Trung Quốc đồng ý với việc chuyển giao công nghệ làm tàu cao tốc cho Thái Lan nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á có thể tự chế tạo phương tiện này.
Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao một số bí quyết cho Thái Lan để Bangkok có thể phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc của riêng mình, theo các kỹ sư Trung Quốc tham gia cuộc đàm phán song phương.
“Khi sự hợp tác trong dự án Đường sắt cao tốc Trung Quốc – Thái Lan ngày càng sâu sắc, mong muốn tự thiết kế và xây dựng đường sắt cao tốc của Thái Lan dần trở nên mạnh mẽ hơn. Họ hy vọng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong sự hợp tác trong tương lai”, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Gao Rui dẫn đầu viết trên tạp chí Trung Quốc Railway Standard Design.
“Đáp lại các yêu cầu liên tục của Thái Lan về chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc tại các cuộc họp của ủy ban hỗn hợp, Bắc Kinh đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho Thái Lan với điều kiện không vi phạm luật pháp Trung Quốc”, ông Gao cho biết.
Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty và cá nhân phải được chính phủ chấp thuận để xuất khẩu các công nghệ được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia hoặc lợi ích kinh tế của đất nước.
Trung Quốc có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, dài hơn 40.000km và được xây dựng chỉ trong 15 năm.
Nhóm của ông Gao cho biết Trung Quốc đã “đồng ý về nguyên tắc chuyển giao hoặc chuyển giao có điều kiện công nghệ, kỹ năng và kiến thức trong 11 lĩnh vực” liên quan tới xây dựng đường sắt cao tốc cho Thái Lan.
Theo một nhà khoa học đường sắt ở Bắc Kinh, việc chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức hoặc quốc gia có thể liên quan đến việc chuyển giao bằng sáng chế, giấy phép hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác.
Theo nhóm của ông Gao, Trung Quốc có thể cung cấp cho Thái Lan thông tin về các vật liệu được sử dụng để xây dựng đường ray và các phương pháp tốt nhất để đặt đường ray ở các địa hình khác nhau.
Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ liên quan đến thiết kế và sản xuất tàu Trung Quốc như dòng CRH380, cũng như các công nghệ tiên tiến khác.
Dự án đường sắt Trung Quốc – Thái Lan sẽ kéo dài 873km – từ Côn Minh ở tây nam Trung Quốc đến Bangkok ở Thái Lan – với các đoàn tàu di chuyển với tốc độ lên tới 250km/h. Đây là một phần quan trọng trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh vì đây sẽ là mắt xích chính trong “hành lang phía nam” nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Dự án đường sắt sẽ đi qua các thành phố của Thái Lan bao gồm Chiang Mai và Nakhon Ratchasima và kết nối với các mạng lưới giao thông khác trong khu vực như Đường sắt Lào – Trung Quốc và Đường sắt cao tốc Malaysia – Singapore.
Theo nhóm Trung Quốc, các cuộc đàm phán về dự án với Thái Lan “rất khó khăn”. Thái Lan đã từ chối lời đề nghị của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ tài trợ toàn bộ dự án, thay vào đó lựa chọn sử dụng kết hợp các quỹ của chính phủ và đầu tư tư nhân và đặt các cuộc đàm phán trên cơ sở bình đẳng hơn.
T.P