Gần đây, Mỹ được biết đến với chính sách ngoại giao “mơ hồ chiến lược”. Đáp lại, các đồng minh cũng tỏ ra rất thận trọng trong quan hệ với Mỹ. Chuyến thăm đầu tháng 5 của Tổng thống Philippines và chuyến thăm cuối tháng 4 vừa qua của Tổng thống Hàn Quốc thể hiện rõ sự mập mờ ấy.
Bài viết này đi sâu phân tích mối quan hệ Mỹ- Hàn trong Chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương, qua chuyến thăm Mỹ kéo dài sáu ngày (từ 24 đến 29/4) của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Chuyến thăm Mỹ của ông Yoon Suk Yeol trái với sự trông đợi của dư luận, bởi sự dè dặt và những tính toán quá thận trọng từ cả hai phía. Dường như cả hai nước đều cùng hướng đến mục tiêu tận dụng lợi thế của bên còn lại trong thế trận phòng vệ mới mà mỗi bên đều có quyền chủ động riêng biệt.
Nói là nó trái với sự mong đợi thôi, chứ không gây bất ngờ, bởi thông điệp từ thượng đỉnh Mỹ-Hàn phù hợp với chính sách ngoại giao mềm mỏng hiện nay của Hàn Quốc, cốt được lòng Mỹ nhưng không mất lòng Trung Quốc.
Cuối năm 2022, ngày 28/12, Hàn Quốc công bố báo cáo chi tiết về Chiến lược mới của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây được xem như chiến lược khu vực toàn diện đầu tiên của Hàn Quốc nhằm định hình chính sách đối ngoại trong tương lai.
Chiến lược nêu rõ ba nguyên tắc cơ bản của hợp tác là: bao trùm, tin tưởng và cùng có lợi. Hàn Quốc khẳng định trọng tâm của chiến lược mới là nhằm thúc đẩy tự do, hòa bình, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông qua việc thiết lập trật tự dựa trên luật lệ và hợp tác về quyền con người.
Seoul đặt trọng tâm xây dựng một chiến lược phản ánh giá trị tự do và đoàn kết đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trên cơ sở những nhận định về tầm quan trọng của khu vực này. Phương hướng hợp tác cũng như kế hoạch xúc tiến quan hệ với các đối tác trong khu vực được đề cập trong bản báo cáo chi tiết. Trong đó, Hàn Quốc xác định, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác hợp tác quan trọng nhất.
Sự khôn ngoan của chính phủ Yoon Suk Yeol là ở chỗ, mặc dù bày tỏ quan điểm rõ ràng về những vấn đề “nóng” tại khu vực, dễ dẫn đến những va chạm với Trung Quốc, nhưng Nhà Xanh khẳng định: Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc là “một sáng kiến bao trùm, không nhắm đến hay loại trừ một quốc gia nào”.
Điều này Hàn Quốc khác Mỹ. Khác ở chỗ, nước này nhấn mạnh sự khác biệt với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Trọng tâm của Mỹ là xây dựng liên minh Bộ tứ (Mỹ – Nhật Bản – Australia – Ấn Độ) để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực. Còn trọng tâm của Hàn Quốc là “sáng kiến bao trùm”.
Sự khôn khéo này đương nhiên sẽ nhận được cái gật đầu của Bắc Kinh.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nơi sinh sống của 65% dân số thế giới. Đây là một khu vực phong phú về tài nguyên thiên nhiên, có nhiều tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Đặc biệt, nơi đây có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; bảy trong số 10 nước có lực lượng quân đội với quy mô lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Australia cũng đang hiện diện tại khu vực.
Nhận rõ tầm quan trọng của vùng lãnh thổ rộng lớn này, sau Mỹ, các quốc gia trên thế giới đã tăng cường can dự vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và xây dựng các chính sách mang tính chiến lược của riêng mình.
Khu vực này hiện là nơi Mỹ thúc đẩy sáng kiến mới mang tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Trong đó, vấn đề cốt lõi của IPEF là thiết lập các kênh cung ứng ổn định những nguồn nguyên liệu công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn và pin. Hàn Quốc cũng là nhà xuất khẩu chủ yếu chất bán dẫn, các sản phẩm công nghệ cao và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đây, các chính phủ tiền nhiệm của Hàn Quốc thường cố gắng tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc – đối tác xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, khi thúc đẩy IPEF, Nhà Xanh đã thể hiện rõ nỗ lực đa dạng hóa những mối quan hệ kinh tế, thương mại, để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiện nay, những mối đe dọa an ninh đối với Seoul không chỉ là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc cần có những động thái nhằm bảo đảm an ninh trong giai đoạn có nhiều thách thức nảy sinh, khi mà Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trong thời kỳ xác lập một cấu trúc an ninh hiệu quả để ứng phó với cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc Mỹ – Trung Quốc.
Những động thái khôn ngoan đó giúp cho chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol tái khẳng định vị thế là một đồng minh chủ chốt của Washington ở khu vực. Nó không chỉ thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng với Mỹ trong nhiều vấn đề trọng yếu mà còn nằm trong mục tiêu nâng cấp liên minh Hàn – Mỹ thành một liên minh chiến lược toàn diện.
Động thái tích cực và những ứng xử khôn ngoan giúp Seoul tránh thế “tiến thoái lưỡng nan”, không bị rơi vào thế khó như Nhật Bản. Thời gian qua, Nhật Bản cùng Mỹ luôn đạt được đồng thuận và tích cực trong việc công khai thực hiện chiến lược “kiềm chế” Trung Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc không thể hiện “ra mặt” với Trung Quốc như Nhật Bản.
Chính sách ngoại giao khôn khéo, cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc không rõ có hiệu quả lâu dài? Nhưng trước mắt nó bảo đảm duy trì, củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Đồng thời, vẫn nỗ lực cải thiện quan hệ với ông hàng xóm lắm mưu sâu kế hiểm Trung Quốc.
Trong khi tỏ ra hữu hảo với Hàn Quốc nhưng Trung Quốc cũng rất “yêu quý” Triều Tiên, bất kể quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng đang ngày càng xấu đi. Chủ tịch Trung Quóc Tập Cận Bình từng nói rằng: “Sự tiến triển trong quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên sẽ thúc đẩy các giải pháp chính trị đối với các vấn đề bán đảo Triều Tiên và bảo vệ lợi ích chung của hai nước”.
Xem ra cái “sách” của Hàn Quốc đang được nhiều quốc gia học tập, trong đó có sách lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Rễ tre, thân tre, cành tre đều phát huy tối đa lợi thế của nó.
H.Đ