Sunday, December 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNợ khó đòi từ sáng kiến Vành Đai - Con đường

Nợ khó đòi từ sáng kiến Vành Đai – Con đường

Sáng kiến Vành Đai – Con đường (BRI) không chỉ giăng bẫy nợ khắp toàn cầu, khiến nhiều chính phủ vỡ nợ như Sri Lanka, Lào, Pakistan,… mà kẻ đi giăng bẫy nợ là Trung Quốc cũng đang khốn đốn khi những người đi vay không trả được nợ. Nợ xấu cả trong và ngoài quốc gia đang buộc Trung Quốc phải liên tục nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ của họ; cung tiền tăng mạnh trong khi giảm phát.

Các đồn điền ở Lào bị phá vỡ để công nhân Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc với Lào, một phần quan trọng trong dự án ‘Vành đai và Con đường’ của Bắc Kinh qua sông Mekong, ở Luang Prabang.

Tổng nợ mà Trung Quốc cho các quốc gia vay để phát triển hạ tầng theo sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) của ông Tập Cận Bình từ năm 2013 đến nay khoảng 1.000 tỷ USD.

Sáng kiến BRI sau gần một thập kỷ ồn ào đã trở nên đầy tai tiếng. Các bẫy nợ khổng lồ được thiết lập qua BRI, các mô hình quản trị kiểm soát của Trung Quốc đã kịp xuất khẩu kèm theo các dự án BRI, đã xuất hiện các quốc gia phá sản, vỡ nợ công, hỗn loạn xã hội vì mắc nợ Trung Quốc, biểu tình chống lại BRI đã diễn ra tại nhiều nơi.

Nhưng bất kỳ công cụ kinh tế nào đều là con dao hai lưỡi. Trung Quốc ung dung hưởng lợi từ ngoại giao, kinh tế, chính trị từ BRI, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu phải trả giá bởi sáng kiến này. Đại dịch, nghèo đói và gánh nặng nợ khiến nhiều quốc gia đang phát triển không thể trả nợ.

Sáng kiến toàn cầu về nợ đã tạo ra sức ép buộc Trung Quốc với giãn và xoá nợ. Với Trung Quốc, không thu hồi được nợ thời gian này đang khiến các ngân hàng khốn đốn.

Buộc phải chấp nhận giãn, xoá khoản 78 tỷ USD nợ từ BRI

Theo Financial Times, chương trình tài chính cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc đã bị các khoản nợ khó đòi tăng vọt làm ảnh hưởng khi khoản vay trị giá hơn 78 tỷ USD trở nên cay đắng trong ba năm qua.

Sáng kiến BRI khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ song phương lớn nhất thế giới, nhưng các số liệu cho thấy nó đã trở thành một cối xay tài chính đối với Bắc Kinh và các ngân hàng lớn nhất của nước này.

Khoảng 78,5 tỷ USD khoản vay từ các tổ chức Trung Quốc cho đường bộ, đường sắt, cảng, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp thế giới đã bị đàm phán lại hoặc xóa nợ từ năm 2020 đến cuối tháng 3 năm nay, theo số liệu được tổ chức nghiên cứu Rhodium Group có trụ sở tại New York tổng hợp.

Con số này cao hơn gấp bốn lần so với 17 tỷ USD trong các cuộc đàm phán lại và xóa nợ mà Rhodium ghi nhận trong ba năm từ 2017 đến cuối năm 2019.

Không có số liệu chính thức về tổng quy mô cho vay BRI trong thập kỷ qua, nhưng nó được cho là tổng cộng “ở khoảng 1 nghìn tỷ USD”, theo ông Brad Parks, giám đốc điều hành của AidData tại trường đại học William và Mary ở Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã mở rộng một lượng “khoản vay cứu hộ” chưa từng có để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ chủ quyền của những người đi vay lớn trong số khoảng 150 quốc gia đã đăng ký BRI.

Giá trị của các gói cứu trợ có chủ quyền như vậy lên tới 104 tỷ USD từ năm 2019 đến cuối năm 2021, theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại AidData, Ngân hàng Thế giới, Trường Harvard Kennedy và Viện Kinh tế Thế giới Kiel. Nghiên cứu cho thấy trong một khung thời gian dài hơn từ năm 2000 đến cuối năm 2021, các gói cứu trợ như vậy cho các nước đang phát triển có tổng trị giá 240 tỷ USD.

Ngày càng có nhiều quốc gia vay BRI đang bị đẩy đến bờ vực mất khả năng thanh toán do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lãi suất tăng và mức nợ cao kỷ lục ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, các chủ nợ phương Tây của các quốc gia này đã đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã ngăn cản các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ.

Không muốn xoá nợ, Trung Quốc ‘câu giờ’

Tốc độ đàm phán lại và xóa nợ trong BRI đã chậm lại phần nào vào năm 2022 so với đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020 và 2021. Nhưng các chuyên gia cho biết điều này không cho thấy chất lượng cơ bản của sổ cho vay của Trung Quốc đã được cải thiện.

“Hãy còn lâu nữa”, ông Mingey, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Rhodium cho biết. “Trong khi một số nước nhận khoản vay lớn của Trung Quốc, như Pakistan, đã xoay sở để vay IMF và các gói cứu trợ song phương, thì các vết nứt trong BRI đang ngày càng rộng ra”.

Các nhà phân tích cho biết họ không ngờ Bắc Kinh lại câu giờ với chương trình gắn liền với danh tiếng của Trung Quốc trên thế giới và với hình ảnh của chính nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Gần một thập kỷ trước, ông Tập đã tuyên bố BRI là “dự án của thế kỷ”.

Bà Xue Gong, một thành viên tại Carnegie China, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sử dụng Diễn đàn Vành đai và Con đường về Hợp tác Quốc tế mà Bắc Kinh dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm nay, để kỷ niệm một thập kỷ thành tựu BRI và vạch ra các kế hoạch hợp tác trong tương lai.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng sự tập trung bao trùm của Bắc Kinh vào việc phát triển các công nghệ bản địa và sự căng thẳng về tài trợ công trong nước có thể dẫn đến ít nguồn lực dành cho sáng kiến này hơn. Bà Gong cho biết: “Việc phân phát tiền mặt quy mô lớn cho các công ty nhà nước đối với BRI là điều không cần bàn cãi.

Đồng thời, Trung Quốc đang mở rộng các đề nghị chính trị và ngoại giao của mình đối với các quốc gia nghèo, đang phát triển muốn được vay từ BRI; điều này làm giảm tầm quan trọng của BRI theo thời gian.

Kể từ năm 2021, ông Tập đã đưa ra ba sáng kiến chiến lược nhằm định hình lại cấu trúc quản trị toàn cầu và làm giảm ảnh hưởng của các thể chế do phương Tây lãnh đạo đã chỉ đạo các vấn đề thế giới kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi Bắc Kinh vận động sự hỗ trợ quốc tế cho hai trong số đó — Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu — những quốc gia đăng ký trở thành “bạn” trong tầm nhìn của Trung Quốc hầu như luôn là con nợ của các chủ nợ Trung Quốc theo BRI.

Bà Alice Ekman, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh Châu Âu, cho biết Campuchia, Mông Cổ, Cuba, Uruguay, Nicaragua và Belarus đều đã thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Sáng kiến An ninh Toàn cầu trong các cuộc họp gần đây. Tất cả các quốc gia này cũng là thành viên nổi bật của BRI.

Trong khi đó, gần 70 quốc gia đã tham gia Nhóm những người bạn của Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Nợ xấu đè nặng NHTM Trung Quốc: Cả trong và ngoài nước

Các khoản nợ cho BRI được giải ngân qua các ngân hàng thương mại nhà nước lớn của Bắc Kinh như Bank of China, Ngân hàng TMCP Xây Dựng Trung Quốc, Ngân hàng TMCP XNK Trung Quốc,…

Các ngân hàng này đang chật vật với nợ từ chính quyền địa phương, nợ từ các nhà phát triển BĐS khi BĐS giảm giá và không thể bán, nợ từ 50 thành phố ma và 64 triệu căn hộ ma khắp Trung Quốc, nợ từ các tuyến đường hạ tầng vắng tanh không người qua lại,… giờ này, khoản nợ phải xoá lên tới 78,5 tỷ USD cho BRI tiếp tục là một thách thức lớn. Một tình cảnh kiểu “trong đánh ra, ngoài đánh vào” với khối nợ xấu của quốc gia này.

Ở trong nước, nợ xấu của ngân hàng thương mại Trung Quốc, ít nhất có thể đến từ: doanh nghiệp BĐS (chưa kể các doanh nghiệp xây dựng, điện nước, dịch vụ phục vụ các doanh nghiệp BĐS này), từ nợ chính quyền địa phương.

Vào tháng 7/2022, một bài báo của Reuters trích dẫn tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết nợ BĐS chiếm khoảng 27% GDP. Thị trường BĐS của Trung Quốc đang suy giảm, tình trạng dư cung và ngại tiêu dùng, ngại đầu tư của người dân khiến BĐS trở thành một bài toán khó. Tuy nhiên, nợ BĐS tại Trung Quốc là chắc chắn là con số không nhỏ, đã tồn tích hàng thập kỷ. Tại sao? Bởi vì nếu tính toán số nợ xấu không thể thanh khoản, không thể thu hồi từ 50 thành phố ma, 64,5 triệu căn hộ ma trên khắp Trung Quốc thì bức tranh nợ xấu của Trung Quốc sẽ trở nên thực tế hơn.

Nhưng không chỉ nợ BĐS ở tại các NHTM tạo ra nợ xấu. Nợ xấu lớn hơn và khó thu hồi hơn đến từ nợ chính quyền địa phương mà các NHTM đầu tư dưới hình thức nắm giữ trái phiếu chính quyền địa phương (gồm trái phiếu phổ thông, trái phiếu đặc biệt chính quyền địa phương, trái phiếu đô thị (nợ ẩn) từ các phương tiện tài chính địa phương).

Khác với các nền kinh tế khác, 80% nợ trái phiếu của chính quyền địa phương như mô tả ở trên được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại địa phương. Lý do là các ngân hàng TMCP nhà nước, các ngân hàng nhỏ của tư nhân của Trung Quốc đều nằm dưới quyền lực điều hành, can thiệp và thậm chí là bổ nhiệm nhân sự của chính quyền Trung Quốc. Gần đây nhất, dự thảo Luật ổn định Tài chính Trung Quốc đang nhắm vào việc loại bỏ quyền lực bổ nhiệm nhân sự của chính quyền địa phương tại các ngân hàng thương mại; điều này sẽ làm giảm quyền can thiệp của chính quyền địa phương với hệ thống tài chính, giảm xung đột lợi ích trên thị trường tài chính.

Như vậy, nợ địa phương ở Trung Quốc là bao nhiêu?

Theo số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, tính đến cuối tháng 10/2022, dư nợ chính quyền địa phương trên cả nước vào khoảng 35,17 nghìn tỷ CNY, trong đó nợ trái phiếu đặc biệt là 20,71 nghìn tỷ CNY và nợ trái phiếu phổ thông khác là 14,46 nghìn tỷ CNY.

Nhưng đó chỉ là nợ chính thức, nợ địa phương ở Trung Quốc đặc biệt lớn ở khối lượng nợ ẩn. Là nợ mà các phương tiện tài chính đặc biệt của chính quyền địa phương vay từ các ngân hàng thương mại theo mệnh lệnh của các quan chức địa phương.

Trong năm 2022 vừa qua, tổng quy mô trái phiếu đầu tư đô thị (số dư nợ) lên tới 65 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY); tương đương với 55,5% GDP, khoảng 9,5 nghìn tỷ USD. Vào năm 2021, số dư nợ chịu lãi trên nền tảng Chengtou của Trung Quốc đã đạt 56 nghìn tỷ CNY.

Như vậy, 65 nghìn tỷ CNY mới chỉ là một phần nợ ẩn của chính quyền địa phương; vì mới chỉ là con số nợ trên thị trường trái phiếu. Các phương tiện nợ địa phương còn vay từ ngân hàng thương mại nữa. Điều tệ hơn là các phương tiện này cũng có các công ty con hoặc công ty thân hữu, họ lại bảo lãnh cho công ty con vay vốn từ ngân hàng thương mại. Khối nợ ẩn này chắc chắn vượt xa con số 65 nghìn tỷ CNY.

Tổng các nguồn nợ liệt kê ở trên từ trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, trái phiếu phổ thông và nợ ẩn, nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã lên tới: 100,000 tỷ CNY; tương ứng 82,5% GDP của toàn Trung Quốc.

Ngoài ra, Wall Street Journal của Mỹ đưa tin, theo thống kê của S&P Global, nợ đọng của chính quyền địa phương năm 2022 đã vượt quá 120% tổng doanh thu, dẫn đến 2/3 các chính quyền địa phương của Trung Quốc vượt ngưỡng nợ do chính quyền trung ương đặt ra. Thậm chí 1/3 chính số chính quyền địa phương đã không thể trả lãi.

Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, cho đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ của tất cả các tỉnh ở Trung Quốc đều đang tăng lên, trong đó tỷ lệ nợ của Hắc Long Giang, Tân Cương, Thiên Tân và Quý Châu tăng mạnh nhất, đều vượt quá 400%. Tỷ lệ nợ ngày càng lớn dẫn đến việc chính quyền địa phương yếu kém, thậm chí mất khả năng trả nợ.

Chưa thể ước tính hay thống kê xem bao nhiêu nợ chính quyền địa phương cũng như nợ cho vay BĐS trong hệ thống NHTM đã và đang trở thành nợ xấu cũng như điều này sẽ tác động ở mức nào tới hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Khác với bất kỳ nền kinh tế nào khác, Trung Quốc không có thị trường tự do thực sự. Các rủi ro của ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế có thể biến mất qua các mệnh lệnh hành chính và che giấu thông tin. Nhưng về lâu dài, giấy không gói được lửa. Nếu ngọn lửa – mầm hoạ vỡ nợ – đủ lớn, lúc đó cái giá phải trả cho khủng hoảng của Trung Quốc sẽ lớn hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới