Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đang có chuyến công du đến một loạt nước châu Âu gồm có Đức, Pháp và Na Uy. Chuyến thăm diễn ra sau một số chuyến công du cấp cao đến Trung Quốc mới đây của các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức hay Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Cải thiện quan hệ với châu Âu sau thời gian biến động và căng thẳng hay thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải trong vấn đề Ukraine, là những mục tiêu trọng tâm của Ngoại trưởng Trung Quốc trong chuyến đi lần này. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ông Tần Cương đang trở nên khó khăn khi Đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty Trung Quốc liên quan cuộc xung đột Ukraine.
Chuyến thăm nhanh như “một cơn lốc”
Chuyến công du tới 3 nước châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương là chuyến thăm tiếp nối đà phục hồi trong trao đổi qua lại giữa hai bên kể từ cuối thăm 2022. Trong đó, chuyến công du tới Berlin được thực hiện chỉ sau chưa đầy 1 tháng kể từ khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tới thăm Trung Quốc.
Chuyến thăm châu Âu lần này của ông Tần Cương được truyền thông Trung Quốc ví là nhanh như một “cơn lốc”, bởi ông lên đường vào đúng thời điểm Bộ Ngoại giao nước này ra thông cáo và ngay trước đó vừa tiến hành cuộc gặp đầu tiên sau nhiều tháng với Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Nicholas Burns.
Phát biểu tại cuộc họp chiều ngày 8/5 khi thông báo về chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, chuyến công du châu Âu lần này của ông Tần Cương nhằm tăng cường đối thoại và liên lạc với Đức, làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi và cùng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Đức phát triển lành mạnh, ổn định; trao đổi sâu rộng về việc thực hiện các nhận thức chung đạt được giữa nguyên thủ hai nước Trung – Pháp, thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực, cũng như tăng cường giao lưu, củng cố tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác với Na Uy bởi sang năm kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo phân tích của các chuyên gia, trọng tâm chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc, bên cạnh việc thực hiện đồng thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai bên, còn có việc tái khởi động các cơ chế hợp tác Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) và tăng cường phối hợp trong giải quyết vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, ngay khi chuyến thăm đang diễn ra, nhiều động thái bất lợi đã xuất hiện trong quan hệ song phương, như việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng EU nên giảm thiểu rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc khi Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong việc cạnh tranh với EU, hay việc ông tuyên bố “Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng nhất của châu Âu”, khác với quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước khi cho rằng châu Âu cần giảm phụ thuộc để không biến thành chư hầu của Mỹ.
Đặc biệt, việc EU xem xét đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế vì vi phạm lệnh trừng phạt của khối này áp lên Nga, đang phủ bóng lên chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Tần Cương trên cương vị Ngoại trưởng, khiến quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu tiếp tục bộc lộ tính không chắc chắn và cách tiếp cận đối tác, đối thủ đan xen của EU.
Cách tiếp cận trong vấn đề Ukraine
Vấn đề Ukraine là chủ đề được đặc biệt quan tâm ở châu Âu. Hơn ai hết EU muốn sớm chấm dứt cuộc xung đột này, bởi sau hơn một năm nó đã làm đảo lộn cấu trúc an ninh tại châu lục và buộc EU phải tìm ra các mô hình phát triển mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Đức tại Berlin, ông Tần Cương cho rằng, vấn đề Ukraine rất phức tạp, việc đơn giản hóa hay cảm tính hóa đều không phải là giải pháp mà thay vào đó, giữ bình tĩnh, lý trí và tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị mới là lối thoát. Ông tái khẳng định, Trung Quốc không phải là bên tạo ra xung đột, cũng không phải bên tham gia xung đột, mà là bên đề xướng hòa bình và thúc đẩy hòa đàm. Ông kêu gọi Đức đóng vai trò dẫn dắt, đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm xây dựng khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững.
Ông cho biết, Bắc Kinh sẽ duy trì liên lạc với các bên liên quan, bao gồm cả Đức, để sớm đạt được một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, ông cũng kiên quyết phản đối các hành động trừng phạt đơn phương và tuyên bố sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc, khi đề cập đến các lệnh trừng phạt EU đang xem xét đối với một số công ty nước này mà châu Âu cho là hỗ trợ Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức bên cạnh việc khẳng định Trung Quốc có thể “đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột Ukraine”, cũng hối thúc Bắc Kinh thể hiện thái độ rõ ràng hơn đối với Nga và Ukraine.
Mặc dù từng nhiều lần khẳng định khủng hoảng Ukraine không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và EU, nhưng có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc Bắc Kinh làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng có thể là một cơ hội với nước này. Bởi khi nguy cơ leo thang của cuộc xung đột ngày càng tăng, vai trò của Trung Quốc sẽ ngày càng nhận được sự quan tâm của châu Âu.
Triển vọng chuyến thăm châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc
Trung Quốc đang cố gắng giảm thiểu căng thẳng và chặn đà đi xuống của quan hệ với châu Âu trong khi vẫn duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Nga. EU cũng không muốn làm sứt mẻ quan hệ với đồng minh lớn là Mỹ trong khi vẫn cố gắng duy trì sự cân bằng trong quan hệ kinh tế, chính trị với Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn khẳng định quan hệ với EU là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, hiện tại, quan hệ hai bên đang có xu hướng dần ổn định trở lại. Việc làm thế nào để mối quan hệ này tiến vững tiến xa là điều hết sức quan trọng.
Họ cũng nhận định, nhu cầu của châu Âu đối với Trung Quốc trong vấn đề kinh tế, chẳng hạn như sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, hay vai trò của Bắc Kinh trong giải quyết vấn đề Ukraine đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, những lời kêu gọi “không tách rời” với nước này ở châu Âu đang dần tăng lên. Đây chính là những cơ hội cho Bắc Kinh trong việc cải thiện quan hệ với EU.
Những phát ngôn gần đây của cả Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức – bộ đôi đóng vai trò dẫn dắt EU hay lãnh đạo Liên minh châu Âu, mặc dù có thể là trái chiều, nhưng đều là sự chuẩn bị cho những điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc trong thời gian tới, hoặc để định hình hướng đi cho quan hệ giữa hai bên.
Do vậy, chuyến thăm châu Âu lần này của ông Tần Cương được kỳ vọng thông qua trao đổi sâu rộng giữa hai bên, tác động để châu Âu dần loại bỏ các nhận thức mà Bắc Kinh cho là chủ quan, phiến diện về nước này, nhằm tìm ra một mô hình phù hợp với tình hình mới cho mối quan hệ và tương tác giữa Trung Quốc và châu Âu trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên thảo luận về tương lai châu Âu tổ chức tại Italia mới đây, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, một dự thảo chính sách đối với Trung Quốc đang được hoàn thiện để trình lên Hội nghị Thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6 tới. Vì thế, kết quả chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Tần Cương có lẽ sẽ đóng góp không nhỏ vào bầu không khí quan hệ hai bên cũng như diện mạo chính sách đối với Trung Quốc của châu Âu tới đây.
T.P