Xuất hiện tại Hội thảo TED (Canada), Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chou trả lời về các vấn đề dư luận quan ngại về nền tảng này. Tuy nhiên, dường như một số điều đang bị buông lỏng quản lý tại Việt Nam.
CEO TikTok muốn giải tỏa quan ngại từ người dùng Mỹ và thế giới
Cuối tuần trước, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew (Chu Thụ Tư) đã “xuất đầu lộ diện” trước công chúng tại hội thảo TED ở Canada. Đây là lần đầu tiên vị CEO đẹp trai của TikTok trả lời phỏng vấn công khai sau lần xuất hiện tại phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ.
Ông Chu Thụ Tư là một trong số hàng chục nhà lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội phát biểu tại hội nghị TED 2023 chủ đề “Possibility” ở Vancouver.
Người dẫn chương trình TED, doanh nhân nổi tiếng Chris Anderson, đã hỏi ông Chu Thụ Tư rất nhiều câu, nhưng tập trung vào 3 chủ đề chính: Các thuật toán gợi ý nội dung, việc bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại, và việc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc với TikTok.
Ông Chu Thụ Tư bắt đầu bằng câu chuyện 10 năm trước đây, khi 2 kỹ sư đã mầy mò tìm kiếm những thuật toán mà không chỉ giúp người dùng gặp gỡ những người quen trên mạng mà còn tìm được những vấn đề theo sở thích. Khoảng 5 năm trước đây, với sự phổ biến của 4G và những nền tảng video ngắn, TikTok đã ra đời với mục tiêu đề cao sự sáng tạo nội dung và cung cấp một nền tảng để người dùng có thể thỏa sức sáng tạo các video ngắn.
Hiện nay, trên Tiktok, nhà sáng tạo thành công nhất là Khaby, người Senegal, sống ở Italy và làm công nhân. Trong video của mình, Khaby không hề nói một câu nào, nhưng nhờ những điệu bộ hài hước cộng với tài năng mà video của anh luôn được hàng triệu lượt xem và Khaby đang có 160 triệu người theo dõi trên TikTok.
Khi người dẫn chương trình Chris Anderson hỏi về cơ sở cho việc gợi ý nội dung, ông Chu Thụ Tư nói rằng đó hoàn toàn là Toán học. Thuật toán của TikTok sẽ phân tích thói quen của người dùng qua app, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và máy học để triển khai ở quy mô siêu lớn, từ đó có thể gợi ý những nội dung phù hợp với sở thích người dùng.
Ông Chu Thụ Tư cũng nói thêm rằng trước khi TikTok xuất hiện, đã có nhiều app sử dụng thuật toán gợi ý nội dung để giúp người dùng có thể tìm thấy nhau, nhưng người dùng nếu không nổi tiếng thì khó có thể được gợi ý. Trong khi đó, TikTok cung cấp cho nhà sáng tạo một “sân khấu” để họ thể hiện tài năng, và TikTok sẽ tìm bất kỳ ai có tài năng, có nội dung hay để đưa họ lên cho mọi người nhìn thấy. Đó là sự khác biệt làm nên thành công của TikTok so với các app khác.
Về việc kiểm soát các nội dung độc hại, ông Chu Thụ Tư thừa nhận nội dung được người dùng đưa lên TikTok rất đa dạng, vì thế không tránh khỏi có những nội dung không phù hợp. Nhưng TikTok đã có quy định rõ nội dung nào “được phép” và nội dung nào “không được phép”. TikTok có đội ngũ kiểm duyệt lên đến hàng chục nghìn người (ngồi ở Ireland) cộng với máy móc để nhận diện nội dung nào là xấu độc để xóa khỏi nền tảng. Những nội dung bị cấm là khiêu dâm, lạm dụng tình dục trẻ em, bạo lực…
TikTok có những quy định với người dùng dưới 18 tuổi và người dùng dưới 16 tuổi. Chẳng hạn người dùng dưới 16 tuổi sẽ không được sử dụng tính năng nhắn tin nhanh trên nền tảng và người dưới 18 sẽ không thể sử dụng tính năng livestream. Người dùng dưới 13 tuổi sẽ không được đăng tải video…
Khi người dẫn chương trình Chris Anderson hỏi rằng thời gian sử dụng TikTok của thanh thiếu niên bao nhiêu là phù hợp, ông Chu Thụ Tư nói rằng “tối đa là 60 phút”. Ông nhấn mạnh rằng con số này không phải TikTok tự đưa ra mà có tham khảo của Phòng Thí nghiệm Sức khỏe (Digital Wellness Lab) thuộc Bệnh viện Nhi Boston.
Người dẫn chương trình Chris Anderson có hỏi về một số trend độc hại cũng như một số vụ tự tử đã diễn ra khi làm theo các trào lưu trên TikTok, ông Chu Thụ Tư nói rằng TikTok đã nhận thức được vấn đề này và đều kiểm duyệt kỹ các trào lưu. Khi người dùng gõ một từ khóa tìm kiếm thông tin độc hại, họ sẽ được TikTok điều hướng đến một website với những lời khuyên tốt cho họ.
Ông cũng được hỏi về sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc đối với ByteDance (công ty mẹ của TikTok). Ông nói rằng TikTok rất “minh bạch” trong việc cung cấp dữ liệu về hành vi của người dùng Mỹ và là công ty duy nhất cho phép bên thứ ba truy cập vào mã nguồn để kiểm tra.
Dữ liệu của người dùng Mỹ cũng được lưu trữ trên máy chủ của Oracle chứ không phải ở Trung Quốc. Ngoài ra, TikTok cũng có các công cụ và quy tắc để ngăn chặn việc chia sẻ dữ liệu người dùng và hứa sẽ giảm rủi ro xuống mức bằng 0 nhất có thể.
Nhìn lại TikTok Việt Nam
Không thể phủ nhận TikTok đã đem lại cho người dùng Việt Nam nhiều phút giây giải trí thú vị, hoặc những kiến thức vô cùng lý thú qua chia sẻ của các thầy cô giáo “hot” trên TikTok.
Nền tảng này cũng đã góp phần đưa những tên tuổi “vô danh” đến với công chúng, trở thành những nhân vật thần tượng của giới trẻ. Đó là những Đào Lê Phương Hoa, Ciin, Trà Đặng, Nguyễn Văn Tài với những điệu nhảy bắt mắt và màn hóa trang bá đạo. Hay Nguyễn Thị Phương Thảo với những biểu cảm đáng yêu trên nền các bài hát Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, thật đáng buồn khi trên TikTok Việt Nam vẫn xuất hiện những nội dung độc hại.
Đầu tiên, như VietTimes đã từng phản ánh. Đó là việc dung túng cho các bài đăng buôn bán thuốc lá điện tử, sử dụng thuốc lá điện tử. Việc sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới đang dần ăn mòn sức khỏe của thanh thiếu niên Việt Nam. Đây cũng là con đường mà ma túy dễ dàng thâm nhập học đường.
Kết quả điều tra học đường năm 2020 cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi hút thuốc lá điện tử, trong đó học sinh từ 15 đến 17 tuổi có tỷ lệ hút thuốc lá điện tử là 3,1%. Tỷ lệ này ở nam học sinh từ 15 đến 17 tuổi là 4,8% và nữ học sinh là 1,4%.
VTV ngày 11/4/2023 đưa tin 2 vụ bán tinh dầu thuốc lá điện tử chứa ma túy vừa được công an Hà Nội phát hiện. Đối tượng bán tinh dầu ngay tại cổng trường cấp 2, cấp 3 ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, các nội dung khiêu dâm cũng núp bóng các video clip tưởng chừng như vô hại với các hình ảnh “sạch sẽ” trên Tiktok, người dùng chỉ cần search theo từ khóa “phim………che” là có thể thấy nhiều video chứa hình ảnh diễn viên người lớn với các mã số có thể tìm trên Internet.
Ngoài ra, các đối tượng còn dùng những từ khóa nói lái/từ lóng để dẫn người dùng vào các clip đồi trụy. Chẳng hạn như từ khóa “sẽ gầy” dẫn người dùng tới clip “sex gay”, hay từ khóa “hút độc rắn” dẫn người dùng tới các clip nói về cách quan hệ tình dục bằng miệng, phân biệt “rắn” nào ngon “rắn” nào dở.
Nguy hiểm hơn, đã có một số đối tượng đăng tải hình ảnh nhảy múa uốn éo, sau đó chỉ dẫn người dùng đến Zalo có số điện thoại để liên lạc.
Cuối cùng, mặc dù ông Chu Thụ Tư có nói rằng TikTok cấm trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng và đăng tải video, nhưng thực tế nhiều trẻ em dưới 13 tuổi ở Việt Nam đã có tài khoản TikTok. Việc các em dưới 13 tuổi tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội có thể đẩy các em đến nguy cơ bị đầu độc, bắt nạt, lạm dụng tình dục, thậm chí gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống.
Dường như TikTok đang áp dụng quy định kiểm duyệt đối với thị trường Việt Nam lỏng lẻo hơn các thị trường “khắt khe” khác ở Mỹ và châu Âu. Hoặc đội ngũ kiểm duyệt TikTok Việt Nam quá mỏng để có thể xử lý một số lượng lớn video được tải lên mỗi ngày.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi cho TikTok Việt Nam và mời các bạn đón đọc bài tiếp theo để có câu trả lời.
Kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam
Ngày 6/4/2023, tại buổi họp báo thường kỳ, Bộ TT& TT cho biết Bộ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tổng Cục Thuế… kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
TikTok bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, thế nhưng Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới. Trước đây, nền tảng này có nhiều nội dung chủ yếu thuần tuý giải trí, vi phạm cũng chỉ liên quan đến giải trí.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay trên Tiktok đã có nhiều nội dung vi phạm như xuyên tạc về chính trị, chống phá Đảng và Nhà nước, nhiều thông tin độc hại gây nguy hiểm cho trẻ em, sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán nội dung giật gân, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ và cộng đồng người dùng.
Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thậm chí lừa đảo…
Khác với Facebook, TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển. Điều này cũng có nghĩa, các nội dung xấu, thông tin sai sự thật cũng có thể xuất hiện liên tục trước mắt người xem do gợi ý của thuật toán.
Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok. Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5.