Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐại sứ TQ tại Pháp lại “vạ miệng”

Đại sứ TQ tại Pháp lại “vạ miệng”

Estonia, Latvia và Lithuania (Litva) đã yêu cầu lời giải thích từ Bắc Kinh, sau khi một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đặt câu hỏi về chủ quyền của các quốc gia từng thuộc Liên Xô.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài TF1 của Pháp phát sóng ngày 21.4, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã cho rằng các nước cộng hòa nằm trong Liên Xô cũ không có “tư cách hiệu lực” trong luật pháp quốc tế, theo South China Morning Post.

“Trong luật pháp quốc tế, ngay cả những quốc gia từng thuộc Liên Xô này cũng không có tư cách, tư cách có hiệu lực trong luật pháp quốc tế, bởi vì không có thỏa thuận quốc tế nào để cụ thể hóa tư cách quốc gia có chủ quyền của họ”, ông Lư nói trong cuộc phỏng vấn.

Phát biểu của Đại sứ Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ ở 3 quốc gia Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania – cả 3 đều từng là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và hiện tại là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkēvičs cho biết 3 nước sẽ triệu tập viên chức ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc tại thủ đô của mỗi nước.

“Xem xét những tuyên bố không thể chấp nhận được của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp về luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia, Bộ Ngoại giao Latvia đã yêu cầu đại biện có thẩm quyền của Đại sứ quán Trung Quốc tại Riga đưa ra lời giải thích vào ngày 24.4. Hành động này được phối hợp với Lithuania và Estonia”, ông Rinkēvičs viết trên Twitter.

Tranh cãi diễn ra trước thềm cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại Luxembourg vào ngày 24.4, trong đó quan hệ EU – Trung Quốc sẽ được thảo luận. Sự việc cũng xảy ra vào thời điểm các thành viên EU bất đồng về việc có nên tiếp tục dựa vào Trung Quốc để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dẫn đầu nỗ lực can dự với Trung Quốc, khi tới Bắc Kinh trong tháng này để cố gắng thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin để kết thúc chiến sự. Song nỗ lực đó cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể nào.

Cách tiếp cận của ông Macron đã gây ra tranh cãi, đặc biệt là ở sườn phía đông của EU, nơi các chính phủ nhìn chung có thái độ diều hâu hơn đối với Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis viết trên Twitter: “Nếu ai đó vẫn đang thắc mắc tại sao các nước Baltic không tin tưởng Trung Quốc có thể ‘mang lại hòa bình ở Ukraine’, thì đây, một đại sứ Trung Quốc cho rằng Crimea thuộc về Nga và biên giới của các quốc gia chúng tôi không có cơ sở pháp lý”.

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna nói với hãng tin địa phương Delfi rằng “thật đáng buồn khi một đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quan điểm như vậy. Lập trường như vậy là không thể hiểu được”.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn, Đại sứ Lư đã trả lời quanh co khi được hỏi liệu Crimea có phải là một phần của Ukraine hay không.

“Điều đó phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận vấn đề”, ông Lư nói. Khi bị nhà báo Darius Rochebin của đài TF1 tiếp tục vặn hỏi, đại sứ Trung Quốc nói vấn đề “không đơn giản như vậy” và Crimea “ngay từ đầu đã thuộc về Nga”.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc chính thức công nhận biên giới của Ukraine – bao gồm cả bán đảo Crimea – vào tháng 12.1994, như một phần của thỏa thuận phi hạt nhân hóa theo đó Kyiv từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ các nước bao gồm Trung Quốc.

Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko sau đó phản pháo trên Twitter: “Không có chỗ cho sự mơ hồ, Crimea là của Ukraine”.

Trong suốt thời gian ở Paris, ông Lư đã bị châu Âu coi là nhà ngoại giao “chiến lang” điển hình và không ít lần gây ra tranh cãi.

Paris cũng đã phản ứng sau những lời lẽ mới nhất của ông Lư. Theo The Wall Street Journal, Bộ Ngoại giao Pháp nói họ “rất kinh ngạc” trước phát ngôn của nhà ngoại giao và rằng Bắc Kinh có trách nhiệm “cho biết liệu những lời lẽ này có phản ánh quan điểm của họ hay không, và chúng tôi hy vọng không phải như vậy”.

Hai nhà ngoại giao châu Âu cho biết Pháp đã được yêu cầu triệu tập đại sứ Trung Quốc nhưng một nhà ngoại giao Pháp cho biết ông không biết về bất kỳ yêu cầu cụ thể nào như vậy.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới