Một đội tàu chiến Trung Quốc đã hoạt động dài ngày quanh các đảo chính của Nhật Bản, trong động thái được cho là phô trương sức mạnh giữa căng thẳng Đài Loan và trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 11.5 công bố một bản đồ cho thấy đội tàu chiến 4 chiếc của Trung Quốc, dẫn đầu bởi tàu khu trục uy lực hàng đầu Type 055 Lhasa, đã hoạt động quanh Nhật Bản trong 12 ngày, theo CNN.
Bản đồ cho thấy các tàu hành trình bắt đầu từ ngày 30.4 tại eo biển Tsushima giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó tiến qua eo biển Tsugaru ở phía bắc đảo Hokkaido vào ngày 5-6.5 và có mặt tại chuỗi đảo Izu ở phía nam Tokyo vào ngày 11.5.
Sau khi bản đồ được công bố, Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đăng bài viết cho rằng hoạt động của đội tàu liên quan “những tuyên bố khiêu khích gần đây của Nhật Bản” về Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ và để ngỏ khả năng tái thống nhất bằng vũ lực.
Giới chuyên gia Trung Quốc nói với Hoàn Cầu thời báo rằng chuyến đi của các tàu Trung Quốc không vi phạm luật quốc tế hay nhắm vào bên thứ ba nào, nhưng có thể được coi là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nhật.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 10.5 nói với tờ Nikkei Asia rằng hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan là điều quan trọng không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cùng ngày cho biết đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi đại sứ của nước này nói Tokyo sẽ bị kéo vào lửa nếu liên kết vấn đề Đài Loan với an ninh Nhật Bản.
Nhật Bản bác tin đồn trực thăng mất tích bị Trung Quốc bắn hạ
Mặt khác, ông Hayashi mới đây cho hay Nhật đang đối thoại mở văn phòng liên lạc của NATO tại nước này, khiến Trung Quốc phản ứng.
“Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản rút ra bài học từ lịch sử, cam kết với con đường phát triển hòa bình và tránh làm những điều có thể xói mòn lòng tin và ảnh hưởng hòa bình, ổn định trong khu vực”, phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ngày 12.5.
“Chúng ta đã thấy NATO liên tục tăng cường quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương, và nhất quyết hướng về phía đông, can thiệp các vấn đề nội bộ khu vực và kích động khối đối đầu. Phần còn lại của thế giới đang theo dõi chặt chẽ liệu Nhật Bản thực sự muốn đi đầu trong việc mở rộng NATO tại châu Á-Thái Bình Dương”, ông Uông nói.
Những căng thẳng và hoạt động của đội tàu Trung Quốc quanh Nhật Bản diễn ra khi Tokyo chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 19.5. Giới chuyên gia nhận định trọng tâm của hội nghị nhiều khả năng là vấn đề Ukraine nhưng nước chủ nhà có thể liên kết cuộc xung đột đó với an ninh của Đông Á.