Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChứng sợ giao tiếp xã hội của giới trẻ TQ

Chứng sợ giao tiếp xã hội của giới trẻ TQ

Nhiều sinh viên Trung Quốc tin rằng họ gặp những triệu chứng nhẹ của nỗi sợ giao tiếp xã hội. Đây là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc.

“Nếu bạn sắp bị hổ cắn, bạn có nhờ giúp đỡ không?” Một câu trả lời phổ biến trên cộng đồng mạng Trung Quốc đối với câu hỏi này là: “Không, tôi sẽ không nhờ ai giúp. Nếu như vậy có thể tôi sẽ chết. Nhưng nếu có ai đó giúp, tôi sẽ phải niềm nở chào hỏi họ”.

Câu chuyện trên là từ Niao Niao, một nghệ sĩ hài độc thoại nổi tiếng với việc pha trò về hội chứng sợ xã hội – một vấn đề phổ biến với giới trẻ Trung Quốc.

Cụm từ “hội chứng sợ xã hội”, tiếng Trung Quốc là shekong, đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trên mạng nước này trong những năm gần đây vì ngày càng nhiều người trẻ nói họ sợ tham gia các hoạt động xã hội.

Những chủ đề liên quan đến shekong được bàn tán sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội như Weibo và Zhihu.

Theo một khảo sát của báo China Youth Daily vào tháng 11 năm ngoái, khoảng 80% trong số 4.800 sinh viên Trung Quốc được khảo sát tin rằng họ gặp những triệu chứng nhẹ của nỗi sợ xã hội hoặc lo âu xã hội. Khoảng 7% trong số này nói họ có những triệu chứng nghiêm trọng.

Một nghiên cứu y học của các nhà khoa học Mỹ và Canada đăng tải trên tạp chí khoa học PLOS One năm 2020 cho thấy tỷ lệ thanh, thiếu niên mắc chứng sợ xã hội ở 7 quốc gia đang tăng cao, bao gồm cả Trung Quốc. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, 32% số người từ 16-29 tuổi ở Trung Quốc đã ở ngưỡng mắc phải bệnh lý sợ xã hội.

Huang Jing, một nhà tâm lý học ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho rằng sự phổ biến của mạng xã hội và những kết nối trực tuyến là nguyên nhân chính cho sự gia tăng hội chứng lo âu xã hội.

“Một điều thường thấy ở những người trong độ tuổi thanh, thiếu niên – độ tuổi vốn rất tò mò và thích khám phá – là họ từ chối ra khỏi nhà hoặc gặp bất kỳ ai”, Jing cho biết. “Đây là vấn đề mang tính toàn cầu khi mạng xã hội là không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng của vấn đề này với người trẻ Trung Quốc đang nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới vì họ bị phụ thuộc vào giao tiếp không trực tiếp”.

Li Li, một nữ sinh 17 tuổi ở Thượng Hải, chia sẻ rằng cô luôn ở nhà vào cuối tuần. “Tôi rất hoạt ngôn trên mạng. Nhưng khi gặp mọi người ngoài đời, tôi sẽ thấy ngại và không biết nói gì”, nữ sinh bộc bạch. “Nói chuyện trên mạng thì an toàn hơn vì không ai nhìn thấy tôi”.

Một lý do khác là nhiều người trẻ được sinh ra trong thời kỳ Trung Quốc thực hiện chính sách một con. Họ phải lớn lên một mình, chịu sự bao bọc quá mức của gia đình.

Ji Longmei, cố vấn tâm lý cấp cao của một trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần ở Thượng Hải, lý giải rằng những người này không có anh chị em ở nhà để chơi cùng. Mặt khác, họ phải chịu những kỳ vọng cao của gia đình về thành tích học tập, do đó dành phần lớn thời gian để tự học khi không phải đến trường.

“Một khách hàng tâm sự với tôi rằng con trai của bà là tiến sĩ nhưng không thể làm việc hay hẹn hò phụ nữ vì sợ xã hội. Anh ta không làm gì ngoài học. Mọi việc khác đều do bà làm, kể cả buộc dây giày cho con”, Ji chia sẻ.

Mặc dù hội chứng sợ giao tiếp xã hội ngày càng phổ biến, Ji cho rằng nhiều người đang lạm dụng thuật ngữ này trên mạng xã hội.

“Không phải tất cả những người cho rằng mình mắc chứng sợ xã hội đều thực sự mắc bệnh như họ nghĩ. Nhiều khi họ chỉ lấy đó làm cái cớ để từ chối tham gia các hoạt động xã hội”, cô nói thêm.

Tuy nhiên, theo Ji, việc shekong là thuật ngữ lan truyền rộng rãi trên mạng cho thấy dấu hiệu của gia tăng nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm thần.

“Từ một đến hai thập niên trước, những người mắc chứng trầm cảm sẽ không chia sẻ công khai về vấn đề này vì họ nghĩ nó đáng xấu hổ. Nhưng hiện nay, nó đang được chấp thuận rộng rãi và không ai nghĩ nó là điều đáng hổ thẹn nữa. Điều tương tự cũng đang diễn ra với chứng sợ xã hội”, Ji nói thêm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới