Nhật Bản vừa công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) phiên bản mới. FOIP mới sẽ là một trong những chủ đề quan trọng được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản từ ngày 19-21/5.
Vì sao Nhật Bản đưa ra FOIP mới?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói rằng, Tokyo công bố FOIP mới trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Với sự trỗi dậy của các nước mới nổi và các nước đang phát triển, cán cân quyền lực đang thay đổi đáng kể. Mặt khác, vấn đề chênh lệch cũng đang nổi lên. Trong khi đó, diễn ra khủng hoảng phức hợp với sự đan xen, vướng mắc của nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm những thách thức toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia ngày càng lớn.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế thiếu một quan điểm hướng dẫn được tất cả chấp nhận về trật tự quốc tế nên như thế nào. Sự khác biệt đáng kể trong thái độ giữa các quốc gia đối với xung đột Nga-Ukraine hiện nay là một dấu hiệu cho thấy một lực lượng ly tâm mạnh đang tồn tại trong cộng đồng quốc tế ở cấp độ “quan điểm”, vị cán bộ nhận định.
FOIP phiên bản mới: Các trụ cột hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ảnh 1
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Công viên Buddha Jayanti ở New Delhi ngày 20/3/2023. Ảnh: Fortune India
Các nguyên tắc cốt lõi của FOIP là bảo vệ “tự do” và “luật pháp”, và tôn trọng “sự đa dạng”, “sự hòa nhập” và “sự cởi mở”. Những nguyên tắc này đã chiếm được nhiều thiện cảm từ cộng đồng quốc tế. FOIP đã nhận được sự ủng hộ và chứng thực rộng rãi không chỉ từ Mỹ và các nước châu Âu mà còn từ các nước mới nổi và đang phát triển. Trong tình hình hiện nay khi không có sự đồng thuận về những gì nên là quan điểm cơ bản cho kỷ nguyên tiếp theo, FOIP là một tầm nhìn đang đạt được phù hợp để tìm kiếm sự hợp tác trong cộng đồng quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương nói rằng, Nhật Bản đưa ra FOIP mới trong 2 bối cảnh mới. Một là, sức ép chọn phe giữa các nước gia tăng. Một phe là Mỹ và đồng minh (trong đó có các đồng minh, đối tác quan trọng ở châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ – Chủ tịch G20 năm 2023). Một phe khác là liên minh ngày càng rõ giữa Trung Quốc và Nga. Hai là, các thách thức toàn cầu càng rõ nét và đan xen nhau trong khi chưa có cách giải quyết thống nhất, lâu dài.
Các trụ cột hợp tác
Nhật Bản đặt ra các trụ cột hợp tác cho FOIP phù hợp với bước ngoặt lịch sử để hiện thực hóa một thế giới mà FOIP hướng tới.
Trụ cột thứ nhất, các nguyên tắc vì hòa bình và các quy tắc cho sự phồn vinh. Đây là xương sống của FOIP. Bảo vệ hòa bình, và tạo ra một môi trường quốc tế nơi tự do, minh bạch và pháp quyền được tôn trọng và kẻ yếu không bị đánh bại bằng vũ lực. Các nguyên tắc cơ bản mà cộng đồng quốc tế nên ủng hộ hòa bình/xây dựng hòa bình bao gồm: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng; Giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại; Phản hồi từ góc độ phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS). Tạo ra một trật tự kinh tế tự do, công bằng và hợp lý theo cách thích nghi với thời gian thay đổi. Duy trì các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm nền tảng và thúc đẩy mức độ tự do hóa, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tăng cường hợp tác với Mỹ và các đối tác thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)…
Trụ cột thứ hai, giải quyết các thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là trọng tâm hợp tác mới cho FOIP. Mở rộng hợp tác cho FOIP với sự gia tăng mạnh mẽ về tầm quan trọng của vấn đề toàn cầu chung, như khí hậu và môi trường, sức khỏe toàn cầu, không gian mạng…, từ đó tăng cường khả năng phục hồi và bền vững của các xã hội. Về khí hậu và môi trường/an ninh năng lượng, đưa ra khái niệm “Cộng đồng châu Á không phát thải” nhằm đạt được cả trung hòa các-bon và tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ xử lý tổn thất và thiệt hại cho các quốc gia dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Về an ninh lương thực, viện trợ lương thực khẩn cấp để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương; đưa ra khuôn khổ cung cấp gạo cho khu vực ASEAN trong ứng phó với trường hợp khẩn cấp…
Trụ cột thứ ba, kết nối đa tầng. Đây là yếu tố cốt lõi của sự hợp tác cho FOIP. Để đạt được sự phát triển mạnh mẽ của toàn khu vực, các quốc gia cần duy trì kết nối trong các khía cạnh khác nhau. Nhật Bản sẽ tăng sự lựa chọn của mỗi nước và giúp họ vượt qua các điểm yếu thông qua các sáng kiến để tăng cường kết nối. Với Đông Nam Á, đóng góp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản… Với Nam Á, hợp tác chuỗi giá trị công nghiệp Vịnh Bengal-Đông Bắc Ấn Độ (Bangladesh…). Về kết nối kỹ thuật số, thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số mở và đáng tin cậy, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, bao gồm cáp dưới biển.
Trụ cột thứ tư, mở rộng nỗ lực vì an ninh và sử dụng an toàn từ biển đến không gian. Đảm bảo an ninh và an toàn của toàn bộ “phạm vi công cộng”, có “các tuyến hàng hải” ở trung tâm là “trọng tâm của FOIP” và kết hợp bảo đảm sử dụng hàng không vũ trụ an toàn, ổn định. Về tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, cung cấp tàu tuần tra, thiết bị hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường biển, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng mạng lưới (đặc biệt là hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển).
Phương pháp thúc đẩy hợp tác
Trong việc mở rộng hợp tác cho FOIP, chìa khóa sẽ là thực hiện một sự kết hợp tối ưu giữa các phương pháp khác nhau. Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa các nỗ lực ngoại giao bao gồm cả việc mở rộng ODA dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng thời tham gia vào việc sử dụng ODA một cách chiến lược. Từ quan điểm này, Nhật Bản sẽ sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển và đưa ra định hướng về ODA của nước này trong 10 năm tới. Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan xử lý vốn ODA và các kênh chính thức khác. Việc giới thiệu một khuôn khổ mới cho viện trợ không hoàn lại “kiểu huy động vốn tư nhân” sẽ thu hút đầu tư như một hình thức mới của ODA. Đây là một dạng đầu tư mới kết hợp viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật nhằm góp phần giải quyết các thách thức kinh tế – xã hội thông qua hỗ trợ khởi nghiệp.
Về huy động vốn tư nhân, Nhật Bản sẽ sửa Luật Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JBIC). Sửa đổi luật sẽ cho phép JBIC cấp vốn cho các hãng nước ngoài hỗ trợ các chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản, cũng như đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp có hoạt động ở nước ngoài trong lĩnh vực tăng trưởng nhanh như kỹ thuật số, trung hòa các-bon… Nhật Bản sẽ huy động tổng cộng hơn 75 tỷ USD trong khu vực công và tư nhân ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2030 cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Để mở rộng hợp tác cho FOIP, cần phải hợp tác hơn nữa với các bên liên quan trong nước và quốc tế. Tăng cường nỗ lực bổ trợ lẫn nhau với Mỹ, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada, châu Âu… Tận dụng các khuôn khổ như G7, Nhật-Mỹ-Úc-Ấn, Nhật-Mỹ-Hàn, thúc đẩy hợp tác xây dựng pháp quyền và nâng cao quyền tự chủ của mỗi nước. Tiếp tục đóng góp cho các tổ chức quốc tế và khu vực một cách chuyên nghiệp và trung lập, đồng thời thúc đẩy chia sẻ thông tin và đối thoại. Tài chính và công nghệ của khu vực tư nhân là không thể thiếu đối với sự phát triển và tăng trưởng của mỗi quốc gia, nên Nhật Bản sẽ theo đuổi hiệp lực thông qua quan hệ đối tác công tư.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác phối hợp với các nước mới nổi. Với các nước ASEAN, Nhật Bản tôn trọng vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, đồng thời hoàn toàn ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Năm nay đánh dấu 50 năm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản. Nhật Bản công bố hỗ trợ thêm 100 triệu USD cho Quỹ hội nhập Nhật Bản – ASEAN. Đồng thời, sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên của AOIP (hợp tác hàng hải, kết nối, y tế, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, chuỗi cung ứng, kỹ thuật số, an ninh lương thực…).