Wednesday, January 15, 2025
Trang chủQuân sựMỹ sẽ đưa tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc, cảnh báo...

Mỹ sẽ đưa tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc, cảnh báo Triều Tiên

Mỹ và Hàn Quốc đã cam kết gia tăng sức răn đe đối phó CHDCND Triều Tiên, gồm việc đưa tàu ngầm hạt nhân chiến lược đến bán đảo Triều Tiên lần đầu từ thập niên 1980.

Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Joe Biden bắt tay sau cuộc họp báo chung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26.4 chính thức tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington D.C.

Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo có cuộc họp báo chung tại vườn Hồng ở Nhà Trắng và công bố thỏa thuận gọi là “Tuyên bố chung Washington”. Theo đó, hai bên sẽ mở rộng sức răn đe chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap, việc gia tăng sức răn đe đồng nghĩa Mỹ cam kết huy động toàn bộ năng lực quân sự, gồm vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh.

Tuyên bố chung nêu rằng Mỹ sẽ thực hiện các bước để sức răn đe trở nên rõ ràng hơn, thông qua triển khai đều đặn các khí tài chiến lược, gồm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đến Hàn Quốc, điều chưa từng diễn ra từ đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, phía Mỹ nhấn mạnh những vũ khí đó không đồn trú lâu dài và Washington không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc họp báo, Tổng thống Biden nói: “Điểm mấu chốt là hợp tác, tham vấn gần hơn, và chúng tôi sẽ không đồn trú vũ khí hạt nhân trên bán đảo mà chỉ cho các tàu ngầm hạt nhân ghé thăm và những hoạt động đại loại vậy”.

Trong Tuyên bố Washington, Hàn Quốc cũng nhấn mạnh nước này là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tái cam kết duy trì nghĩa vụ theo đó, đó là không phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ cũng duy trì chính sách lâu nay là không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Yoon cho biết hai nước đồng ý thiết lập Nhóm tham vấn hạt nhân (NCG) nhằm điều hành hệ thống răn đe mới một cách cụ thể. Theo nhà lãnh đạo, hai nước sẽ chia sẻ thông tin về các chiến dịch hạt nhân và chiến lược, lên kế hoạch và tổ chức thảo luận đều đặn về cách thi hành các hoạt động chung giữa lực lượng phi hạt nhân tiên tiến của Hàn Quốc cùng lực lượng hạt nhân Mỹ.

Mặt khác, tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Biden đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với Triều Tiên nếu nước này tấn công Mỹ và đồng minh. “Bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên đối với Mỹ, đồng minh hoặc đối tác là điều không thể chấp nhận và sẽ dẫn đến kết thúc chế độ thực hiện hành động đó”, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố.

Mặc dù vậy, ông Biden cũng cho biết Mỹ mong muốn bước đột phá ngoại giao thực chất với Triều Tiên nhằm củng cố sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên.

Bình Nhưỡng chưa lập tức phản ứng về những diễn biến trên.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề trong cuộc hội đàm trước đó, gồm chiến sự tại Ukraine, mối quan hệ hợp tác ba bên Mỹ – Hàn – Nhật, biến đổi khí hậu, tình hình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới