Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Món quà ngoại giao” của Washington

“Món quà ngoại giao” của Washington

Washington đã có “món quà ngoại giao” vào dịp Tổng thống Philippinnes thăm Mỹ từ ngày 1 đến ngày 5/5.

Món quà ấy là sự tố cáo và chỉ trích nặng nề đối với Trung Quốc. Bởi từ đầu năm 2023 đến nay Manila ngày càng xích lại gần Washington, khiến Bắc Kinh cay cú. Mới đây Philippines đã đồng ý để Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự ở nước này. Thế là cùng với 5 căn cứ quân sự trước đó theo thỏa thuận hợp tắc quốc phòng giữa hai nước, Mỹ đã có 9 căn cứ quân sự trên quần đảo Philippines.

4 căn cứ quân sự mới thuộc 3 tỉnh Cagayan, Isabela và Palawan, được đánh giá là có vị trí chiến lược rất quan trọng mà trước đó các nguồn tin tình báo của Trung Quốc không nắm được. Trước sự kiện này, Bắc Kinh đã lớn tiếng chỉ trích, coi thỏa thuận về việc đặt căn cứ quân sự là một phần trong “nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, thông qua liên minh quân sự với Philippines”.

Một quan chức Mỹ cấp cao cho hay, nhân chuyến công du của Tổng thống Philippines, ngoài các thỏa thuận kinh doanh, hai bên sẽ thảo luận về việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng. Đó là việc tổ chức các cuộc tuần tra chung Mỹ-Philippines trên Biển Đông và các vùng biển khác, hay kế hoạch tăng cường đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Philippines về an ninh khu vực.

“Món quà ngoại giao” khiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr “được lời như cởi tấm lòng”. Đương nhiên, chính quyền Bắc Kinh rất bất ngờ và cay cú. Cụ thể, hôm 29/4 Mỹ đã tố cáo Trung Quốc về một vụ “sách nhiễu và hù dọa” tàu Philippines tại Biển Đông.

Cơn cớ gì chỉ có chuyện con tàu mà Nhà Trắng lại đụng chạm đến vấn đề quốc gia? Lại còn “kêu gọi” Trung Quốc chấm dứt các hành động “khiêu khích và thiếu an toàn”. Mỹ còn làm to chuyện khi tuyên bố, mọi hành vi tấn công vào tàu thuyền hay máy bay công vụ của Philippines tại vùng Thái Bình Dương sẽ bị đáp trả đúng theo hiệp định phòng thủ hỗ tương đã được ký kết giữa Washington và Manila.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller trong một thông cáo báo chí nêu rõ: Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trước các vụ Hải Cảnh Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong thông cáo có đoạn: “Hình ảnh và video được các phương tiện truyền thông công bố gần đây là lời nhắc nhở rõ ràng về hành vi sách nhiễu và hù dọa của Trung Quốc nhắm vào tàu thuyền của Philippines, khi các tàu này tuần tra định kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.

Chuyện nhỏ bỗng thành đại sự khi Bộ Ngoại giao Mỹ “đe dọa” Trung Quốc: “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines, bao gồm cả các phương tiện của lực lượng Tuần Duyên Philippines, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ ghi trong Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.”

“Món quà ngoại giao” có nguyên cớ là chuyện va chạm tàu trên Biển Đông. Va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippines xảy ra hôm 23/4 gần Bãi Cỏ Mây, vùng quần đảo Trường Sa (Việt Nam) khi một chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc đột ngột cắt ngang đường di chuyển của một chiếc tàu Tuần duyên Philippines. Tàu Philippines buộc phải bẻ lái để tránh tai họa.

Về sự cố này, Bắc Kinh tố cáo tàu Philippines khiêu khích khi xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. Còn Philippines tái khẳng định quyền tuần tra trong vùng biển (Bãi Cỏ Mây) thuộc chủ quyền của mình. Mấy năm qua, ngư dân Philippines liên tục bị các tàu cỡ lớn của Trung Quốc là các tàu bán quân sự “núp bóng” tàu cá, tàu ngư chính để xua đuổi, quấy rối và hăm dọa họ ở các ngư trường truyền thống.

Chính vì thế việc Philippines cho Mỹ đặt 9 căn cứ quân sự là thể hiện sự phản ứng đối với hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Cả 9 căn cứ không chỉ nhìn về hướng điểm nóng Đài Loan, mà còn trông ra khu vực Biển Đông. Từ đây, Trung Quốc sẽ không dễ dàng khi thực hiện “chiến thuật vùng xám”. Bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các tàu tuần duyên của Philippines ở Biển Đông cũng có thể kích hoạt các điều khoản Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.

Vậy Mỹ và Philippines đang “kiềm chế” Trung Quốc hay đang sẵn sàng đáp trả? Đúng ra là cả hai. Điều ấy sẽ được bàn tới trong hội đàm của hai nhà lãnh đạo Mỹ- Philippines trong chuyến thăm mở đầu tháng 5.

Hóa ra Washington kết hợp rất giỏi quân sự với ngoại giao, ngoại giao với kinh tế. “Món quà ngoại giao” khi khách đến thăm nhà kể ra cũng hơi quá đáng đối với Trung Quốc (!).

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới