Wednesday, October 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNước cờ ngoại giao của Singapore

Nước cờ ngoại giao của Singapore

Là một quốc đảo Đông Nam Á, phía nam có eo biển Singapore tiếp giáp với biển Đông (cùng Đại Tây Dương, biển Malacca) nhưng không có yêu sách chủ quyền, lâu nay, liên quan vấn đề Biển Đông, Singapore khá kiệm lời.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc chặn tàu cảnh sát biển Philippines BRP Malapascua hôm 23/4/2023.

Không có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông mới là một lẽ. Còn một lẽ khác ai cũng biết, “đảo quốc Sư tử” với dân số được coi là đa phần trẻ, trong đó tộc người Hoa chiếm tới hơn ¾; trong tâm thức của nhiều người, dẫu là dân Singapore, Trung Hoa đại lục vẫn luôn được dành cho một vị trí ví như “người anh” rất đỗi thiêng liêng. Bản thân nhà lập quốc Singapore – ông Lý Quang Diệu – có mối quan hệ thân tình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từ cuối thập niên 1970.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng ai cũng thấy, như Đài Loan thù địch với Trung Quốc đến thế, vậy mà trong câu chuyện Biển Đông, cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều dường như cố né tránh, mặc cho các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia đương đầu với Trung Quốc trong một cuộc đấu ngày một khó khăn do bất cân đối về sức mạnh: Trung Quốc như một đô vật khổng lồ trong khi các nước kia, xét về hạng cân chỉ có thể xếp “hạng ruồi”, “hạng gà”…

Thế nên, cái sự lên tiếng của Singapore về một sự kiện liên quan Biển Đông vừa qua khiến một số người hơi ngạc nhiên, dù xét cho cùng, ngoài ý nghĩa thể hiện trách nhiệm thành viên ASEAN, nội dung, thông điệp của nó chẳng có gì mới mẻ.

Singapore (thủ đô, cũng là tên nước) vừa nói gì vậy?

Họ vừa lên tiếng sau khi Philippines tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi chạy cắt mặt sát một tàu cảnh sát biển Philippines ở khu vực gần bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hôm 23/4.

Người lên tiếng phía Singapore là ai? Không phải dạng vừa, là đích thân Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan. Ông này nói rằng: Chính phủ (Singapore) mong muốn tất cả quốc gia, bao gồm những cường quốc, cùng nhau đảm bảo “cơ hội và khả năng tiếp cận tự do” tại Đông Nam Á và trên các tuyến đường biển của khu vực…Chúng tôi quan ngại sâu sắc với bất kỳ căng thẳng và những điều kiện gây ra sự cố trên biển”.

Hãng tin Bloomberg đưa lời của người đứng đầu cơ quan ngoại giao quốc đảo khách quan tới mức dường như không bình luận. Tuy nhiên, người đọc, bằng sự nhạy cảm rất mực nhận ngay sự tính toán của ông Vivian Balakrishnan. Một sự tính toán khôn ngoan.

Khôn ở cách xưng “chính phủ”. Chính phủ tưởng “to”, có tính quốc gia hơn, nhưng lại hạn chế về cái điều thường gọi là tính “cá nhân hóa”. Nói cách khác, giả như với tư cách bộ trưởng ngoại giao, ông Vivian Balakrishnan lên tiếng, thì lời nói của ông ta “nặng đồng cân” hơn rất nhiều.

Nhưng như thế thì mếch lòng “người anh” – điều mà cả ông Balakrishnan cũng như nhiều người dân Singapore không muốn. Không muốn nên họ luôn tìm cách né tránh.

Tránh né, ngoài sự “nặng tình” cố quốc, còn là lợi ích. Trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore, Trung Quốc chiếm vị trí thứ nhất với giá trị tương mại song phương 51,5 tỷ USD (13,8%) năm 2021 (với Mỹ, con số này là 40,2 tỷ USD, tương đương 10,7%). Với một quốc gia chưa đầy 10 triệu dân, đó là con số quá lớn.

Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 6 ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, chuyến thăm đầu tiên của ông Lý Hiển Long tới Trung Quốc kể từ năm 2019, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện chất lượng cao hướng tới tương lai”, theo đó, Trung Quốc và Singapore có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, kinh tế số, an ninh lương thực, tài chính và hàng không, khoa học và công nghệ cũng như chuỗi cung ứng. Sau đại dịch COVID-19, nếu Tuyên bố chung nêu trên được hiện thực hóa, quy mô thương mại Singapore – Trung Quốc chắc chắn sẽ còn hơn nhiều…

Từ đó, mới thấy, với Singapore, chẳng phải họ không biết Biển Đông lâu nay bão tố như thế nào. Họ cũng và biết rõ, ai là thủ phạm chính gây nên tình trạng đó. Tuy nhiên, trong ứng xử, Singapore tính toán từng ly. Tính để cân bằng, “đu dây” được giữa Trung Hoa đại lục và Mỹ. Tính còn để cân bằng giữa Trung Quốc một bên, với bên kia là các quốc gia ASEAN lâu nay bị Trung Quốc ngang ngược gây hấn, làm tình làm tội.

Các quốc gia ASEAN lâu nay, dù nói ra hay không, trong thâm tâm hẳn là trách móc nhiều nhiều những nước cờ ngoại giao mà các nhà lãnh đạo Singapore tính toán và di chuyển trên bàn cờ ngoại giao khu vực, nhất là một khi, nước cờ đó liên quan câu chuyện Biển Đông.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới