó có thể chấm dứt viện trợ và các hình thức ủng hộ của phương Tây cho Ukraine. Tuy nhiên, người ta cho rằng ông Putin có lẽ sẽ không mạo hiểm dùng đến đòn hạt nhân cho một cuộc xung đột vũ trang có tính giới hạn.
Phương pháp thứ 2 mà ông Putin dùng tới là tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc công khai nghiêng hẳn về phía Nga trong xung đột này, Tổng thống Putin dễ có cơ lớn giành được chiến thắng quyết định trên chiến trường. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc trông cậy nhiều vào hoạt động thương mại với phương Tây nên họ rất thận trọng khi công khai đối đầu với phương Tây.
Phương pháp thứ 3 mà Tổng thống Putin có thể dùng tới là tuyên bố chiến thắng dựa trên hiện trạng mà Nga có được trên chiến trường hiện nay, kêu gọi các bên chấp nhận đường kiểm soát trên thực địa giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine. Khi ấy, Nga có thể tuyên bố xung đột kết thúc, các mục tiêu của họ đã đạt được. Sau đó, Nga đề xuất rút một bộ phận lực lượng quân sự khỏi Ukraine để đổi lại việc Ukraine phải công nhận những vùng mà Nga đã chiếm được ở miền Đông và miền Nam Ukraine.
Với phương pháp thứ 3 này, Nga sẽ cần chú ý đến dư luận Ukraine. Hiện trong dân chúng Ukraine vẫn có một lượng đáng kể người dân lựa chọn tiếp tục chiến sự. Trong khi đó, phương Tây cũng lo sợ Nga tạo tiền lệ vẽ lại bản đồ quốc gia, thay đổi hiện trạng trước đó, nên có khả năng cao phương Tây sẽ bác bỏ đề xuất của Nga về công nhận hiện trạng mới. Lúc đó, áp lực sẽ gia tăng lên ban lãnh đạo Ukraine, khiến họ tiếp tục xung đột quân sự với Nga.
Nga có thể sẽ lựa chọn phương án thứ 3 này trong bối cảnh nền kinh tế Nga chưa thực sự lớn mạnh và gặp những khó khăn nhất định, vốn có từ trước đây và trở nên trầm trọng hơn với các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Hiện Nga đã tiêu hao một lượng vũ khí, khí tài không nhỏ trong cuộc xung đột ở Ukraine và phải tận dụng cả các vũ khí, khí tài từ thời Liên Xô. Bên cạnh đó, công nghệ của Nga chưa giúp Nga tạo ra được lượng lớn vũ khí thông minh để giành thế áp đảo hoàn toàn trên chiến trường. Nga đã phải sử dụng nhiều vũ khí đạn dược nhập từ Iran. Về thương mại, Nga đang rất cần đến Trung Quốc vào lúc này.
T.P