Nền kinh tế toàn cầu nhận được sự thúc đẩy mạnh từ lượng du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng vọt trong kỳ nghỉ nhân ngày Quốc tế Lao động, một trong những kỳ nghỉ dài nhất của nước này. Tuy nhiên, trong tốp 10 điểm đến của du khách Trung Quốc không có Việt Nam.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, khách du lịch Trung Quốc đóng góp nhiều nhất cho thị trường du lịch toàn cầu, đã chi trung bình khoảng 260 tỷ USD hàng năm cho các chuyến đi nước ngoài kể từ năm 2015 đến 2019.
Kỳ nghỉ lễ nhân ngày Quốc tế Lao động năm nay, bắt đầu từ ngày 28/4 đến hết ngày 3/5, là kỳ nghỉ dài đầu tiên kể từ khi Trung Quốc nối lại các chuyến du lịch nước ngoài theo nhóm vào tháng 2. Nhiều người Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để bắt đầu chuyến du lịch mong ước mà họ chưa thể thực hiện trong liên tục 3 năm nay vì đại dịch COVID-19.
Theo một báo cáo của Minsheng Securities, các tìm kiếm trực tuyến về vé máy bay đi nước ngoài và khách sạn ở nước ngoài cho ‘tuần lễ vàng’ du lịch đã phục hồi với tỷ lệ lần lượt là 120% và 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó trên Ctrip, một công ty du lịch trực tuyến nổi tiếng ở Trung Quốc, lượt tìm kiếm vé máy bay đi nước ngoài cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đơn đặt các tour và dịch vụ du lịch nước ngoài nhiều hơn tới tận 18 lần.
Cơn sốt du lịch diễn ra vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc đang tăng theo cấp số nhân. Trung bình, khách du lịch Trung Quốc có thể chi tiêu mức gấp đôi trong năm nay so với năm 2019 cho mỗi chuyến đi, theo một báo cáo của Euromonitor International.
Báo cáo này cũng dự đoán khách du lịch Trung Quốc sẽ là nguồn doanh thu hàng đầu cho các cửa hàng miễn thuế ở 6 trong số 10 thị trường quan trọng nhất thế giới, đóng góp đáng kể vào doanh thu bán hàng toàn cầu ước tính khoảng 117 tỷ USD.
Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch Indonesia, cho biết ông kỳ vọng rằng sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp ngành du lịch ở các nước ASEAN phục hồi đáng kể.
Dữ liệu của Ctrip cho thấy Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines nằm trong số 10 điểm đến hàng đầu cho khách du lịch nhân Ngày Quốc tế Lao động đến từ Trung Quốc đại lục. Rất tiếc, Việt Nam không nằm trong số 10 điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc mùa lễ hội lớn này.
Theo China Daily, tại Thái Lan, nơi ngành du lịch chiếm khoảng 1/5 GDP, du khách Trung Quốc dự kiến sẽ để lại dấu ấn đặc biệt đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước, nhất là trong kỳ nghỉ Lễ Lao động. Năm nay, Thái Lan là vẫn điểm đến phổ biến nhất của khách du lịch Trung Quốc, trong khi họ chiếm 1/3 tổng số khách du lịch đến Thái Lan vào năm 2019.
Tác động lan tỏa của sự gia tăng du lịch của Trung Quốc đã thúc đẩy các quốc gia tiếp tục mở rộng cửa của họ. Các quốc gia từ Đông Nam Á đến Tây Âu đã trang bị thêm các chính sách du lịch đặc biệt để đáp ứng hoặc đưa ra các biện pháp khuyến khích để thu hút khách du lịch Trung Quốc.
Các đại sứ quán và lãnh sự quán Đức tại Trung Quốc đã tiếp tục nhận đơn xin thị thực du lịch, khiến Đức trở thành quốc gia mới nhất theo sau Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu liên tiếp dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với du khách Trung Quốc.
Bộ Du lịch Thái Lan cho biết họ sẽ tích cực hợp tác với các hãng hàng không để tăng số chuyến bay thương mại đến nước này, trong khi Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc liên tục tổ chức sự các kiện lớn nhằm quảng bá tour du lịch Nhật Bản.
Tuy không lọt vào 10 điểm đến ưa thích nhất của người Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam vẫn gia tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay.
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 đạt 984.000 lượt người, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn tăng dù trong mùa thấp điểm. Tổng cộng Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách nước ngoài, gấp 19 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt qua con số cả năm 2022 cộng lại là 3,66 triệu khách.
Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam khi cán mốc 1 triệu lượt, tiếp theo là Mỹ với 263.000 lượt. Điều đáng nói, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 3 với 252.000 lượt khách dù chỉ mới mở cửa thí điểm cho công dân theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3.
Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn này. Chỉ tính riêng tháng 4 đã có 112.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng hơn gấp đôi (61,5%) so với tháng 3. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường khách quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm trước dịch Covid-19, con số này vẫn kém xa. Vào tháng 4/2019, có gần 427.000 người Trung Quốc đến Việt Nam, góp phần vào tổng số hơn 1,7 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm. Cả năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu khách Trung Quốc.
Với Việt Nam, hiện nay du khách Trung Quốc chỉ chủ yếu đến qua cửa khẩu biên giới và các chuyến bay charter đến Cam Ranh (Khánh Hòa). Những địa điểm đông khách Trung Quốc trước đây như Mũi Né (Bình Thuận), Đà Nẵng đến nay vẫn còn vắng vẻ, thưa thớt khách.
T.P