Kể từ cuối năm ngoái sau khi chính quyền Trung Quốc đột ngột gỡ bỏ Zero Covid, các lò hỏa táng đột nhiên quá tải, phần mộ nghĩa trang bỗng chốc trở thành một mặt hàng được ‘săn mua’, dù giá cả đắt đỏ nhưng lại rất khan hiếm. Do đó chính quyền khuyến khích người dân sử dụng các loại hình ‘an táng sinh thái’ như hải táng, v.v. Ngay cả vậy, hải táng tập thể ở Bắc Kinh vẫn phải xếp hàng tới năm 2025 thì mới tới lượt.
Xiao Hu nói với tờ The Guardian rằng cô chưa bao giờ nghĩ đến việc kiếm sống từ người chết. Trong nhiều năm, cô làm việc tại công ty của gia đình và cung cấp các chuyến du ngoạn cho khách du lịch đến quần đảo Chu Sơn nằm ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc. Nơi đó gần núi Phổ Đà – một trong bốn ngọn núi Phật giáo linh thiêng của Trung Quốc.
Khi nhu cầu an táng trên biển tăng lên, Xiao Hu đã rời công ty gia đình vào tháng 3/2022 và thành lập công ty riêng. Trên thực tế, lần đầu tiên khi khách hàng yêu cầu sử dụng tàu để rải tro cốt của người thân xuống biển, Xiao Hu đã từ chối vì cảm thấy “không mấy dễ chịu”.
Sau đó, một ông lão tín phụng Thiền tông liên tục hỏi họ rằng liệu có thể làm hải táng cho ông không. Sau khi cân nhắc, Xiao Hu quyết định giúp ông thực hiện ước nguyện của mình.
Xiao Hu thường đi biển hai hoặc ba lần một tuần, nhưng trong thời gian bận rộn, cô có thể cung cấp tới 30 chuyến hải táng mỗi tháng. Khi Xiao Hu lần đầu tiên tổ chức an táng trên biển, cô thấy rằng tro cốt dễ bị thổi bay khắp nơi. Vì vậy, cô bắt đầu cung cấp những chiếc bình đựng tro cốt có thể phân hủy sinh học để tang quyến ném xuống biển.
Hầu hết người Trung Quốc không phải là tín đồ Phật giáo. Trong nền văn hóa thờ cúng tổ tiên, việc chôn cất được coi là một phần quan trọng trong nghi thức tạ thế của một người, việc trông nom phần mộ là cách thể hiện lòng hiếu kính với những người thân đã khuất.
Nhưng trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và dân số già đã khiến các phần mộ trong nghĩa trang ngày càng khan hiếm, hơn nữa giá cả đã tăng vọt lên hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.550 USD hay 340 triệu VND). Chính quyền Thượng Hải dự đoán rằng, dựa trên xu hướng chôn cất hiện tại, phần đất nghĩa trang khả dụng sẽ cạn kiệt trong vòng 15 năm.
Thúc đẩy ‘an táng sinh thái’
Chính quyền ĐCSTQ cũng đã bắt đầu thúc đẩy việc “dưỡng dày chôn mỏng”. Vào ngày 31/3 năm nay, ông Vương Kim Hoa (Wang Jinhua), Vụ trưởng Vụ Xã hội của Bộ Dân chính Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, hiện nay 26 tỉnh trên cả nước đã đưa ra ý kiến về việc thực hiện an táng sinh thái.
“An táng sinh thái” – hình thức mới do ĐCSTQ để xướng – chủ yếu bao gồm an táng dưới bãi cỏ, trên tường, trong bồn hoa, dưới cây, trên biển, v.v.
An táng dưới bãi cỏ (thảo bình táng): là đặt hũ tro cốt trong hố dưới bãi cỏ, trên đó đặt bài vị, nhưng chỉ chiếm diện tích khá nhỏ.
An táng trên tường (bích táng): là đặt bình cốt vào các ô được ngăn cách trên bức tường.
An táng trong bồn hoa (hoa đàn táng) tương tự như an táng dưới cây (thụ táng): là đặt tro cốt vào những vật đựng có thể phân hủy và chôn trong khuôn viên nghĩa trang, sau đó trồng cây hoặc hoa lên trên.
An táng trên biển (hải táng): là rải tro cốt trong khu vực được phép trên biển, hoặc đặt tro cốt vào túi giấy cotton thân thiện với môi trường, bình đựng tự phân hủy… và ném xuống biển.
Tùy thuộc vào vị trí của nghĩa trang và loại hình an táng, giá dịch vụ an táng sinh thái cũng khác nhau. Lấy khu vực Bắc Kinh làm ví dụ, giá chôn cất dưới cây thông thường là 16.800 nhân dân tệ (57 triệu VND) cho một người; giá chôn cất trong bồn hoa là 65.800 nhân dân tệ (223 triệu VND) cho hai người; giá chôn cất trên biển tương đối thấp, khoảng 10.000 nhân dân tệ (34 triệu VND).
Theo Bộ Dân chính Trung Quốc, tỷ lệ hỏa táng của nước này trong năm 2021 đạt gần 59%, cao hơn so với 47% của năm 2015, nhưng người dân vẫn thường lựa chọn chôn bình tro cốt vào huyệt mộ. Để khuyến khích an táng sinh thái, một số chính quyền địa phương đã bắt đầu trao phần thưởng bằng tiền mặt cho tang quyến lựa chọn loại hình này.
Tiết Thanh minh là một ngày lễ đặc biệt quan trọng ở Trung Quốc để tưởng nhớ những người đã khuất. Theo truyền thống, mọi người sẽ đi tảo mộ, lau chùi bia mộ và đốt đồ cúng. Theo báo cáo do chính quyền địa phương Tô Châu công bố, trong lễ tảo mộ năm nay, Cục Dân chính đã thuê một chiếc thuyền và đưa 190 người có người thân vừa qua đời ra biển để làm lễ hải táng tập thể cho 79 người đã khuất. Mỗi gia đình được trợ cấp 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,8 triệu VND).
Có hai loại hải táng là hải táng tập thể và hải táng cá nhân. Theo tờ Economic View của Trung Quốc, Văn phòng quản lý Nhà tang lễ Đông Giao ở Bắc Kinh đã tuyên bố vào sáng ngày 5/4 rằng việc hải táng cần phải được đăng ký và xếp hàng, hiện tại hải táng tập thể phải xếp hàng và đợi từ 1 – 2 năm. Hải táng miễn phí chỉ dành cho những người có hộ khẩu Bắc Kinh; người mang hộ khẩu ngoại tỉnh phải trả phí, mỗi một tang quyến lên thuyền sẽ phải chi trả 380 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu VND).
Tờ Economic View đã gọi điện cho một số công ty cung cấp dịch vụ hải táng ở Bắc Kinh, người trực điện thoại cho biết, hiện tại nếu muốn hải táng tập thể ở Bắc Kinh thì phải xếp hàng, danh sách chờ đã kéo dài đến năm 2025; có thể hải táng cá nhân bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất nên đăng ký sớm, vì hầu như tháng Tư đã kín lịch.
T.P