Friday, December 27, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTài liệu giải mật: Các cuộc họp bên lề Hội nghị Geneva...

Tài liệu giải mật: Các cuộc họp bên lề Hội nghị Geneva 1954

Trong suốt 22 phiên họp của Hội nghị Geneva bàn về vấn đề Đông Dương, từ 8/5/1954 đến 21/7/1954, hai phe Xã hội Chủ nghĩa và Tư bản Chủ nghĩa đã đấu tranh với nhau trên từng phiên họp.

Thủ tướng Pháp Pierre Mendes-France (trái) hội đàm với Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai (phải) tại Geneva, ngày 13/7/1954.

Tuy vậy, những quyết định chính yếu hầu như được “mặc cả” qua các cuộc gặp riêng giữa các cường quốc như Trung Quốc, Liên Xô, Anh và Pháp. Các cuộc họp chính thức chỉ là những hoạt động mang tính chất thể hiện quan điểm đã được thống nhất trong các cuộc gặp riêng trước đó. Các nước Đông Dương dù là chủ thể chính nhưng đã không thể quyết định số phận của mình mà chỉ là những quân cờ trong một trò chơi quyền lực quốc tế.

Tạp chí Phương Đông sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc một số tài liệu giải mật của Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ về Hội nghị Geneva.

Ngày 13 tháng 7 năm 1954

Biên bản cuộc họp giữa Chu Ân Lai và Mendès-France (trích)

Tóm tắt: Biên bản cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và Pierre Mendès-France. Chủ đề thảo luận chủ yếu xoay quanh vấn đề đường phân giới ở Việt Nam và diễn biến của Hội nghị Geneva.

Ngôn ngữ gốc: tiếng Trung

Nguồn: “Minutes, Zhou Enlai’s Meeting with Mendès-France (Excerpt)”, 13/7/1954, Wilson Center Digital Archive, PRC FMA 206-Y0007. Chen Jian dịch sang tiếng Anh.

Thời gian: 10 giờ 30 phút – 11 giờ 45 phút, ngày 13 tháng 7 năm 1954

Địa điểm: Nơi ở của phái đoàn Trung Quốc

Thành viên đoàn Trung Quốc: Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, Vương Bỉnh Nam và Dong Ningchuan (người phiên dịch)

Thành viên đoàn Pháp: Pierre Mendès-France, Jean Chauvel, Jacques Guillermaz, và người phiên dịch.

Mendès-France: Rất vui được gặp lại các ngài và cùng nhau hợp tác cho giai đoạn cuối cùng của Hội nghị Geneva. Tôi không biết liệu ngài Thủ tướng có mang đến cho chúng tôi một tin tốt lành nào không?.

Chu Ân Lai: Tôi đã gặp Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Miến Điện và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi hài lòng với những cuộc họp này. Chúng tôi chia sẻ những ý tưởng chung và mục tiêu chung, đó là lập lại hòa bình ở Đông Dương. Như tôi đã nói với Ngài Thủ tướng tại Berne, chúng tôi hy vọng sẽ thấy một nền hòa bình công bằng và hợp lý, một nền hòa bình vinh quang cho cả hai bên.

Sau khi trở về Geneva, tôi đã trao đổi ý kiến với các đại biểu của chúng tôi và tôi biết được những nỗ lực mà phái đoàn Pháp – và đặc biệt là nỗ lực của ngài Thủ tướng – đã thực hiện theo hướng này. Tôi rất vui vì điều này. Điều này cho thấy rõ rằng ông Chauvel và ông Lý Khắc Nông, những người ở lại đây, đã cố gắng hết sức trong ba tuần qua. Tuy tiến độ còn chậm nhưng đã góp phần thúc đẩy hội nghị. Bây giờ tất cả chúng ta đã trở lại đây. Tôi sẵn sàng thảo luận về các phương pháp giải quyết các vấn đề trong tương lai. Phía Pháp bị hạn chế bởi lịch trình. Tôi mong được biết ý kiến của Ngài Thủ tướng, để cố gắng hết sức thúc đẩy việc thực hiện mong muốn chung của chúng ta là lập lại hòa bình.

Mendès-France: Khi ở Berne, tôi đã nói với ngài Thủ tướng rằng chúng ta có cùng tinh thần. Sau khi đến Geneva, tôi đã lần lượt gặp gỡ các trưởng phái đoàn khác nhau. Giờ đây chúng ta đã có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, về một vấn đề chính, vấn đề đường phân định, vẫn chưa tìm được giải pháp. Tôi đã có hai cuộc nói chuyện dài và rất thẳng thắn với ông Phạm Văn Đồng. Tôi nói với ông ấy rằng nếu có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Bây giờ tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của ngài Thủ tướng.

Chu Ân Lai: Bây giờ có khá nhiều điểm chung được chia sẻ, chúng ta sẽ có thể giải quyết vấn đề. Ông vừa nhắc đến vấn đề đường phân giới ở Việt Nam. Tôi tin rằng nếu hai bên nỗ lực hơn nữa và cũng có sự nhượng bộ thì sẽ dễ đạt được thỏa thuận. Nhìn bề ngoài thì khoảng cách giữa hai bên là lớn. Tuy nhiên, chừng nào hai bên còn xích lại gần nhau, thì hẳn sẽ có cách để rút ngắn khoảng cách. Không biết ông Mendès-France có ý kiến gì cụ thể không, tôi xin được lắng nghe.

Mendès-France: Chắc ông Chu Ân Lai đã biết ý kiến của chúng tôi rồi. Bây giờ tôi muốn giới thiệu ngắn gọn. Như ông cũng đã hy vọng, chúng tôi đã tiến hành đàm phán trực tiếp với Việt Minh. Bây giờ khoảng cách giữa hai bên vẫn còn lớn. Tôi tin rằng giải pháp không chỉ là yêu cầu hai bên lùi lại vài km và tìm một ranh giới ở giữa. Nếu Việt Minh sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề giới tuyến, chúng tôi sẽ nhượng bộ về chính trị. Ví dụ, chúng tôi có thể đưa ra một tuyên bố chính trị cuối cùng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng không nhất thiết hai bên phải nhượng bộ như nhau mà vẫn có thể đạt được một giải pháp phù hợp với yêu cầu của cả hai bên.

Ban đầu Việt Minh nói rằng họ chủ yếu quan tâm đến miền Bắc, đây là khu vực quan trọng về kinh tế, chính trị và dân số. Chúng tôi sẵn sàng xem xét đề xuất này và hy vọng sẽ nhận được sự bù đắp hợp lý. Tuy nhiên, về mặt địa lý, lịch sử và logic, giới tuyến nên ở Đồng Hới, gần vĩ tuyến 18. Đường phân giới này cũng phù hợp với tiêu chí mà ông Phạm Văn Đồng đưa ra hồi đầu tháng Năm. Khi đó, ông Phạm Văn Đồng đã yêu cầu đường phân giới nên ngắn và mang tính lịch sử, truyền thống. Chúng tôi tin rằng Đồng Hới nên đóng vai trò như một giới tuyến bình thường. Xa hơn nữa, Pháp kiểm soát một thành phố quan trọng như Huế, gần với giới tuyến. Do đó, đường phân chia tạm thời được vẽ gần với Đồng Hới là phù hợp.

Đúng là Việt Minh kiểm soát một số khu vực ở phía Nam, và họ khó có thể từ bỏ những khu vực này. Tuy nhiên, những hy sinh của chúng tôi ở vùng Đồng bằng sông Hồng vượt xa những quyền lợi mà Việt Minh sẽ phải từ bỏ. Vì vậy chúng tôi cho rằng những yêu cầu đó là hợp lý, và hy vọng ông Phạm Văn Đồng sẽ chấp nhận. Yêu cầu của chúng tôi không phải để tiến hành thương lượng, mà để tránh những sự cố trong tương lai, và để phù hợp với hy vọng của chín quốc gia tham gia hội nghị.

Chu Ân Lai: Tôi hiểu một số lời giải thích của Ngài Thủ tướng, nhưng có một tình huống khác, mà tôi hy vọng rằng ông nên biết. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự có mối liên hệ chặt chẽ với người dân miền Trung và miền Nam Việt Nam. Và, để họ rút khỏi những khu vực này, cần phải giải thích rất nhiều. Mặc dù việc rút lui này chỉ là tạm thời, nhưng nó vẫn cần thời gian. Xét về không gian lãnh thổ, họ sẽ rút khỏi một khu vực khá lớn. Tôi hy vọng ông sẽ thấy tình hình này và hiểu được những khó khăn mà phía Việt Nam đang gặp phải. Bây giờ, điều cần giải quyết là vấn đề ngừng bắn. Ngài Thủ tướng vừa mới nói rằng ông sẽ chú ý đến lợi ích của người dân trong chính trị. Điều này là tốt. Chúng tôi mong rằng nước Pháp… sẽ thiết lập quan hệ hữu nghị và bình đẳng với Việt Nam trên cơ sở mới. Tôi đã đề cập điểm này với Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Miến Điện và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi tin rằng trong vấn đề hòa bình, không nên loại trừ bất kỳ ai. Điều này đã được đề cập trong các tuyên bố chung Trung Quốc – Ấn Độ và Trung Quốc – Miến Điện. Tôi nghĩ rằng Ngài Thủ tướng đã hiểu tầm quan trọng thực sự của hai tuyên bố.

Bây giờ chúng ta đã gặp bế tắc về vấn đề phân định giới tuyến. Điều này không tốt. Hai bên nên triển khai các bước tiếp theo. Bên này tiến thêm một bước, bên kia lùi một bước. Vấn đề có thể được giải quyết. Nếu không đạt được tiến triển nào thì Pháp cũng như Việt Nam đều không có lợi.

Mendès-France: Ý kiến của Ngài Thủ tướng cũng giống như ý kiến của chúng tôi. Tôi biết rằng về mặt chính trị, rất khó để từ bỏ những khu vực trung thành với Việt Minh trong nhiều năm. Tôi đã từng nói với ông Phạm Văn Đồng rằng nếu khó khăn chỉ đến thế này thôi thì chúng tôi sẵn sàng thay đổi ý kiến ban đầu, giao cả một vùng rộng lớn ở phía Nam cho Việt Minh kiểm soát. Tất nhiên chúng tôi sẽ đưa ra các yêu cầu tương tự ở phía Bắc. Nhưng ông Phạm Văn Đồng vẫn muốn có một khu nguyên vẹn. Tôi tin rằng điều này là thực tế và hợp lý. Tôi nêu vấn đề thành lập một khu đại quy mô, tức là tôi hiểu ý kiến của ông Chu Ân Lai. Tuy nhiên, thành lập hai khu tập trung lớn sẽ tránh được sự cố. Chúng tôi cũng đồng ý với điều này. Điều đó có nghĩa là hai bên sẽ phải thực hiện một số nhượng bộ đau đớn. Ông Chu Ân Lai nói rằng Việt Minh sẽ rút khỏi một khu vực rộng lớn hơn. Tôi cho rằng không thể chỉ so sánh về mặt không gian lãnh thổ. Trên thực tế, những thành phố như Hà Nội quan trọng hơn nhiều về mặt dân số, chính trị và kinh tế so với những khu vực mà Việt Minh sẽ rút khỏi. Lấy dân số làm ví dụ, số người chúng ta cần rút là 300.000 người, trong khi Việt Minh chỉ có 30.000 người. Yếu tố này quan trọng hơn không gian lãnh thổ. Tôi không ngoan cố cố chấp với một thái độ tiêu cực. Tôi hy vọng rằng những khó khăn của hai bên có thể được giải quyết thực sự. Chúng tôi sẵn sàng thể hiện sự chân thành của mình đối với những nhượng bộ trong lĩnh vực chính trị.

Chu Ân Lai: […] Tôi được biết là ngài Thủ tướng sẽ gặp lại ông Phạm Văn Đồng trước khi lên đường đi Paris. Tôi hy vọng rằng ngài sẽ xem xét thêm ý kiến của tôi. Khoảng cách không lớn. Tôi tin rằng miễn là tất cả chúng ta cùng nỗ lực thì có thể đạt được thỏa thuận.

Mendès-France: Tôi cảm ơn ông Chu Ân Lai về buổi nói chuyện. Tôi không muốn lãng phí thêm thời gian của ông. Bây giờ tôi sẽ nêu hai điểm kết luận: (1) Chiều nay tôi sẽ đi Paris và ông Eden cũng sẽ đi. Chúng tôi sẽ gặp ông Dulles. Hiện tại chúng tôi không biết Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng nào. Tuy nhiên, vì lợi ích củng cố hòa bình, chúng tôi cho rằng thỏa thuận tại hội nghị cần được đảm bảo bởi tất cả các bên tham gia hội nghị. Hôm qua tôi đã nói với ông Phạm Văn Đồng rằng nếu tôi ở địa vị của ông ấy, tôi thà bỏ thêm hai vĩ tuyến nữa mà được Mỹ bảo đảm, còn hơn là được thêm hai vĩ tuyến nữa mà mất bảo đảm của Mỹ. Lợi ích chung của chúng tôi là đạt được sự đồng ý của đa số áp đảo. (2) Tôi sẽ chỉ đến Paris trong một thời gian ngắn và tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận tại Geneva sẽ tiếp tục. Chúng tôi hiện đã soạn thảo một tuyên bố chính trị, ông Phạm Văn Đồng đã nghiên cứu và góp ý rồi. Chúng tôi đã thực hiện một số sửa đổi theo nhận xét của ông ấy. Tài liệu này sẽ sẵn sàng vào tối nay. Chúng tôi sẽ chuyển cho ông Chu Ân Lai một bản sao và hy vọng rằng ông sẽ nghiên cứu nó càng sớm càng tốt.

Chu Ân Lai: Cảm ơn ông đã thông báo và gửi tài liệu cho chúng tôi. Hoa Kỳ đang tìm mọi cách có thể để phá hoại hội nghị. Ngoại trưởng của tất cả các nước đã trở lại Geneva, ngoại trừ Dulles. Chúng tôi không hài lòng với thái độ này. Dulles bây giờ đã đến Paris, nhưng ông ta sẽ không đến Geneva. Chúng tôi cảm thấy rằng điều này khá kỳ lạ. Người Mỹ không tuân thủ các thỏa thuận, nhưng họ cho rằng những người khác không tuân thủ các thỏa thuận. Trên thực tế, những người ít sẵn sàng tuân thủ các thỏa thuận nhất là người Mỹ.

Mendès-France: Tôi không hoàn toàn đồng ý về điểm này. Có lẽ chúng ta có ý kiến khác nhau. Nhưng những nỗ lực của chúng tôi là nhằm mục đích làm cho ý kiến của tất cả trở nên gần gũi hơn. Điều này là vì lợi ích trực tiếp của việc tăng cường hòa bình.

Chu Ân Lai: Tôi đồng ý với điểm cuối cùng. Thực ra những gì tôi nói cũng là ý kiến của các tờ báo Pháp và Mỹ.

Ngày 17 tháng 7 năm 1954

Bản ghi nhớ tuyệt mật về cuộc trò chuyện của Molotov với Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng

Tóm tắt: Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav M. Molotov, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến Hiệp định Geneva, bao gồm việc xây dựng các căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam, Lào và Campuchia, giới tuyến giữa Bắc và Nam Việt Nam, thành lập các khu tập kết ở đông bắc Lào, rút quân đội nước ngoài khỏi Đông Dương, và khả năng thành lập một ủy ban giám sát quốc tế.

Ngôn ngữ gốc: Tiếng Nga

Nguồn: “From the Journal of Molotov: Top Secret Memorandum of Conversation with Zhou Enlai and Pham Van Dong”, 17/7/1954, Wilson Center Digital Archive, AVPRF f. 06, op. 13a, d. 25, II. 8. Gary Goldberg dịch sang tiếng Anh.

Molotov hỏi Phạm Văn Đồng về các cuộc nói chuyện của ông với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Anthony Eden và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Tep Phan.

Phạm Văn Đồng nói rằng trong các cuộc nói chuyện với Eden và đại biểu của Campuchia, ông chủ yếu đề cập đến các căn cứ quân sự nước ngoài của [phần] Việt Nam của Bảo Đại, Lào, Campuchia và các vấn đề về một khối quân sự ở Đông Nam Á. Cả Eden và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia đều tuyên bố rằng Hoa Kỳ được cho là không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của các quốc gia này. Về phần mình, chính phủ của các quốc gia này cũng không muốn các căn cứ quân sự nước ngoài được lập ra trên lãnh thổ của họ. Trả lời câu hỏi về khả năng Mỹ lôi kéo [phần] Việt Nam của Bảo Đại, Lào và Campuchia vào khối quân sự mà họ đang lên kế hoạch ở Đông Nam Á, Eden và đại biểu Campuchia trả lời rằng họ không đồng ý với người Mỹ về việc này và không có ý định làm điều này trong tương lai. Họ nói thêm rằng nếu ba “Quốc gia liên kết” bị xâm lược thì đó là một vấn đề khác. Về việc thành lập một khối quân sự ở Đông Nam Á, Eden nói rằng Hoa Kỳ đã hành động theo hướng này trong một thời gian dài và không có gì mới được thêm vào chủ trương này ở Paris. Eden nói thêm rằng khối nói trên do người Mỹ tạo ra được cho là có tính chất phòng thủ.

Phạm Văn Đồng nói rằng trong cuộc nói chuyện với Eden và đại biểu Campuchia, ông đã bày tỏ lập trường phê phán mạnh mẽ đối với việc thành lập các căn cứ quân sự nước ngoài ở [phần] Việt Nam của Bảo Đại, Lào và Campuchia, cũng như đối với việc thành lập các khối quân sự ở Đông Nam Á.

Chu Ân Lai nói rằng trong bản dự thảo tuyên bố mới nhận được từ phía Pháp, cũng giống như bản đầu tiên, không có điều khoản nào cấm thiết lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia và điều khoản này cũng không có trong dự thảo văn kiện về Lào và Campuchia.

Molotov nói rằng những sửa đổi phù hợp cần phải được đưa vào trong các bản dự thảo này.

Molotov hỏi hôm nay chúng ta nên thảo luận những vấn đề gì.

Phạm Văn Đồng nói rằng, theo ý kiến của ông, cần trao đổi ý kiến về việc chúng ta cần hành động như thế nào để đạt được một thỏa thuận mà chúng ta có thể chấp nhận được về đường phân giới, về bầu cử và về một số vấn đề quan trọng khác, về các khu vực tập kết, thành phần của ủy ban giám sát…

Chu Ân Lai đề nghị trước tiên hãy trao đổi ý kiến về các vấn đề cơ bản chính trong quan điểm của chúng ta và sau đó thảo luận về văn bản của các tài liệu đã được chuẩn bị.

Molotov đồng ý và nêu tên các tài liệu chính và các vấn đề chính cần được thảo luận – đường phân giới, ngày bầu cử, thành phần và chức năng của ủy ban quan sát, việc rút và nhập vũ khí và nhân viên quân sự vào Đông Dương, và cấm lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia và cấm lập khối quân sự ở Đông Nam Á. Sau đó Molotov nói rằng trong cuộc gặp riêng vào ngày 16 tháng 7, Mendes-France đã ngầm ý rằng các đại biểu chính trị nên thảo luận về các vấn đề chính mà cả hai bên có thể nhượng bộ lẫn nhau.

Molotov đưa ra thảo luận vấn đề đầu tiên trong bảy vấn đề trên (về đường phân giới) và đề nghị Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng phát biểu ý kiến của họ.

Chu Ân Lai nói rằng trong một cuộc trò chuyện với Vương Bỉnh Nam, Tổng Thư ký của phái đoàn Trung Quốc, Đại tá [Jacques] Guillermaz, một đại biểu của phái đoàn Pháp, đã nói với Vương Bỉnh Nam rằng phái đoàn Pháp không thể đồng ý để Đường 9 được sử dụng chung và hãy hiểu rằng người Pháp sẽ kiên quyết đòi đường phân định nằm ở phía bắc của con đường này. Guillermaz cũng nói rằng phái đoàn Pháp sẽ kiên quyết ấn định một ngày xa hơn để tổ chức bầu cử ở Đông Dương và nêu rõ thời gian: hai năm.

Molotov hỏi chúng ta có thể đưa ra quan điểm nhân nhượng cuối cùng nào trong vấn đề đường phân giới.

Phạm Văn Đồng nói rằng VNDCCH có thể nhường Đường 9 cho Pháp và đồng ý đặt đường phân định ở phía bắc của đường này. Ông nói thêm rằng cần phải yêu cầu người Pháp nhượng bộ ở các vùng Tourane [Đà Nẵng] và Huế. Phạm Văn Đồng nói rằng trước đó Mendes-France đã gợi ý về khả năng nhượng bộ như vậy.

Molotov hỏi VNDCCH định đòi Pháp những nhượng bộ gì ở Tourane và Huế.

Phạm Văn Đồng trả lời rằng ông có ý định yêu cầu Pháp không lập căn cứ hải quân ở Tourane. Phạm Văn Đồng nói rằng ông chưa có ý tưởng cụ thể nào về Huế và phải suy nghĩ thêm. Sau đó, Phạm Văn Đồng nói rằng cần phải yêu cầu Pháp đồng ý ấn định ngày chính xác để tổ chức bầu cử ở Đông Dương [để đổi lấy] sự nhượng bộ đã định về vấn đề giới tuyến. Ông nói thêm rằng ngày này có thể hơi xa một chút nhưng nó nên được định rõ để chính phủ VNDCCH có thể bắt đầu một số công việc tổ chức nhất định trong nhân dân.

Chu Ân Lai tuyên bố rằng đề xuất của Phạm Văn Đồng về quan điểm cuối cùng về vấn đề giới tuyến phù hợp với chỉ thị mà các phái đoàn của chúng ta đã có và [họ] có thể đồng ý với điều đó. Liên quan đến vấn đề Tourane, Chu Ân Lai nói rằng, trong một cuộc trò chuyện với ông, Mendes-France đã ngầm ý về khả năng nhượng bộ của Pháp.

Chu Ân Lai hỏi Molotov, dựa trên những cuộc trò chuyện của ông với Mendes-France và Eden, liệu có thể tin tưởng vào việc chúng ta có thể đạt được điều gì đó về vấn đề bầu cử hay không.

Molotov nói rằng Mendes-France và Eden đã nói về vấn đề bầu cử và Molotov nhấn mạnh rằng cần phải ấn định một khoảng thời gian nhất định để tổ chức bầu cử. Về ngày chính xác để tổ chức bầu cử thì [chúng ta] có thể đề xuất rằng ngày đó được ấn định tại địa phương theo thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền của cả hai bên.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đồng ý với đề nghị của Molotov.

Molotov nói rằng nếu chúng ta sẵn sàng đồng ý thiết lập giới tuyến ở phía bắc Đường 9 thì cần phải xác định đường này.

Phạm Văn Đồng nói rằng ông sẽ chỉ thị cho các chuyên gia quân sự của mình nghiên cứu vấn đề này và chuẩn bị một bản đồ thích hợp có vạch rõ đường nói trên.

Molotov nêu ra để thảo luận vấn đề về một khối quân sự ở Đông Nam Á và hỏi ý kiến của Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng về những gì phe ta nên làm.

Chu Ân Lai đề nghị yêu cầu các đại biểu của Lào và Campuchia tuyên bố dứt khoát rằng họ sẽ không cho phép thành lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của Lào và Campuchia và rằng Lào và Campuchia sẽ không tham gia vào bất kỳ liên minh hoặc khối quân sự nào.

Molotov nói rằng ông cho rằng nên đưa vào văn bản tuyên bố một cam kết của Việt Nam, Lào và Campuchia không cho phép lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của họ và không tham gia vào các liên minh quân sự.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đồng ý.

Molotov đưa ra thảo luận vấn đề về ủy ban giám sát quốc tế.

Chu Ân Lai nói rằng, trong một cuộc trò chuyện với Trưởng phái đoàn Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc V. K. Krishna Menon vào ngày 16 tháng 7, Menon đã thông báo với ông rằng người Pháp có ý định thành lập một ủy ban giám sát bao gồm các đại diện của Ấn Độ, Canada, và Ba Lan. Menon tán thành phương án này và bày tỏ sự hài lòng rằng nó không quy định sự tham gia của Pakistan. Chu Ân Lai sau đó nói rằng ông đã đề cập đến phương án này trong một cuộc trò chuyện với Eden. Eden bày tỏ sự đồng ý với thành phần này của ủy ban giám sát nhưng đồng thời tuyên bố rằng Anh không thể đứng ra đệ trình đề xuất này vì điều này sẽ khiến Pakistan không hài lòng.

Molotov nói rằng liên quan đến vấn đề thành phần của ủy ban giám sát quốc tế, nên tuân thủ quan điểm mà ba phái đoàn của chúng ta đã thống nhất trước đó.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đồng ý.

Chu Ân Lai đề xuất đi đến thống nhất về phạm vi hoạt động của ủy ban. Ông nói rằng phái đoàn Pháp đã đệ trình một đề xuất rằng ủy ban quốc tế tiến hành quan sát dọc theo biên giới (bao gồm cả trên đất liền và trên biển) chứ không phải tại các điểm riêng lẻ như đề xuất của phía Trung Quốc-Việt Nam. Chu Ân Lai cho rằng sẽ có lợi hơn cho VNDCCH và CHND Trung Hoa nếu thiết lập giám sát dọc theo tất cả các biên giới, điều này sẽ cho phép giám sát cẩn thận hơn để đảm bảo Mỹ hoặc Pháp không chuyển quân hoặc vũ khí đến lãnh thổ Đông Dương .

Molotov đề xuất giữ chiến thuật này cho vấn đề này: nếu người Pháp kiên quyết với các đề xuất của họ thì hãy đồng ý với họ để tỏ vẻ nhượng bộ.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đồng ý.

Molotov đưa ra thảo luận về vấn đề thành lập các khu tập kết ở Lào và Campuchia.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đưa ra quan điểm cuối cùng là đồng ý thành lập các khu tập kết ở phía đông bắc của Lào.

Molotov hỏi ai sẽ ký các hiệp định về Lào và Campuchia từ phía chúng ta.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng cho rằng có thể ủy quyền cho hai đại diện, đại diện Quân đội Nhân dân Việt Nam và đại diện lực lượng kháng chiến. Họ nói thêm rằng vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.

Chu Ân Lai nêu vấn đề về thời điểm rút quân đội nước ngoài khỏi Đông Dương. Ông ấy nói rằng [họ] có thể đồng ý thiết lập thời hạn 240 ngày (thay vì 380 ngày như người Pháp đề xuất).

Phạm Văn Đồng đồng ý.

Molotov khuyến nghị đề xuất thiết lập riêng một khoảng thời gian cho việc rút quân và một khoảng thời gian cho việc rút vũ khí, đồng thời cho biết thêm rằng thời gian rút vũ khí có thể kéo dài hơn thời gian rút quân.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đồng ý.

Molotov đưa ra dự thảo tuyên bố để thảo luận.

Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đồng ý với đề nghị của Molotov là lấy bản dự thảo của Pháp làm cơ sở và thực hiện những sửa đổi cần thiết cho nó.

Sau đó Molotov, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng trao đổi ý kiến về tất cả các điểm trong văn bản tuyên bố và thực hiện các sửa đổi.

Cuộc trò chuyện kéo dài một giờ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới