Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững lo lắng về đồng USD và nguy cơ Mỹ vỡ nợ

Những lo lắng về đồng USD và nguy cơ Mỹ vỡ nợ

Hai cuộc khủng hoảng hội tụ đang thử thách niềm tin vào đồng USD và tình hình tài chính của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo, chính phủ nước này có thể vỡ nợ vào đầu tháng 6 nếu quốc hội không thông qua dự luật nâng trần nợ công.

Tình hình tài chính của Mỹ đe dọa giá trị của đồng USD.

Theo CNN, thứ nhất là cuộc khủng hoảng ngân hàng, mà giới chức quản lý và các ngân hàng lớn của Mỹ rất muốn công chúng tin rằng nó sẽ kết thúc sau hành động quyết đoán vào cuối tuần qua khi JPMorgan Chase mua lại Ngân hàng First Republic Bank nhằm cứu ngân hàng Mỹ thứ ba phá sản trong vòng 7 tuần.

Thứ hai là cuộc khủng hoảng nợ USD đang trở nên cấp bách hơn khi Mỹ tiến gần đến “ngày X” – thời điểm nước này sẽ gặp có nguy cơ cạn tiền nếu quốc hội không thông qua dự luật nâng trần nợ công.

Ngày 1.5, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, để thảo luận về việc nâng trần nợ.

Khủng hoảng ngân hàng

Người Mỹ thức dậy hôm 1.5 với thông tin ngân hàng thứ ba của Mỹ – First Republic Bank – đã phá sản. Phục vụ cho các khách hàng giàu có ven biển, First Republic Bank đứng bên bờ vực sụp đổ kể từ tháng Ba, khi hai ngân hàng khu vực khác là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank phá sản.

Ngân hàng First Republic Bank đã được Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) tiếp quản vào ngày 1.5 và hầu hết tài sản của ngân hàng này đã được bán cho JPMorgan Chase.

Đỉnh điểm là các cơ quan quản lý của chính phủ và ngành ngân hàng đã cùng nhau bảo vệ các chủ nợ và duy trì niềm tin vào toàn bộ hệ thống ngân hàng mà không khiến người nộp thuế phải đối mặt với một gói cứu trợ không được lòng dân.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers, nói với Bloomberg trước khi tiếp quản rằng, điều quan trọng là phải giảm bớt những rắc rối trong hệ thống ngân hàng vì chúng có thể dễ dàng lan rộng.

“Những thứ này giống như cháy rừng. Việc ngăn chặn chúng dễ dàng hơn nhiều so với việc dập tắt sau khi chúng bắt đầu lây lan” – ông Larry Summers nói.

Tổng thống Biden trấn an người Mỹ rằng hệ thống ngân hàng “an toàn và lành mạnh” trong lần xuất hiện ở Washington D.C hôm 1.5.

Tuy nhiên, theo CNN, điều đó không có nghĩa hệ thống tài chính Mỹ đang ổn định. Sự sụp đổ của ba ngân hàng trong vòng 7 tuần cho thấy cần có cái nhìn nghiêm túc về cách thức giám sát các ngân hàng. Và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã mất ít nhiều uy tín đối với các nhà kinh tế hàng đầu.

“Cần phải xem liệu tình trạng hỗn loạn tài chính vẫn đang âm ỉ do sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley gây ra có bùng phát thành một cuộc khủng hoảng sâu hơn hay không, nhưng các nhà đầu tư và người gửi tiền không có lý do gì để tin tưởng vào sự đảm bảo của Fed rằng điều đó sẽ không xảy ra” – Joseph Stiglitz, chủ nhân giải Nobel, giáo sư Đại học Columbia – viết cho MarketWatch.

Theo ông, chỉ những cải cách có ý nghĩa về bảo hiểm tiền gửi, quản trị, cơ cấu quản lý và giám sát mới có thể khôi phục niềm tin vào các ngân hàng và uy tín của Fed.

Cuộc khủng hoảng nợ và ngày X

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn không thảo luận với nhau mặc dù theo dự báo, Mỹ có thể cạn tiền vào đầu tháng 6.

Điều gì sẽ xảy ra ngay sau ngày X không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có thể dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào chính phủ Mỹ, khiến việc tiếp tục tài trợ cho an sinh xã hội và y tế trở nên khó khăn hơn; đe dọa giá trị của đồng USD, vốn là nền tảng của nền kinh tế thế giới; và đẩy đất nước vào suy thoái.

Tuần trước, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện thông qua dự luật cắt giảm hàng tỉ USD trong chi tiêu liên bang, trở lại mức chi tiêu năm 2022, hủy bỏ chi tiêu chống biến đổi khí hậu do đảng Dân chủ ủng hộ và áp đặt các yêu cầu công việc mới đối với người nhận trợ cấp y tế. Dự luật, vốn không được thông qua tại Thượng viện, cũng sẽ dẫn đến một cuộc tranh luận về nợ khác vào thời điểm này trong năm tới.

Tuần này, thay vì bàn bạc mọi chuyện, Chủ tịch Hạ viện McCarthy đang ở Jerusalem, gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. “Tổng thống vẫn chưa nói chuyện với tôi” – ông McCarthy cho biết, nói rõ rằng ông muốn đàm phán với Tổng thống Biden.

Trong khi đó, Nhà Trắng lập luận rằng không nên đàm phán về việc thanh toán các hóa đơn cho khoản nợ được bán để trang trải chi tiêu đã được Quốc hội cho phép.

“Mỹ không phải là một quốc gia xù nợ. Chúng ta không bao giờ thất bại trong việc trả nợ” – Tổng thống Biden khẳng định.

Giáo sư Justin Wolfers – giáo sư kinh tế học và chính sách công tại Đại học Michigan – cho biết ông không lo lắng về việc các ngân hàng phá sản, chỉ ra rằng các ngân hàng phá sản này chỉ là ba tổ chức tương đối nhỏ theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Tuy nhiên, ông vô cùng lo lắng về việc Mỹ vỡ nợ. “Tôi lo lắng hơn bao giờ hết trong sự nghiệp của mình, vào thời điểm này, về việc Mỹ thực sự vỡ nợ” – Giáo sư Wolfers nói, lưu ý rằng trong những lần bế tắc trước đây về trần nợ, đảng Cộng hòa cuối cùng đã thỏa hiệp khi đối mặt với áp lực từ phe ôn hòa hơn của đảng. Chưa rõ điều đó có xảy ra lần này hay không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới