Theo thông báo mới nhất từ cơ quan kiểm tra kỷ luật, trong quý I năm nay có hơn 110.000 quan chức tham nhũng bị xử phạt. Dư luận hải ngoại chỉ ra rằng, chính quyền Bắc Kinh đã chống tham nhũng 11 năm nhưng “hổ” và “ruồi” lại ngày càng nhiều, nguyên nhân sâu xa là do hệ thống chính trị và kinh tế của nước này không thay đổi.
Ủy ban Giám sát Quốc gia thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây ra thông báo về tình hình giám sát, kiểm tra, xem xét và điều tra trong quý I năm 2023. Theo báo cáo, trong quý I năm nay, các cơ quan kiểm tra kỷ luật trên cả nước đã tiếp nhận hơn 770.000 tài liệu khiếu nại, trong đó có 231.000 đơn thư tố giác, và có 138.000 vụ việc đã được lập hồ sơ để điều tra.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong quý đầu tiên của năm nay, có khoảng 111.000 quan chức đã bị xử phạt, bao gồm 1 quan chức cấp tỉnh và bộ, 633 quan chức cấp cục, sở và hơn 4.600 quan chức cấp huyện.
Đáng chú ý là thời gian gần đây có một lượng lớn quan chức ở cấp tỉnh và bộ ngã ngựa. Trong 21 ngày từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Bốn năm nay, có 9 quan chức cấp tỉnh và bộ bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng, bao gồm: cựu Bí thư Thành ủy Ngân Xuyên – thủ phủ khu tự trị Ninh Hạ, nguyên Phó trưởng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương ĐCSTQ, nguyên Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Quý Châu, nguyên Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Sơn Đông, v.v.
Thông báo do cơ quan kỷ luật của ĐCSTQ ban hành nhằm nêu bật “thành quả chiến đấu” chống tham nhũng lại phơi bày một thực tế là, ĐCSTQ càng chống tham nhũng thì chế độ lại tham nhũng càng nặng.
Số quan chức tham nhũng trong ĐCSTQ được ví với hình ảnh ‘sóng sau xô sóng trước’.
Từ lâu, nhà bình luận độc lập Tra Kiến Quốc (Zha Jianguo) ở Bắc Kinh từng phân tích và chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài rằng: Tại sao ở Trung Quốc lại có nhiều quan chức tham nhũng như vậy, nó cho thấy rõ đây là vấn đề mang tính hệ thống, nó không có quyền lực đối trọng, tư pháp độc lập, dư luận giám sát, cạnh tranh trong bầu cử, giám sát của các đoàn thể quần chúng, nên đã dẫn đến hiện tượng vi phạm kỷ luật, tham ô. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ luôn “chống tham nhũng theo kiểu cuộc vận động”, mà đây là “nhân trị” chứ không phải “pháp trị”, nên không thể giải quyết được vấn đề cơ bản.
Ông nói: “Nước ngày càng sâu hơn. Đây có phải chỉ là phần nổi của tảng băng trôi không? Trong tình huống không có độc lập về tư pháp, mọi người hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi này”.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư hành nghề tại Bắc Kinh, hiện đang sống ở Canada, cũng từng nói rằng ĐCSTQ đã bị mục nát triệt để, toàn diện và mang tính hệ thống. Cơn bão chống tham nhũng do nhà cầm quyền thổi bùng lên không những không làm giảm tham nhũng mà còn khiến thủ đoạn tham nhũng của các quan chức “khéo léo hơn, tài tình hơn và nghệ thuật hơn”.
Ông Trương Kiến Trung (Zhang Jianzhong), một nhà hoạt động nhân quyền ở Thiên Tân, mô tả chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ là “ôm giữ đống phân mà đập lũ ruồi”. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao không dọn đống phân này đi?”.
T.P