Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐài Loan “xé lẻ” EU

Đài Loan “xé lẻ” EU

Hơn nửa tháng sau chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Pháp, thêm một lần nữa, câu chuyện Đài Loan chen vào làm phân tán châu Âu.

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell trong một lần qua eo biển Đài Loan.

Tính đến nay, Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước có chủ quyền. Là thành viên Hiệp ước thành lập của liên minh, các quốc gia chia sẻ các đặc quyền và nghĩa vụ.Với đặc điểm đó, ngỡ EU sẽ mãi là một khối gắn kết chặt chẽ vì những lợi ích chung. Vậy mà câu chuyện, tới lúc này diễn ra theo chiều hướng khác.

Mọi cái do thế giới ngày một phức tạp. Ứng phó với sự phức tạp đó, dù nói ra không, mỗi quốc gia đều có những toan tính riêng. Diễn đạt cách khác, giải bài toán lợi ích, “lợi ích tập thể” – tức lợi ích chung của EU – trong trường hợp cần thiết, đều phải đặt dưới lợi ích quốc gia. Mở rộng ra, nguyên tắc đó áp dụng cả trong trường hợp khác, như trong khối đồng minh NATO chẳng hạn.

Nhiều người chưa quên thời gian đầu Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Câu chuyện năng lượng lập tức bùng lên nóng rãy trong mùa đông giá lạnh trước việc nhiều quốc gia trong EU phụ thuộc nguồn khí đốt do Nga cung cấp. Thậm chí, các nền kinh tế, trong đó có Đức, còn phụ thuộc rất nhiều. Vậy là, dù chưa tới mức dữ dội, nhưng những lườm nguýt, ngúng nguẩy khó chịu từ một số nước châu Âu nhằm vào Mỹ như một thông điệp cho thấy sự hờ hững với lệnh cấm vận năng lượng Nga do Mỹ ban ra mà không kèm theo những biện pháp bù đắp kịp thời.

Cùng với thời gian, vấn đề năng lượng có chiều nguội dần. Nhưng thực tế đó, tới nay, vẫn cho thấy một điều: một khi chạm đến lợi ích, mọi chuyện tiếp theo chưa bao giờ đơn giản.

Nhiều người còn dẫn lại vụ Pháp đã “nổi trận lôi đình” làm một việc hy hữu: triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Úc hồi tháng 6/2021, khi bị mất hợp đồng đóng tàu ngầm béo bở trị giá tới 40 tỷ USD đã đạt được với Úc trước đó. Mô tả sự kiện này, báo chí đã nêu rằng: ngoại trưởng Pháp – ông Le Drian – đã giận dữ lên án Tổng thống Mỹ Joe Biden “đâm sau lưng”; rằng: thỏa thuận giữa Úc với Mỹ và Anh là “hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”.

Xuê xoa, vỗ về, ngon ngọt mãi, AUKUS (quan hệ đối tác liên minh 3 bên Anh, Mỹ, Úc) mới làm Paris nguôi giận.

Nhưng “nguôi” là bề ngoài, còn bề trong, vụ “ăn chặn” trên của những ông bạn giàu có giúp Pháp có thêm một trải nghiệm: Cuộc đời, cần phải biết tỉnh táo. Đừng có dại mà đặt hết niềm tin vào một phe, một nhóm, một liên minh nào. Và vẻ như từ đó, Paris lúc nào cũng kè kè bài học còn nóng hổi trên, khi ứng xử với các quan hệ ngoại giao quốc tế.

Liên quan điều này, có người dẫn ra chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Macron đầu tháng 4 này.

Ai chẳng biết, trước khi chuyên cơ của ông Macron đáp xuống Bắc Kinh, hai bên đã “con thoi” như thế nào về mặt ngoại giao; đã thỏa thuận trước những gì. Thậm chí, cam đoan là lời ăn, tiếng nói của hai nhà lãnh đạo – ông Tập Cận Bình và ông Marron – rất có thể cũng đã được bàn soạn sẵn. Bàn soạn để đề phòng các phát ngôn ngẫu hứng sơ xuất. Hy hữu thôi, nhưng không may xảy ra, nó chỉ tổ làm mồi cho cánh báo chí lao vào rỉa rói, bới móc, bình bong. Hại cho quốc thể đã đành, cá nhân nhà lãnh đạo cũng ê mặt.

Chính thế, tại Bắc Kinh thì mọi phát ngôn của ông Macron, dưới con mắt phán xét của Nhà trắng và đa phần EU, cơ bản là “được”. Có điều hai ngày sau, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Macron bị coi là vượt trần khi nói rằng: “Câu hỏi đặt ra cho những người châu Âu chúng ta là: chúng ta có cần quan tâm đến việc đẩy mạnh vấn đề Đài Loan không? Không. Điều tồi tệ nhất là suy nghĩ rằng người châu Âu chúng ta phải đi theo và thích ứng với nhịp điệu của Mỹ hoặc phản ứng thái quá của Trung Quốc. Tại sao chúng ta phải đi theo nhịp điệu do người khác chọn?”.

Thậm chí, rõ ràng, sòng phẳng hơn, phát biểu trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chiều 12/4 tại Amsterdam sau khi kết thúc chuyến thăm 2 ngày nước này, đề cập vấn đề Đài Loan, ông chủ điện Elysee đã ví von “Là đồng minh không có nghĩa là trở thành chư hầu” để thể hiện và khẳng định tư duy độc lập của nước Pháp về một vấn đề quốc tế.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo đồng minh châu Âu khiến ông Biden nóng mặt. Nhưng nóng thì làm gì được nhau? Chẳng phải bản tỉnh “nho nhã” giúp ông chủ Nhà trắng kiềm chế. Vấn đề là, tự soi mình một cách nghiêm túc, hẳn Washington cũng thấy sám hối, thấy mình có lúc “không phải” với Pháp, điển hình là cú “nẫng” của Paris hợp đồng đóng tàu ngầm khổng lồ. Thế nên, làm căng thẳng phát ngôn của ông Macron, biết đâu ông chủ điện Elysee lôi lại “cục tức” đang mắc giữa cổ thì không khéo thành to chuyện hơn.

Nhưng dẫu sao, Pháp cũng chỉ là một thành viên EU. “Vắng anh thì chợ vẫn đông”. Pháp “khó bảo” thì còn đó, các đồng minh khác. Chẳng biết vận động kiểu gì mà trên tuần san Journal Du Dimanche của Pháp hôm 23/4 đưa lời Cao ủy chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhấn mạnh Đài Loan quan trọng với EU về khía cạnh kinh tế, thương mại và công nghệ, và cho biết: “Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi hải quân các nước châu Âu hãy tuần tra eo biển Đài Loan để chứng tỏ cam kết của châu Âu về vấn đề tự do hàng hải ở vùng biển vô cùng thiết yếu này”.

Trong bối cảnh Pháp đang có những động thái kích động EU, gây khó khăn cho Mỹ, lời kêu gọi mang tính thông điệp ấy của ông Josep Borrell hẳn sẽ khiến Mỹ được chia sẻ, làm vợi đi nhiều nỗi khó chịu với đồng minh Pháp. Tuy nhiên, thực tế đó cũng cho thấy, cuộc chiến Ukraine từng “bổ đôi” EU, thì nay, vì hòn đảo Đài Loan bé tí bé tị, EU cũng có thể bị “bổ ba” vì những lợi ích không thể điều hòa giữa các quốc gia thành viên.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới