Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnXung đột Nga - Ukraina đẩy Nhật Bản đến gần NATO

Xung đột Nga – Ukraina đẩy Nhật Bản đến gần NATO

Nhật Bản đang đàm phán để mở một văn phòng liên lạc NATO, văn phòng đầu tiên thuộc loại này ở châu Á, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina khiến thế giới trở nên bất ổn hơn.

Trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.

NATO tính lập văn phòng đầu tiên ở châu Á

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói với CNN, Tokyo đang thảo luận với NATO, nhưng chưa có thông tin chi tiết nào được hoàn thiện.

Ông Hayashi cho biết, xung đột Nga – Ukraina có tác động vượt xa biên giới châu Âu buộc Nhật Bản phải suy nghĩ lại về an ninh khu vực.

“Lý do chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này là kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, thế giới đã trở nên bất ổn hơn.

Những gì đang xảy ra ở Đông Âu không chỉ giới hạn trong vấn đề ở Đông Âu, mà điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ở Thái Bình Dương. Đó là lý do sự hợp tác giữa chúng tôi ở Đông Á và NATO đang trở nên ngày càng quan trọng” – Ngoại trưởng Hayashi nói.

Ông Hayashi lưu ý, Nhật Bản không phải là thành viên NATO, nhưng động thái này gửi một thông điệp rằng, các đối tác châu Á – Thái Bình Dương của khối đang “tham gia một cách rất ổn định” với NATO.

Việc mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản sẽ đánh dấu một bước phát triển quan trọng đối với NATO trong bối cảnh các đường đứt gãy địa chính trị ngày càng sâu sắc.

NATO có các văn phòng liên lạc tương tự ở những nơi khác bao gồm Ukraina và Vienna (Áo). Văn phòng liên lạc tại Nhật Bản sẽ cho phép thảo luận với các đối tác an ninh của NATO, chẳng hạn như Hàn Quốc, Australia và New Zealand, về các thách thức địa chính trị, các công nghệ mới nổi và đột phá, cũng như các mối đe dọa mạng – Nikkei cho hay.

Một phát ngôn viên của NATO cho hay, sẽ không đi vào chi tiết các cuộc thảo luận về kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản, nhưng nhấn mạnh rằng, NATO và Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Tình hình an ninh phức tạp

Xung đột Nga – Ukraina đã gây làn sóng chấn động khắp châu Âu, khiến Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ quy chế trung lập và tìm kiếm sự bảo vệ trong NATO. Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO vào tháng trước.

Các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần hơn với các đối tác phương Tây, đồng thời thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại các mối đe dọa trong khu vực.

Ngoại trưởng Hayashi nhấn mạnh về môi trường an ninh khu vực “nghiêm trọng và phức tạp” của Nhật Bản, đồng thời lưu ý rằng Tokyo cũng đang phải đối đầu với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Nga cũng gia tăng trong những tháng gần đây, một phần do các cuộc tập trận quân sự của Nga ở vùng biển giữa hai quốc gia và các cuộc tuần tra hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga ở phía tây Thái Bình Dương gần Nhật Bản.

Vào tháng 4, các tàu chiến Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chống ngầm ở biển Nhật Bản, và vào tháng 3, các tàu tên lửa của Nga đã bắn tên lửa hành trình vào một mục tiêu giả định ở cùng vùng biển này.

Bất chấp những căng thẳng trong khu vực đang gia tăng, Ngoại trưởng Hayashi cho biết, khả năng mở văn phòng liên lạc của NATO không nhằm vào các quốc gia cụ thể, cũng không nhằm mục đích gửi thông điệp nào.

Ông nói thêm, Nhật Bản và các nước khác vẫn cần hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề lớn hơn như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, đồng thời Tokyo muốn có một “mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định” với Bắc Kinh.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc trước đây đã cảnh báo về việc NATO mở rộng phạm vi hoạt động sang châu Á và phản ứng gay gắt trước các thông tin về khả năng NATO thành lập văn phòng ở Nhật Bản.

“Châu Á là miền đất hứa cho sự hợp tác và là điểm nóng cho sự phát triển hòa bình. Việc NATO tiến về phía đông và can thiệp vào các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho hay trong một cuộc họp báo tuần trước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản đã giảm bớt những lo ngại rằng, việc mở một văn phòng NATO ở Tokyo có thể làm gia tăng căng thẳng. Ông cho biết, Nhật Bản duy trì hiến pháp hòa bình kể từ Thế chiến 2. “Chúng tôi không xúc phạm bất kỳ ai, chúng tôi đang tự bảo vệ mình khỏi bất kỳ hình thức can thiệp và lo ngại nào và trong một số trường hợp là các mối đe dọa” – ông Hayashi nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới