Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển ĐôngLệnh cấm đánh bắt cá trong “trận đồ bát quái” của TQ

Lệnh cấm đánh bắt cá trong “trận đồ bát quái” của TQ

Trung Quốc lại đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá cùng lúc ở 4 vùng biển chung quanh nước này là Biển Đông, Biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải. Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực không ngạc nhiên gì trước cái “lệnh” vô lối và nhảm nhí đó, bởi nó lặp lại suốt từ năm 1999 đến nay.

Như vậy đã gần một phần tư thế kỷ, năm nào cũng vào dịp mùa hè từ 1/5 đến giữa tháng 8 là Bộ Nông nghiệp&Nông thôn Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá thường niên”. Nước này lấy lý do ban hành “lệnh cấm” nhằm duy trì nguồn hải sản bền vững và cải thiện môi trường (!). Năm 2023, “Lệnh cấm” bắt đầu có hiệu lực từ 12h trưa 1-5 đến 12h trưa 16/8.

Khu vực bị “cấm” có vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cần khẳng định dứt khoát rằng, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo UNCLOS 1982.

Ở bất cứ diễn nào, Bắc Kinh luôn cao giọng tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực, không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thế nhưng trên thực tế, họ luôn làm ngược lại.

Hành động đơn phương, lặp lại của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, vi phạm các quyền và lợi ích khác trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những thế Trung Quốc còn vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Nói cụ thể hơn, việc Trung Quốc kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông không chỉ là hành động sai trái, gây thiệt hại kinh tế cho các nước trong khu vực mà còn gây căng thẳng về an ninh-quốc phòng. Trong nhiều năm qua đã xảy ra các vụ va chạm, đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Cái gọi là “thực thi pháp luật” của hải cảnh Trung Quốc đã cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam, ở nơi mà Việt Nam có chủ quyền.

Khi cái lệnh nhố nhăng này được ban ra, là lúc Hải quân Trung Quốc xua một lượng lớn tàu ngư chính, hải giám ra Biển Đông để kiểm soát, tịch thu tàu thuyền, trang thiết bị của các tàu đánh cá “vi phạm lệnh cấm”.

“Cấm đánh bắt cá” là cái cớ, là cái váng mỡ trên mặt ao. Thật ra phần chìm mới là ghê gớm. Phần chìm mới là mưu đồ đen tối, lâu dài của kẻ coi Biển Đông là “ao nhà” của mình. “Cấm” là để thiên hạ thấy rằng Trung Quốc vẫn đang thực thi chủ quyền một cách liên tục trong vùng biển “Đường chín đoạn”. Còn việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Lahaye bác bỏ cái “lưỡi bò” này từ năm 2016 chỉ là chuyện của… Tòa.

Một âm mưu khác, cấm đánh bắt cá hằng năm còn là cách để Trung Quốc hỗ trợ các nền tảng pháp lý sau này cho “Đường chín đoạn”. Nếu tuân theo lệnh này, các nước như Việt Nam, Philippines, Indonesia…coi như đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Chiến lược “vùng xám” đã được thực hiện từ mọi lúc, mọi nơi như thế đó! Nếu các nước không kiên quyết phản đối và có biện pháp đối phó sẽ bị sa vào trận đồ bát quái của con cháu Hạng Vũ (một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ Nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ đầu thời Nhà Hán).

Trận đồ ấy là tàu, thuyền đánh cá của các nước sẽ bị các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển của Trung Quốc đe dọa, giở trò đâm va. Khi tàu thuyền các nước ở thế yếu buộc phải từ bỏ ngư trường, thì Bắc Kinh sẽ dần chiếm thế thượng phong, từng bước thể chế hóa sự quản lý các vùng biển của nước khác theo yêu sách “Đường lưỡi bò”.

Vì lẽ đó, các nước trong khu vực, nhất là ngư dân các tỉnh miền Trung của Việt Nam cần phải thấy rõ âm mưu lâu dài của Bắc Kinh. Phải kiên trì, kiên quyết phản đối hành động ngang ngược của họ. Bên cạnh đó, ngư dân kiên cường vươn khơi, bám biển, đặc biệt là ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Đây không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là hành động thiết thực góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

“Tuân lệnh” của Thiên triều Bắc Kinh có nghĩa là chấp nhận từ bỏ các ngư trường truyền thống. Trung Quốc sẽ thừa cơ lấn tới vì họ chiếm ưu thế về mặt pháp lý trên Biển Đông.

Chỉ có duy nhất một giải pháp “kiên quyết không ngừng thế tiến công”, đó là tư tưởng cách mạng tiến công xuyên suốt đường lối quân sự của Việt Nam. Và chắc chắn các nước trong khu vực ASEAN ủng hộ điều đó – một cách ủng hộ chính nghĩa của luật pháp quốc tế.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới