Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga sắp rút khỏi hiệp ước hạn chế vũ khí ở châu...

Nga sắp rút khỏi hiệp ước hạn chế vũ khí ở châu Âu

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có ý định rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Hãng tin RIA Novosti của Nga, việc Nga rút khỏi hiệp ước CFE coi như đã xong. Và dự thảo luật cho việc này sẽ được công bố sớm nhất trong tuần.

Nga sẽ chính thức kết thúc hiệp ước CFE?
Ký vào năm 1990, CFE là giải pháp giảm căng thẳng giữa Tổ chức Hiệp ước Warsaw và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

CFE đặt ra một số giới hạn cho việc triển khai vũ khí thông thường trên lục địa châu Âu. Ngoài ra, hiệp ước này cũng đòi hỏi bên ký tham gia một số cơ chế minh bạch.

Tuy nhiên, Nga cho rằng NATO liên tục vi phạm hiệp ước. Năm 2007, Matxcơva đình chỉ một phần CFE. Đến năm 2015, họ lại rút khỏi các cơ chế quy định trong CFE.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang trong thời gian gần đây, Matxcơva có ý định chính thức rút khỏi CFE.

Hôm 10-5, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov được bổ nhiệm giám sát quá trình rút khỏi CFE. Theo Đài RT, ông Ryabkov sẽ đại diện cho chính phủ về dự thảo luật rút khỏi CFE tại cả hai viện Quốc hội.

Nói cách khác, Tổng thống Putin đã “chọn” xong người giám sát thủ tục rút khỏi hiệp ước trên.

Châu Âu căng thẳng về việc trừng phạt Nga
Việc Nga rút khỏi CFE tiếp tục đào sâu căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Động thái này cũng góp phần gia tăng lo ngại về an ninh ở châu Âu.

Hồi tháng 2, Nga đã đình chỉ tham gia Hiệp ước New START. Đây là một thỏa thuận song phương với Mỹ nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân.

Matxcơva cáo buộc Washington sử dụng quân đội Ukraine làm lực lượng tấn công máy bay tầm xa có thể mang vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời ngăn Nga thị sát các cơ sở hạt nhân Mỹ.

Việc New START chấm dứt khiến châu Âu lo ngại Nga sẽ không hạn chế vũ khí hạt nhân, trong khi nước này nằm sát châu Âu.

Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga trong khi đó chưa hạ nhiệt. EU phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Từ tháng 2-2022 tới nay, EU đã không ngần ngại hỗ trợ tài, lực cho Kiev.

Hôm 10-5, các nước EU cũng tiến hành vòng thảo luận đầu tiên về gói trừng phạt mới. Theo đó, nội dung sẽ nhắm tới các công ty Trung Quốc và Iran.

Đây là hai quốc gia bị EU cáo buộc hỗ trợ cho chiến dịch của Nga tại Ukraine. Bên cạnh đó, EU cũng tìm cách hạn chế xuất khẩu lên các nước khác vi phạm quy định này.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết thảo luận của EU đang gặp khó khăn. Một số nước cứng rắn với Nga chưa thấy kế hoạch này đủ mạnh. Trong khi đó, các nước khác lo ngại gói trừng phạt mới ảnh hưởng tới vấn đề đối ngoại.

Vài nhà ngoại giao khác cho rằng quan điểm khác biệt lớn như trên đồng nghĩa sẽ khó để EU đạt được một thỏa thuận nhanh chóng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới