Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAi làm cho mâu thuẫn Mỹ-Trung căng thẳng?

Ai làm cho mâu thuẫn Mỹ-Trung căng thẳng?

Mong muốn không phụ thuộc vào người Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được thể hiện xuyên suốt 11 năm.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã bắt đầu từ khi nào?

Một số người cho rằng mọi chuyện bắt đầu khi Mỹ áp đặt lên Trung Quốc các hạn chế về xuất khẩu, có thể là vì tức giận trước cách hành xử không công bằng của Trung Quốc, hoặc vì lo sợ một đối thủ quân sự đang trỗi dậy. Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng nguyên nhân sâu xa của phân tách Mỹ-Trung nằm ở lập trường của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhưng các chính sách của Trump chỉ là một khía cạnh trong một diễn biến đã xuất hiện từ rất lâu. Từ 11 năm trước, phong trào phân tách khỏi Mỹ đã xuất hiện ở Trung Quốc.

“Chính Tập Cận Bình là người đưa ra tuyên bố quan trọng đầu tiên dẫn đến sự chia rẽ giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc,” một đảng viên đã nghỉ hưu cho biết, lưu ý rằng tuyên bố đó được đưa ra ngay trước khi Tập lên làm lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Việc Tập trung thành với bản năng gốc của mình cho thấy ông là một chính trị gia có ý chí mạnh mẽ, người sẽ kiên trì đi theo dự định ban đầu của mình. Điều đó tốt hay không tốt cho nền kinh tế Trung Quốc lại là một cuộc tranh luận khác.

Mọi chuyện khởi đầu kể từ đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, được tổ chức vào tháng 11/2012. Về bối cảnh, khi đó đại hội đã bị trì hoãn do bất ổn chính trị liên quan đến cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Trong sự kiện diễn ra năm năm một lần, nhà lãnh đạo kế nhiệm được chỉ định – Tập Cận Bình – đã nêu lên quan ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bị Mỹ “khống chế.” Với cương vị lãnh đạo, ông quyết tâm sẽ chỉnh đốn tình hình.

Tuyên bố của Tập được đưa ra sau những cánh cửa đóng kín và không hề được công khai. Nhưng với 3.000 đại biểu tham dự đại hội khi đó, chủ đề này đã được bàn luận sôi nổi.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người dân Trung Quốc không nhận ra rằng ý định của Tập sẽ gây ra những hệ quả to lớn cho nền kinh tế và xã hội Trung Quốc sau này.

Khi đó là thời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào – và không giống như bây giờ – người ta vẫn có thể thảo luận tự do, miễn là trong khuôn khổ nội bộ đảng. Do đó, nhận xét của Tập rằng nền kinh tế Trung Quốc “bị khống chế” đã được biết đến rộng rãi, các nguồn tin cho biết.

Trung tâm trong sự thất vọng của Tập chính là cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình.

Đặng (1904-1997) là người đã phát động chính sách “cải cách và mở cửa” vào năm 1978, đặt nền móng đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bất chấp sự ca ngợi mà quốc tế dành cho Đặng, Tập tin rằng cấu trúc kinh tế hướng về phương Tây mà Đặng khởi xướng – và được những người ủng hộ ông tôn thờ – đã dẫn đến nạn tham nhũng, trọng tiền bạc, và ngưỡng mộ các hệ thống phương Tây một cách mù quáng trong đảng và quân đội.

Theo logic đó, các chính sách của Đặng là nguyên nhân dẫn đến việc nền kinh tế Trung Quốc bị Mỹ “khống chế” hay thống trị.

Đối với Tập, việc các công ty Mỹ hoạt động tự do tại thị trường Trung Quốc và thu về lợi nhuận khổng lồ không phải là khía cạnh tiêu cực duy nhất trong các chính sách của Đặng.

Kết luận được rút ra là trừ khi các vấn đề này được giải quyết, nếu không chế độ độc đảng của đất nước sẽ gặp rủi ro.

Nỗ lực chấm dứt tình trạng bị khống chế đã dẫn đến một sự đảo ngược mạnh mẽ các chính sách của Đặng. Giờ đây, điều quan trọng không còn là hợp tác và quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ.

Dù quan điểm phân tách vẫn còn mơ hồ vào năm 2012, nhưng khi nhìn lại, các phụ tá thân cận của Tập đã bắt đầu xem xét việc giảm phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc vào Mỹ từ thời điểm đó.

Năm năm sau, khi ĐCSTQ tổ chức đại hội toàn quốc tiếp theo vào năm 2017, chính quyền của Tập bắt đầu thúc đẩy “sự kết hợp giữa quân sự và dân sự.” Khai thác khu vực tư nhân của Trung Quốc cho các công nghệ cấp quân sự là một cách để quân đội Trung Quốc giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Cảm nhận được động thái không thân thiện, người Mỹ đã ngừng chia sẻ các công nghệ tiên tiến với Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khu vực kinh tế tư nhân.

Trump, người lên nắm quyền vào cùng năm, đã tiếp tục xu hướng này bằng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc và một cuộc thương chiến.

Giải pháp của Tập Cận Bình để chấm dứt sự phụ thuộc vào Mỹ luôn là tự lực cánh sinh. Ông cũng đã thử “tuần hoàn kép” (dual circulation) – một chính sách kinh tế tìm cách giảm bớt vai trò của ngoại thương trong việc thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

Nhưng bất kể tầm nhìn của Tập Cận Bình về nền kinh tế lý tưởng cho Trung Quốc là gì, thì thực tế là nền kinh tế này, vốn quá phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, sẽ không hoạt động hiệu quả nếu triết lý chỉ đạo là tự lực cánh sinh.

Năm 2020, Ant Group, một công ty liên kết về tài chính của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, đột ngột buộc phải hoãn niêm yết theo kế hoạch mà không có lý do chính đáng. Điều này là minh chứng cho sự khó chịu của ban lãnh đạo trung ương với những gã khổng lồ công nghệ hoạt động ngoài tầm kiểm soát của đảng.

Mâu thuẫn giữa việc nằm dưới sự kiểm soát của đảng và tuân thủ các quy tắc về công bố thông tin của phương Tây đã dần trở nên nổi bật đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Lần lượt, từng công ty nhà nước lớn của Trung Quốc, vốn không thể đáp ứng các yêu cầu công bố thông tin do cơ quan quản lý Mỹ đặt ra, đã bị hủy niêm yết khỏi thị trường chứng khoán nước này.

Đầu năm nay, Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát Ant qua việc từ bỏ phần lớn cổ phần quý giá của ông trong công ty tài chính. Alibaba cũng công bố quyết định phân tách thành 6 công ty con.

Về thị trường bán dẫn, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành ưu thế công nghệ đã gây khó khăn cho các công ty đa quốc gia trong việc cung cấp chip hiệu suất cao cho Trung Quốc.

Kết quả là các nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã mất đi thị phần đáng kể trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Những hạn chế đối với nguồn cung chất bán dẫn cho Trung Quốc đặt ra bởi liên minh Chip 4 – gồm Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật Bản – hiện vẫn là một chủ đề lớn.

Trong chừng mực nào đó, Tập Cận Bình đã có được những gì mình muốn. Ngày nay, người Mỹ có lẽ không thể “khống chế” nền kinh tế Trung Quốc.

Nhưng tình hình cũng trở nên khó khăn đối với các công ty Trung Quốc – cả công ty nhà nước lẫn các tập đoàn tư nhân – trong việc mở rộng hoạt động trên khắp thế giới mà không bị hạn chế. Điều này đã trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Trong 11 năm dưới thời Tập Cận Bình, nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc đã thay đổi. Logic chính trị của đảng được ưu tiên hơn bất kỳ logic tự do kinh tế nào. Nền kinh tế chỉ là một công cụ để bổ sung cho nền chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu chính sách về cơ bản là sai trên khía cạnh cải thiện sinh kế của người dân, thì mọi chuyện sẽ ra sao?

Tập đã có được quyền lực tối thượng, và những người xung quanh đều là phụ tá thân cận của ông. Không ai có thể sửa đổi chính sách cơ bản mà người lãnh đạo cao nhất đã thúc đẩy vì lý do chính trị.

Ngay cả Thủ tướng Lý Cường, nhân vật thứ hai sau Tập trong hệ thống thứ bậc của đảng và là người đảm đương nền kinh tế, cũng không phải là ngoại lệ. Lý trước đây là thư ký riêng của Tập – nói theo ngôn ngữ kinh doanh, ông có vai trò như một giám đốc điều hành, chứ không phải một thành viên quyền lực của hội đồng quản trị.

Số liệu chính thức do Trung Quốc công bố hôm thứ Ba (18/04/2023) cho thấy nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,5% theo giá trị thực trong quý 1 năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng này cao hơn dự kiến ban đầu do mức tiêu thụ dịch vụ, chẳng hạn như nhà hàng và du lịch, đã tăng lên sau khi chính sách zero-COVID được dỡ bỏ.

Nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn sa lầy trong tình trạng ảm đạm, trong khi đầu tư của khu vực tư nhân không tăng.

Các công ty sản xuất vừa và nhỏ, vốn đã hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, cũng rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trọng. Nếu các công ty này không phục hồi, sẽ không thể đảm bảo việc làm cho số lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp đại học và nhiều người khác.

Các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty Nhật Bản, đang chuyển dần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Ấn Độ.

Hồi tháng 3, có thông tin cho rằng một nam nhân viên kỳ cựu của Astellas Pharma, một nhà sản xuất dược phẩm lớn của Nhật Bản, đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ ngay trước khi ông chuẩn bị từ Bắc Kinh trở về Nhật Bản. Người này đã làm việc ở Trung Quốc hơn 20 năm.

Việc giam giữ nhân viên Astellas đã bắt đầu có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc.

Chủ sở hữu của một công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, trả lời Nikkei với điều kiện ẩn danh, rằng họ đang chuyển sản xuất từ tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc sang Việt Nam. “Chúng tôi đã và đang rời xa Trung Quốc. Mọi thứ đều đắt đỏ hơn và có những rủi ro chính trị. Vụ bắt giam nhân viên Astellas sẽ chỉ đẩy nhanh xu hướng này.”

Kể từ khi đưa ra cam kết chống lại tình trạng “khống chế” của người Mỹ 11 năm trước, Tập đã hành động nhất quán. Phân tách Mỹ-Trung đã từng bước tiến triển. Các công ty không phải của Mỹ cũng đã bị cuốn vào cơn bão.

Dù dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng đang đi lên, nhưng triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn lâu mới sáng sủa. Điều gì sẽ xảy ra trong bốn đến năm năm tới? Điều đó còn phụ thuộc vào việc Tập sẽ đi theo con đường chính trị nào.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới