Hơn một nửa người Đức được hỏi phản đối Ukraina gia nhập NATO.
Kết quả thăm dò của YouGov do hãng thông tấn DPA của Đức ủy quyền cho thấy có tới 54% số người tham gia khảo sát phản đối tư cách thành viên của Ukraina trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chỉ 27% số người được hỏi đồng ý cho Kiev cơ hội trở thành thành viên trong khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
Vào tháng 4, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố, hầu hết người châu Âu sẽ không hiểu nếu Kiev không nhận được “lời mời xứng đáng” để gia nhập NATO. Nhà lãnh đạo Ukraina dự kiến tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lithuania vào tháng 7.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post hôm 9.5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, tất cả các đồng minh NATO đều đồng ý rằng, Ukraina sẽ trở thành thành viên của liên minh.
Trong khi đó, theo cuộc thăm dò của YouGov, phần đông người Đức muốn Kiev bắt đầu đàm phán với Mátxcơva, 55% số người được hỏi kêu gọi đàm phán giữa Nga và Ukraina về việc chấm dứt xung đột đang diễn ra. Chỉ 28% phản đối sáng kiến này.
Cuộc thăm dò diễn ra trong bối cảnh Berlin vừa công bố một gói vũ khí khổng lồ khác cho Ukraina, trị giá hơn 2,7 tỉ euro (2,95 tỉ USD).
Gói vũ khí mới dự kiến bao gồm bốn hệ thống phòng không IRIS-T trên mặt đất do Đức sản xuất – loại mà chính lực lượng vũ trang Đức chưa sở hữu – cùng 30 chiếc xe tăng chiến đấu Leopard 1, 20 xe chiến đấu bộ binh, 100 xe bọc thép chở quân, 18 hệ thống pháo tự hành bánh lốp và 200 máy bay do thám không người lái.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Với sự đóng góp quý giá các thiết bị quân sự cần thiết khẩn cấp, một lần nữa chúng tôi cho thấy Đức rất nghiêm túc trong việc hỗ trợ”. Tuy nhiên, ông Pistorius không nói chi tiết về thời điểm vũ khí dự kiến được chuyển giao cho Ukraina.
Phó Chủ tịch Liên minh Bảo thủ (CDU/CSU) tại nghị viện, ông Johann Wadephul, đã kêu gọi Berlin cho phép Ukraina sử dụng vũ khí do Đức sản xuất để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Ông nói với nhật báo Tagesspiegel, không có lý do gì cả về luật pháp quốc tế lẫn chính trị để Ukraina không được phép tấn công các mục tiêu ở Nga.
Trong khi đó, công chúng Đức đã bày tỏ lo ngại với sự hỗ trợ quân sự khổng lồ cho Kiev trong suốt cuộc xung đột. Vào tháng 2, gần 2/3 người Đức được hỏi tuyên bố phản đối việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev. Vào tháng 12 năm 2022, một cuộc thăm dò của YouGov chỉ ra, 45% phản đối việc gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 của Đức tới Ukraina.
Một số người nổi tiếng và nhân vật của công chúng Đức cũng gửi hai bức thư ngỏ gửi tới Thủ tướng Olaf Scholz, yêu cầu Berlin ngừng gửi vũ khí cho Kiev và thay vào đó làm mọi cách để đạt được một lệnh ngừng bắn trong thời gian sớm nhất, và tìm kiếm một thỏa hiệp mà cả hai bên có thể chấp nhận.
Trước đó, Nga nhiều lần cảnh báo, việc “bơm” vũ khí cho Ukraina sẽ chỉ kéo dài sự đau khổ cho người dân và tạo ra nguy cơ leo thang hơn nữa các hành động thù địch, dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Mátxcơva cũng cho biết sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, miễn là đạt được các mục tiêu và lợi ích của mình.
T.P