Đầu tháng này, kênh truyền thông Mỹ Wisconsin Watch đã phát hành một phóng sự điều tra và tiết lộ rằng, Milwaukee Tool – một công ty niêm yết, nhãn hàng có tên tuổi hàng thế kỷ ở Hoa Kỳ – đã mua “găng tay đẫm máu và mồ hôi” từ Nhà tù Xích Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Sự việc này khiến xã hội quốc tế chú ý hơn đến các sản phẩm của lao động nô lệ dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tờ Wisconsin Watch cho biết sau một thời gian dài theo dõi chuyên sâu, các nhà điều tra đã phát hiện ra rằng găng tay mà các nhà cung ứng Trung Quốc cung cấp cho công ty Milwaukee được sản xuất bởi các lao động cưỡng bức trong nhà tù. Có không ít tù nhân bị ốm do lao động ở cường độ cao và trong môi trường ô nhiễm.
Các nhà điều tra đã phỏng vấn những người từng bị cưỡng bức lao động trong Nhà tù Xích Sơn (Chishan Prison), và bí mật điều tra công ty sản xuất sản phẩm an toàn lao động của Thượng Hải – Shanghai Select Safety Products (sau đây gọi tắt là Shanghai Select) – nhà cung cấp của Milwaukee, sau đó phân tích cẩn thận các tài liệu quản lý giám sát của chính phủ Hoa Kỳ. Kết quả phát hiện rằng, Shanghai Select – công ty có mối quan hệ hợp tác với Nhà tù Xích Sơn – đã sản xuất “găng tay có tính năng cao” cho Milwaukee.
Phóng sự điều tra đã phỏng vấn ông Lý Minh Triết (Lee Ming-che) – người từng bị giam trong Nhà tù Xích Sơn. Ông Lý là một nhân viên tổ chức phi chính phủ (NGO) và cựu nhân viên làm việc trong Đảng Dân chủ Tiến bộ của Đài Loan. Vài năm trước, ông đã bị chính quyền Trung Quốc kết án 5 năm tù với tội danh “lật đổ chính quyền”. Ông đã mãn hạn tù và bay về Đài Loan vào sáng ngày 15/4/2022.
Ông Lý Minh Triết tiết lộ rằng trong thời gian bị giam giữ, ông và các tù nhân khác bị buộc phải làm găng tay. Họ phải làm việc khoảng 13 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, được trả 48 xu Mỹ (khoảng hơn 10.000 VND) cho mỗi một ngày làm việc và chỉ được nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán.
Wisconsin Watch cũng phỏng vấn một tù nhân khác tên là “Xu Lun”, ông lấy bí danh này nhằm bảo vệ an toàn cho cá nhân. Ông Xu tiết lộ, nhiều tù nhân bị mẩn ngứa vì làm việc trong nhà xưởng nóng nực của nhà tù, bản thân ông cũng bị dị ứng do hít phải nhiều bụi vải.
Ông Lý Minh Triết và ông Xu Lun nhận ra nhiều loại găng tay đang lưu hành trên thị trường của Milwaukee là kiểu mẫu mà họ làm trong thời gian ngồi tù. Họ cũng tiết lộ rằng nhà cung cấp của Milwaukee là Shanghai Select. Họ từng nghe thấy cái tên này khi ở trong tù và cũng nhìn thấy tên của công ty này trong đơn đặt hàng.
Ông Trình Uyên (Cheng Yuan), người sáng lập tổ chức công ích “Changsha Funeng”, đã bị ĐCSTQ kết án 5 năm tù và hiện đang thụ án tại Nhà tù Xích Sơn. Vợ của ông Trình Uyên đã lưu vong tới Hoa Kỳ từ hai năm trước, từ đó tới nay bà vẫn kiên trì kêu gọi Milwaukee ngừng mua “găng tay đẫm máu và mồ hôi” từ các nhà tù Trung Quốc. Người phát ngôn của Milwaukee cho biết công ty “không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh” cho các cáo buộc về lao động cưỡng bức.
Ông Lý Minh Triết nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, Nhà tù Xích Sơn đối xử với những người bị giam giữ như những thợ thủ công và buộc họ phải sản xuất sản phẩm. Các xưởng bóc lột sức lao động cũng làm hồ sơ và tài liệu giả. Có nhiều nhà cung ứng tham lam lợi nhuận cao và họ đã đạt được thỏa thuận hợp tác bí mật với các nhà xưởng trong tù. Mối hợp tác này không được tiết lộ trong các tài liệu cung ứng, vì vậy vấn đề lao động cưỡng bức không được thế giới bên ngoài biết đến.
Năm 2019, Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) có trụ sở tại Mỹ đã công bố một báo cáo điều tra độc lập sau khi điều tra về các sản phẩm lao động nô lệ trong các nhà tù và trại lao động của ĐCSTQ. Báo cáo tiết lộ, trong một thời gian dài, các nhà tù của ĐCSTQ đã thực hiện lao động cưỡng bức, xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền và xâm lược kinh tế đối với xã hội quốc tế.
Báo cáo cho biết, các đối tượng bị bắt làm nô lệ bao gồm các học viên Pháp Luân Công, các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư, những người dân đi thỉnh nguyện và bảo vệ quyền lợi của bản thân, thành viên của Giáo hội hầm trú, người Duy Ngô Nhĩ, v.v. trong độ tuổi từ 16 đến 70. Nhiều người trong số họ bị buộc phải lao động khổ sai từ 12 đến 19 tiếng mỗi ngày. Thậm chí, khi “nhiệm vụ sản xuất” quá nhiều và nặng nề, họ còn phải “tăng ca”, liên tục nhiều ngày đêm không được chợp mắt.
Báo cáo chỉ ra, theo thông tin thu thập được chưa đầy đủ qua cuộc điều tra, hiện ở Trung Quốc có ít nhất 681 doanh nghiệp nhà tù thuộc sở hữu nhà nước. Các doanh nghiệp này được quản lý tập trung và thống nhất ở mức độ cao, họ hầu như không mất chi phí vì nguồn lao động của họ là các lao động nô lệ bị cưỡng bức làm việc trong điều kiện thách thức giới hạn về thể chất, tâm lý và bị tra tấn. Do đó, cùng với sự hậu thuẫn của chính phủ ĐCSTQ, họ đã hình thành nên một thực thể kinh tế siêu hùng mạnh vượt qua mọi hạn chế.
Năm 2003, ĐCSTQ đã tách doanh nghiệp nhà tù ra khỏi nhà tù và xây dựng nên một hệ thống công ty nhà tù mới thuộc sở hữu nhà nước, chúng bao gồm công ty mẹ ở trung ương và công ty con ở các cấp. Vị trí đại diện pháp lý của các “công ty con” này là do quan chức đảng và chính quyền ĐCSTQ các cấp nắm giữ. Họ đã tạo nên một ngành công nghiệp lao động nô lệ được lên kế hoạch, triển khai và quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chính phủ ĐCSTQ đã dành cho các doanh nghiệp này rất nhiều chính sách ưu đãi để kích thích và khuyến khích sự phát triển của loại hình công nghiệp này cũng như thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài.
Nhờ có các chính sách ưu đãi bảo hộ, một số doanh nghiệp nhà tù đã có thể trực tiếp thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách quảng cáo rằng lực lượng lao động giá rẻ của họ là những người đang thụ án trong các nhà tù và trại cải tạo lao động. Điều này đã giúp các doanh nghiệp sử dụng lao động nô lệ đạt được quy mô đáng kinh ngạc. Ví dụ, Công ty TNHH Công nghiệp Z-shine Hàng Châu (Hangzhou Z-shine industrial Co., Ltd.) có 38 nhà tù và hơn 40.000 lao động nô lệ. Công ty này đã gia công quần áo xuất khẩu ngoại thương trong nhiều năm và tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm của họ chiếm tới 90%.
T.P