Một thông tin không vui và đáng lo ngại mấy ngày nay được báo chí thế giới đăng tải và phân tích: chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng ở mức rất cao, vượt xa những hình dung trước đó của các nhà quân sự.
Châu Âu, châu Á, châu Mỹ đều đổ cả đống tiền cho máy bay, tên lửa, tàu chiến và nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại. Nhưng châu Âu mới thực là tâm bão. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cuộc chiến tranh ở Ukraine đã khiến cho mức chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng cao nhất trong ba thập niên, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1989.
Hơn một năm trước, cuối tháng 2/2022, Nga đã phát động chiến tranh xâm lược nước láng giềng thân thiết của mình là Ukraine. Chi tiêu quân sự ở khu vực châu Âu đã tăng vọt lên 13% vào năm ngoái. Không chỉ có Nga, nước “chủ chiến”, như một hiệu ứng domino, các nước châu Âu buộc phải gấp rút tăng cường phòng thủ, do lo ngại căng thẳng gia tăng, điều này thấy rất rõ kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Nói cụ thể hơn về tình hình châu Âu, chi tiêu quân sự của các nước Trung Âu và Tây Âu đã trở lại như trong thời Chiến tranh Lạnh. Ở Trung Âu, chi tiêu quân sự đã lên tới 345 tỷ USD vào năm 2022. Xét về mặt thực tế, mức chi tiêu này đã lần đầu vượt qua mức chi năm 1989 và cao hơn 30% so với năm 2013. Một số quốc gia đã nhất loạt tăng chi tiêu quốc phòng. Còn một số khác tuyên bố ý định thực hiện điều này “trong khoảng thời gian kéo dài khoảng một thập niên”.
Riêng khu vực các nước láng giềng của Nga, chi tiêu ngân sách quân sự cũng tăng chóng mặt. Chẳng hạn, ngân sách dành cho quốc phòng của Phần Lan tăng tới 36%; chi tiêu quân sự của Litva cũng tăng 27%. Riêng Ukraine, chi tiêu quân sự đã tăng 640% trong năm 2022, là mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1949. Ấy là chưa tính đến số lượng khổng lồ viện trợ quân sự tài chính do phương Tây cung cấp cho nước này.
Thật là những con số đáng báo động!
Một nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, ông Diego Lopes da Silva cho hay, sự gia tăng về chi tiêu quân sự nêu trên bao gồm các kế hoạch kéo dài trong nhiều năm nhằm tăng chi tiêu của một số chính phủ và “kết quả là, chúng ta có thể kỳ vọng một cách hợp lý rằng chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu còn tiếp tục tăng trong những năm tới”.
Trong số các nước đổ nhiều tiền của cho vũ khí, khí tài và cơ sở hạ tầng quân sự thì Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới. Mức tăng chi phí là 0,7% (877 tỷ USD vào năm 2022), chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Riêng viện trợ quân sự của Washington dành cho Kiev chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm ngoái.
Kế đến, không ai khác, chính là Trung Quốc, với khoảng 292 tỷ USD trong năm 2022, tăng hơn 4,2% so với năm 2021. Còn Nhật Bản đã chi 46 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm trước đó và ghi nhận mức chi phí quân sự lớn nhất kể từ năm 1960. Chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2%, nhưng theo SIPRI, số liệu này “rất không chắc chắn”.
Điều đáng quan tâm là, sự khác biệt giữa kế hoạch ngân sách của Nga và chi tiêu quân sự thực tế trong năm 2022 cho thấy, cuộc đánh úp Ukraine đã gây tổn thất quá nặng nề cho Moscow so với dự tính ban đầu.
Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong mấy năm qua là dấu hiệu bất thường. Không cần bàn cãi nhiều, thế giới đang sống trong một thế giới ngày càng bất an. Các quốc gia đang tìm cách củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh đang ngày càng xấu đi.
Nếu trở thành tiền lệ thì nó sẽ tạo ra một nghịch lý nguy hại đối với an ninh và sự phát triển của thế giới. SIPRI nhận định: Hằng năm, chỉ tính riêng số đạn dược thông thường được sản xuất cũng lớn gấp hai lần dân số thế giới. Một mối lo khác, so với vũ khí truyền thống thì loại vũ khí công nghệ cao hiện nay có tính năng kỹ thuật, chiến thuật vượt trội, nhất là độ chính xác cao, sức phá hủy lớn.
Xin chớ vội mừng khi có người cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine hơn một năm qua, con số thương vong là rất thấp, nếu so với chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ 20. Thưa rằng, trong chiến tranh hiện đại, kẻ đánh có thể ít bị thương vong, nhưng bên bị đánh sẽ bị tàn phá rất lớn. Hẳn độc giả còn nhớ, cuộc chiến tranh Nam Tư (năm 1999) chỉ kéo dài hơn 70 ngày, quân đội Mỹ và NATO đã tàn phá hầu hết các thành phố lớn của nước này, khiến nền kinh tế của Nam Tư bị đẩy lùi tới 20 năm.
Chạy đua vũ trang cũng là nguyên nhân gây ra nhiều xung đột quân sự, chiến tranh ở nhiều khu vực. Trong mấy thập niên gần đây, mỗi năm, thế giới có khoảng 40 cuộc xung đột quân sự, chiến tranh; 10 năm qua, các điểm “nóng” ở Trung Á, Trung Đông, châu Phi chưa lúc nào ngớt tiếng súng.
Mỗi năm, các cuộc xung đột, chiến tranh trên thế giới làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người khác bị mất nhà cửa và gây ra nhiều thảm họa nhân đạo khác rất nghiêm trọng. Điều đáng nói là, trong khi nhiều nước chi phí rất lớn cho quân sự, chiến tranh là núi tiền của nhưng trên thế giới vẫn còn hàng tỷ người đang phải sống trong nghèo, đói. Khủng hoảng kinh tế thế giới cũng đang đe dọa mạng sống của hàng chục triệu người ở các nước đang phát triển và kém phát triển mỗi năm.
Hỡi những cái đầu bốc lửa, xin hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim con người trong thời hiện đại, hướng tới hòa bình và khát vọng hạnh phúc!
H.Đ