Các chuyên gia quân sự của Nga khẳng định, quân đội nước này đang sở hữu 2 loại vũ khí từng bắn rơi tên lửa Storm Shadow.
Hôm 11/5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận sẽ cung cấp các tên lửa hành trình Storm Shadow cho Ukraine sau khi Kiev “đảm bảo với Anh rằng những tên lửa này sẽ chỉ được sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Ukraine”.
Với tầm bắn 250-300km, tên lửa Storm Shadow có uy lực cùng khả năng tấn công vượt xa các hệ thống vũ khí mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine, bao gồm các phiên bản của hệ thống đạn dẫn đường tấn công trực tiếp (JDAM) hoặc hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự Nga, quân đội nước này đang sở hữu 2 tổ hợp phòng không từng nhiều lần bắn hạ tên lửa Storm Shadow tại chiến trường Syria.
“Các tổ hợp phòng không của chúng ta đã đối mặt với Storm Shadow lần đầu tiên trong vụ tập kích vào Damascus hồi tháng 4/2018. Tất cả tên lửa đã bị bắn hạ”, chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov nói.
Theo ông Leonkov, các hệ thống phòng không của Nga, bao gồm Buk và Tor-M2, hoàn toàn có thể trở thành khắc tinh của tên lửa Storm Shadow. Vì vậy, tên lửa này sẽ không phải là một mối đe dọa lớn với lực lượng Nga tại Ukraine.
Hệ thống Tor-M2 (NATO gọi là SA-15 Gauntlet) lần đầu tiên được “trình làng” tại Triển lãm Hàng không Moscow (MAKS) vào năm 2007 và được biên chế trong lực lượng vũ trang Nga từ tháng 3/2017.
Hệ thống Tor-M2 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn, có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình, bom lượn, các loại thiết bị bay không người lái khác nhau và các mục tiêu đạn đạo. Tor-M2 được cho là có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Tor-M2 được trang bị tên lửa đánh chặn mới, hiệu suất tốt hơn phiên bản Tor-M1, khả năng dự trữ đạn dược cao hơn và có thể khai hỏa khi di chuyển. Hệ thống Tor-M2 hoàn toàn tự động và có thể cùng lúc tiêu diệt 4 mục tiêu, gấp đôi Tor-M1. Ngoài ra, Tor-M2 được cải tiến để nâng cao năng lực chiến đấu trong môi trường bị gây nhiễu điện tử mạnh.
Về tên lửa phòng không Buk-M1, đây là một trong những loại tên lửa đất đối không tầm trung tự hành phổ biến nhất thế giới hiện này. Được thiết kế bởi các kỹ sư Liên Xô, tên lửa Buk-M1 được đưa vào sử dụng từ năm 1979 với nhiệm vụ chính là tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay trực thăng và cánh cố định, và máy bay không người lái của đối phương.
Sở hữu 4 tên lửa với hình dáng như những ngón tay và uy lực khủng khiếp, tổ hợp Buk-M1 thường được biết đến với biệt danh “Ngón tay thần chết”. Hiện tại, quân đội Nga còn sở hữu một lượng khá lớn các tổ hợp tên lửa phòng không tự hành Buk-M1 trong biên chế và loại vũ khí này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ các mục tiêu quân sự của Moscow trước sự tấn công của máy bay và tên lửa Ukraine.
T.P