Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTừ nỗi lo, TQ lật ngược thế cờ tăng trưởng kinh tế...

Từ nỗi lo, TQ lật ngược thế cờ tăng trưởng kinh tế nhờ đâu?

GDP Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong 3 tháng đầu năm. Mức tăng này cao hơn nhiều so với dự báo trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, cũng là mức tăng cao nhất kể từ quý I/2022. Quý IV năm ngoái, GDP Trung Quốc chỉ tăng 2,9%. Với đà hồi phục trên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm nay.

Ảnh minh họa.

Ít ai tin chỉ 4 tháng trước, các tín hiệu cho hồi phục kinh tế của quốc gia này hầu như không rõ ràng…

Từ vật lộn và các dự báo khó khăn …

4 tháng trước, kinh tế Trung Quốc vẫn bao phủ một mảng màu ảm đạm. Doanh nhân, người dân vẫn tỏ ra cảnh giác, chưa quay lại hoạt động bình thường ngay cả khi các biện pháp nới lỏng của Chính phủ trong phòng chống Covid-19 được áp dụng.

Tại trung tâm thành phố Vũ Hán, nơi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019, khung cảnh đã nhộn nhịp hơn vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Dù vậy, tàu điện ngầm Bắc Kinh vào giờ cao điểm vẫn có cả lố ghế trống. Ngay cả khi chính quyền thành phố đã bỏ quy định phải có kết quả xét nghiệm âm tính để đi tàu điện hoặc đến văn phòng, người dân vẫn thờ ơ với việc dùng phương tiện công cộng.

Chủ quán ăn cũng thận trọng. Những biện pháp hạn chế Covid-19 vẫn được quán duy trì. Họ thường xuyên bị thiếu lao động.

Các nhà sản xuất trong tình cảnh tương tự.

Năm 2022, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong khi mục tiêu đặt ra là 5,5%. 3% cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 40 năm do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Trước đó, năm 2021, GDP Trung Quốc tăng 8%.

Cuối năm 2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có với xuất khẩu giảm mạnh do nhu cầu giảm trên toàn thế giới và những hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh cũng gây trở ngại cho hoạt động kinh tế.

Theo các chuyên gia, khả năng hồi phục tiêu dùng cũng sẽ chịu sức ép bởi thị trường lao động yếu và giá nhà giảm kéo theo thu nhập các hộ gia đình Trung Quốc đều ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi vẫn ở mức cao, lên đến 16,7% trong tháng 12.

Nền kinh tế của nước này được dự báo là sẽ còn gặp rất nhiều thách thức khi dân số già nhanh, năng suất giảm và tỷ lệ nợ cao. Các chuyên đánh giá những vấn đề đó có thể gây sức ép lên kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới. Theo báo cáo của S&P Global Ratings, lực lượng lao động của nước này đã đạt đỉnh từ năm 2014 và được dự báo mỗi năm sẽ giảm thêm 0,2% cho đến năm 2030.

Không chỉ vậy, xuất khẩu cuối năm 2022 cũng suy giảm gần 10% so với cùng kỳ – mức giảm mạnh nhất mà nền kinh tế nước này ghi nhận kể từ tháng 2/2020, thời điểm phong tỏa toàn quốc để kiểm soát Covid-19.

… đến tăng trưởng vượt dự báo

3 tháng đầu năm nay, GDP Trung Quốc tăng trưởng 4,5%. Mức tăng trên cao hơn nhiều so với mức dự báo trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, cũng là mức tăng cao nhất kể từ quý I/2022. Quý IV năm ngoái, GDP của đất nước tỷ dân này chỉ tăng 2,9%. Với đà hồi phục trên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm nay.

Con số tăng trưởng này đặc biệt được chú ý khi Trung Quốc đã chấm dứt hầu hết biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt.

Để thực hiện được các mục tiêu, Trung Quốc đã ưu tiên thúc đẩy nhu cầu nội địa, cải thiện hệ thống công nghiệp và nỗ lực để tối ưu hóa đầu tư nước ngoài. Chính phủ nước này đã mở rộng tiếp cận thị trường và thực hiện chế độ đãi ngộ tốt đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sau những khó khăn cuối năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có sự cải thiện vào đầu năm nay. Bloomberg dẫn lời giới chuyên gia cho rằng việc sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng trở lại cho thấy các dấu hiệu tích cực. Những nỗ lực khôi phục ngành sản xuất và chuỗi cung ứng trên thị trường đang dần cho thấy hiệu quả.

Không chỉ vậy, nước này cũng mở rộng nhu cầu trong nước, ưu tiên phục hồi và thúc đẩy tiêu dùng.

Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tháng 1 vừa qua, người Trung Quốc đi du lịch dịp Tết Nguyên đán mà không bị hạn chế quá nhiều. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cung cấp số liệu cho thấy hơn 300 triệu chuyến đi đã được thực hiện trong kỳ nghỉ Tết, đạt gần 90% so với mức trước đại dịch.

Theo Bloomberg, mức tăng trưởng trên có được là nhờ việc mở cửa trở lại. Nhiều tỉnh thành cho phép người dân về quê đón Tết. Dịch vụ giao thông vận tải tăng trưởng mạnh. Mức chi tiêu của các hộ gia đình trong dịp Tết cũng tăng cao.

Theo một cuộc khảo sát từ Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc, doanh thu nhà hàng tăng gần 25% và các công ty bán lẻ và ăn uống lớn cũng có doanh số bán hàng tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức chi tiêu của người dân trong dịp Tết vừa rồi tăng 30%, nhu cầu di chuyển nội địa cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường bất động sản, ông Lý Khắc Cường, cựu Thủ tướng Trung Quốc, giai đoạn đó kêu gọi các bên liên quan hỗ trợ người dân mua căn nhà đầu tiên, đồng thời giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân tại thành phố lớn. “Chúng ta phải đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp bất động sản, giúp họ cải thiện tỷ lệ nợ trên tài sản và ngăn chặn sự tăng trưởng thiếu kiểm soát nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định của lĩnh vực này”, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.

Từ năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với các công ty phát triển bất động sản có tỷ lệ nợ cao. Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm mạnh trong năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ nước này đã tung ra một loạt biện pháp nhằm “giải cứu” thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng.

“Chính sách bất động sản của Trung Quốc sẽ hỗ trợ nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và hướng họ vào các lĩnh vực tăng trưởng bền vững”, ông Bruce Pang, chuyên gia tại công ty bất động sản JLL, nhận xét. Theo ông Pang, những doanh nghiệp bất động sản “không chủ động hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh sẽ bị thị trường đào thải một cách tự nhiên”.

Giải pháp lâu dài

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là vấn đề thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế toàn cầu kể từ khi nước này từ bỏ chính sách chống dịch “Zero Covid” vào cuối năm ngoái sau gần 3 năm áp dụng, và trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với bất động sản và công nghệ trong 3 năm trở lại đây.

Bà Helen Zhu, Giám đốc điều hành của NF Trinity nhận định với CNBC rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ từ chính phủ vào cuối năm nay. “Tôi nghĩ rằng mức tăng trưởng trong quý II sẽ cao hơn mục tiêu 5% và vào quý thứ III, nhiều chính sách kích thích kinh tế sẽ được thực hiện”, bà Helen Zhu nhận định.

Bà Zhu cũng nhấn mạnh, con số được công bố mới đây đã đẩy lùi những hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Trung Quốc. Sắp tới, nước này có thể có những điều chỉnh tăng trong dự báo GDP cho phù hợp.

Iris Pang, chuyên gia của ING, thì cho biết bà cũng kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu bổ sung để thúc đẩy đầu tư hạ tầng và tiêu dùng.

“Để giữ mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, chủ yếu là xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và tăng số lượng tháp 5G. Chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng, đạt 6% trong quý II”, bà Pang nói.

Theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc cần hành động quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu khó khăn trong nước, khôi phục kinh tế nước nhà và góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, Chính phủ cần chú ý tới các chính sách kinh tế vĩ mô toàn diện, cải cách cơ cấu kinh tế để đảm bảo phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách cân bằng, ổn định và toàn diện. Các chuyên gia cũng khuyến nghị nước này tái cấu trúc nợ đối với các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, giúp giảm thiểu rủi ro cho thị trường này.

Về việc làm, Trung Quốc có thể nâng dần tuổi nghỉ hưu để tăng lực lượng lao động, tăng cường trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế cũng như cải cách hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ nước này cũng cần chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình.

Trung Quốc cũng được đánh giá đang còn nhiều dư địa để tiếp tục kích thích tiêu dùng, đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng với mức nền lạm phát thấp của năm 2022. Các hãng hàng không, điểm du lịch, vui chơi giải trí có thể sử dụng nhiều chính sách khuyến mại, giảm giá vé máy bay, dịch vụ để hấp dẫn người dân mạnh tay chi tiêu sau ba năm dịch bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn dự kiến.

Các chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm nay. Chuyên gia từ IFM thì cho rằng nếu đẩy mạnh cải cách, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng các xu hướng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của Trung Quốc bao gồm căng thẳng Mỹ – Trung, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn và lạm phát cao trên toàn cầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới