Tổng thống Hàn Yoon Suk-yeol nói ông không chấp nhận quan điểm Nhật “phải quỳ gối vì chuyện quá khứ 100 năm trước” để cải thiện quan hệ song phương.
“Châu Âu đã trải qua nhiều cuộc chiến trong 100 năm qua và bất chấp điều đó, các quốc gia từng xung đột với nhau vẫn tìm ra cách hợp tác hướng tới tương lai. Tôi không thể chấp nhận quan điểm rằng người Nhật phải quỳ gối xin tha thứ vì những chuyện đã xảy ra từ 100 năm trước. Đó là vấn đề đòi hỏi sự quyết định mà tôi cho rằng bản thân đang cố hết hết sức”, Tổng thống Hàn Yoon Suk-yeol nói với Washington Post hôm 24/4.
Tổng thống Yoon đề cập tới thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên năm 1910 – 1945. Theo dữ liệu từ Seoul, khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị Nhật Bản cưỡng bức lao động trong 35 năm chiếm đóng bán đảo, chưa tính những phụ nữ bị quân đội Nhật ép làm nô lệ tình dục.
Theo lãnh đạo Hàn Quốc, trong bối cảnh lo ngại về an ninh của nước này đang ở mức khẩn cấp, họ không thể trì hoãn việc hợp tác với Nhật Bản do chuyện trong quá khứ.
Phát ngôn của Tổng thống Hàn nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội nước này, trong đó nhiều ý kiến phản đối.
“Quan điểm của ông ấy thật tệ. Điều chúng ta cần là một lời xin lỗi chân thành”, một tài khoản mạng xã hội viết.
“Châu Âu cũng chỉ có thể hợp tác với nhau sau khi Đức chân thành chuộc lỗi trong khoảng thời gian dài. Nhật Bản có làm như vậy không?”, người dùng mạng xã hội khác viết.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 25/4 giải thích thêm ý của ông là “không thể chấp nhận quan điểm rằng Nhật Bản phải quỳ gối xin lỗi mới cải thiện quan hệ trong thời điểm Hàn Quốc đang rất cần liên minh an ninh”.
“Thật thiếu suy nghĩ khi biến toàn bộ lịch sử trao đổi và hợp tác dài 1.500 năm trở nên vô nghĩa chỉ vì một giai đoạn lịch sử đáng tiếc kéo dài chưa đầy 50 năm”, trợ lý của Tổng thống Yoon nói.
Nỗ lực hàn gắn quan hệ Hàn – Nhật gần đây được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol. Seoul đã công bố kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân bị Nhật cưỡng bức lao động thời chiến bằng quỹ do các công ty Hàn hỗ trợ, thay cho các công ty Nhật.
Quyết định này khiến nhiều nạn nhân tức giận, cho rằng đề xuất của chính phủ không đáp ứng được yêu cầu của họ về một lời xin lỗi chân thành và bồi thường trực tiếp từ các công ty Nhật Bản có liên quan.