Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựTQ từng ‘đi đêm’ mua tàu sân bay Varyag của Ukraine thế...

TQ từng ‘đi đêm’ mua tàu sân bay Varyag của Ukraine thế nào?

Cựu cầu thủ bóng rổ Trung Quốc tới Hong Kong lập công ty bình phong và nhanh chóng giàu có, mua tàu sân bay Varyag với mục đích dựng lên một sòng bạc nổi.

Tham vọng trở thành cường quốc hải quân của Trung Quốc được nuôi dưỡng rất nhiều năm, nhưng nguồn lực để thực hiện tham vọng đó không dễ dàng, đặc biệt ở những thời điểm mà các cường quốc khác trên thế giới hết sức cảnh giác trước sự phát triển của quốc gia này. Chính vì thế, Trung Quốc đã tốn công tốn sức để mua lại không chỉ những thành quả của ngành hàng hải thế giới mà còn cả những bí mật thiết kế, phục vụ mục tiêu phát triển của mình.

Từ một đất nước không có tàu sân bay, mất nhiều năm đầu tư lên kế hoạch, năm 2012, Trung Quốc công bố tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên do nước này xây dựng trên cái xác của tàu sân bay Varyag. Và sau 10 năm công bố về con tàu này, đến nay Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất ít nhất 6 tàu sân bay mới, trong đó có cả những con tàu sân bay hạt nhân tiên tiến nhất, đuổi kịp công nghệ đóng tàu sân bay của thế giới. Hành trình có được trong tay tàu sân bay Varyag của Trung Quốc không hề dễ dàng, với sự đóng góp công sức của một cựu cầu thủ bóng rổ quốc gia những năm 1980.

Mua tàu sân bay để xây sòng bạc
Từ Tăng Bình – một cầu thủ bóng rổ Trung Quốc – trở thành nhân vật mấu chốt cho thương vụ tàu sân bay đầu tiên mà Trung Quốc sở hữu. Ông từ bỏ thi đấu, ra thành lập một công ty thương mại và trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Ông cùng vợ chuyển đến Hong Kong phát triển sự nghiệp từ những năm 1980. Khoảng một thập kỷ sau, Từ Tăng Bình gặp Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Hạ Bằng Phi, người đã ngỏ ý nhờ ông làm trung gian thay quân đội Trung Quốc trong thương vụ mua lại tàu Varyag của Ukraine.

Trong cuốn “Cuộc chiến dài hơi” của tác giả Rush Doshi kể lại chi tiết về thương vụ đặc biệt này. Suốt nhiều năm, Hạ Bằng Phi gặp gỡ Từ Tăng Bình nhiều lần. Vị doanh nhân này bị thuyết phục và cảm động trước những chia sẻ của vị tướng hải quân. Tháng 3/1997, Từ Tăng Bình đồng ý tham gia thương vụ này.

Để tránh sự phản đối của phương Tây và lo ngại của các nước khác trước việc Trung Quốc thể hiện tham vọng trở thành cường quốc hàng hải, Từ Tăng Bình và cộng sự tạo dựng một vỏ bọc thương nhân hào nhoáng và giàu có. Ngay sau khi đồng ý tham gia vụ mua bán, Từ Tăng Bình bắt tay tạo dựng hình ảnh một ông trùm kỳ lạ muốn sử dụng tàu sân bay để xây dựng sòng bạc nổi ở Ma Cao.

Tháng 8/1997, Từ Tăng Bình thành lập một công ty bình phong tại Ma Cao mang tên Agencia Turisticae Diversoes Chong Lot, chi gần 1 triệu USD để mua giấy phép xây sòng bạc nổi tại đặc khu.

Từ Tăng Bình còn mua một trong những biệt thự đắt nhất ở Hong Kong với giá gần 30 triệu USD. Trên tờ SCMP, ông kể: “Ngay từ đầu, tôi cố gắng bằng mọi cách để thế giới bên ngoài tin rằng thương vụ đó hoàn toàn chỉ là một khoản đầu tư cá nhân. Cách đơn giản nhất là mua một căn biệt thự sang trọng bậc nhất thành phố vì các nước phương Tây không tin Bắc Kinh sẽ đưa tiền để tôi mua căn biệt thự này”. Thời điểm đó, Từ Tăng Bình xuất hiện trên các tạp chí với những bộ cánh sang trọng, đeo kính gọng dày sành điệu, đứng cạnh vợ trong căn nhà có nội thất sang trọng mạng vàng lộng lẫy.

Tiền đầu tư của Từ Tăng Bình vào các hoạt động trên đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng hầu hết đều là giao dịch bình phong. Sau này, khi trả lời báo chí, ông thừa nhận: “Tất cả các giao dịch đều được thực hiện tại một công ty dịch vụ kế toán ở Bắc Kinh, không phải ở Hong Kong hay Ma Cao”, vì theo ông, không thể “để thế giới biết có một công ty nhà nước liên quan đến thương vụ này”. Ông cũng nhận tiền từ Ngân hàng Hoa Hạ, thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Một số cá nhân giàu có ở Hong Kong cũng giúp cung cấp vốn, trong đó có một người đã cung cấp 30 triệu USD cho Từ Tăng Bình vào năm đó “mà không yêu cầu bất kỳ sự đảm bảo nào”.

Từ Tăng Bình đã sử dụng số tiền đó để thành lập một văn phòng ở Kiev, Ukraine và một văn phòng ở Bắc Kinh. Ông thuê các chuyên gia đóng tàu, chuyên gia hải quân để hỗ trợ cho thương vụ. Nổi tiếng trong số đó có Xiao Yun – nguyên Phó Cục trưởng Cục Vũ trang của không quân, thuộc Hải quân Trung Quốc.

Sau khi lớp bình phong trở nên hoàn hảo, Từ Tăng Bình tới Kiev. Từ tháng 10/1997 đến tháng 3/1998, ông tích cực tiến hành giao dịch. Một ngày mùa đông, Từ Tăng Bình thậm chí còn đã đặt chân lên boong tàu sân bay mà ông mô tả là hoang vắng, rỉ sét và phủ đầy tuyết. Những tháng sau đó, Từ Tăng Bình tiêu tốn hàng triệu đô la Mỹ “bôi trơn” và thường xuyên mời rượu những người phụ trách thương vụ đến từ Ukraine. “Tôi cảm thấy hồi đó mình như đang ngập chìm trong rượu”, Từ Tăng Bình kể lại.

Cuối cùng, thương vụ trị giá 20 triệu USD cũng được ký kết.

Nhưng Từ Tăng Bình không dừng lại ở đó, ông muốn con tàu, muốn cả bản thiết kế và động cơ nguyên vẹn. Ông làm mọi cách để có nó, bởi không thể biện minh việc mua tàu sân bay xây sòng bạc nổi lại cần đến cả thiết kế và động cơ phục vụ mục tiêu quân sự. Bằng cách “đi đêm”, Từ Tăng Bình đã đạt được mục đích. Phía Ukraine đồng ý cung cấp 45 tấn tài liệu có giá trị vô giá đối với Trung Quốc không chỉ để sửa chữa con tàu Varyag mà phục vụ đất nước này tạo dựng một cường quốc tàu sân bay sau này.

Cả hai bên mua và bán đều tuyên bố công khai rằng các động cơ đã bị tháo dỡ và những động cơ này tiên tiến hơn tất cả các loại động cơ Trung Quốc có thể sản xuất. Từ Tăng Bình kể: “Thông tin về động cơ bị tháo dỡ đều là những câu chuyện được che đậy để tung hoả mù với các nước phương Tây”. Trên thực tế, chúng đi liền với tàu, “còn mới, được tra dầu cẩn thận” và đến nay vẫn đang vận hành cùng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Liêu Ninh.

4 năm chuyển tàu sân bay về Trung Quốc
Khi thương vụ hoàn thành, nhiệm vụ tiếp theo của Từ Tăng Bình là vận chuyển tàu sân bay về cảng đóng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Quá trình này kéo dài tới 4 năm với nhiều gian khó hơn những gì vị thương nhân Hong Kong có thể hình dung.

Trước đó, xưởng đóng tàu Ukraine một mực cho rằng, họ không có trách nhiệm chuyển con tàu từ biển Đen tới Trung Quốc. Thế nên Từ Tăng Bình phải tìm tới công ty vận tải quốc tế International Transport Contractors (ITC) của Hà Lan để lai dắt con tàu xuyên Đại Tây Dương về Trung Quốc.

Ngày 14/6/1999, tàu Varyag cùng tàu kéo Seble Cape của ITC nhổ neo. Chuyến đi yên ả cho tới khi họ tới eo biển Boshphorus, biên giới biển tự nhiên giữa Đông và Tây Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý, trước thời điểm con tàu này nhổ neo vài tuần, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng sau sự kiện đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade (Nam Tư khi đó) bị trúng bom của NATO.

Thế nên Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO của Mỹ, đã không cho phép chiếc tàu sân bay Variag đi qua eo Boshphorus và cương quyết buộc Varyag phải quay trở lại Ukraine.

“Tôi cảm thấy bất lực trước cảnh đợi chờ để được vào eo biển Bosphorus. Thậm chí, tôi đã tính tới tình huống xấu nhất: đánh chìm con tàu khổng lồ xuống đáy eo biển chứ quyết không để rơi vào tay các đối thủ”, Từ Tăng Bình cho biết.

Con tàu mòn mỏi chờ đợi tại cảng thêm tới 15 tháng. Sau nhiều động thái tác động của quan chức Trung Quốc, mãi tới ngày 25/8/2001, Thổ Nhĩ Kỳ mới quyết định cho phép Varyag đi qua eo biển để sang vùng biển Địa Trung Hải.

Chiếc tàu sân bay một lần nữa lại tiến ra khỏi biển Đen. Ngày 1/11/2001, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển để Varyag cùng đoàn hộ tống gồm 11 tàu kéo và 15 tàu cứu trợ đi qua…

Chưa hết, trên hành trình về Trung Quốc, tàu sân bay Varyag lại gặp nạn khi các cơn bão đã làm đứt cáp nối giữa con tàu này với các tàu kéo. Chiếc tàu sân bay trôi dạt trên vùng biển Aegean gần đảo Skyros trong bốn ngày trước khi kết nối lại được cáp kéo.

Thời gian còn lại của năm, Variag cùng các tàu kéo nhích dần trên Địa Trung Hải, đi qua eo biển Gibraltar để ra Đại Tây Dương. Đoàn đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) và tới eo biển Malacca. Ngày 03/3/2002, tàu Variag vào cảng Đại Liên, Trung Quốc. “Vào thời điểm đó, tôi như đứa con lạc mẹ trở về nhà. Thật là mừng”, Từ Tăng Bình nhớ lại.

Từ đống sắt vụn thành tàu sân bay Liêu Ninh
Khi cập cảng Đại Liên, tàu sân bay Varyag ngay lập tức được đưa lên ụ nổi và các chuyên gia liên quan đã ngay lập tức bắt đầu kiểm tra trạng thái của con tàu.

Trong quá trình kiểm tra, các chuyên gia nhận thấy rằng, do công nghệ gia công thép tuyệt vời của Liên Xô và thân tàu được xử lý chống ăn mòn rất tốt nên mặc dù Varyag bị bỏ hoang gần 10 năm nằm phơi nắng gió này, khi được tẩy rỉ sét, bên ngoài gần như mới tinh. Ngoài thép chế tạo thân tàu còn như nguyên vẹn, Varyag không bị hư hại về kết cấu.

Khi kiểm tra các hệ thống bên trong của tàu Varyag, các chuyên gia cũng nhận thấy rằng, ngoại trừ một số đường dây bị hư hỏng, hệ thống động lực của tàu gồm các động cơ nguyên bản như 4 tổ máy tua-bin hơi dẫn động bánh răng hàng hải rT3A-674, nồi hơi đốt dầu 8 KBr-4 và các phụ kiện máy bơm tăng áp THA-4 đều được bảo quản tốt.

Có thể nói, chiếc tàu sân bay Varyag đóng dở và hàng tấn tài liệu đi kèm, đã đặt nền móng cho ngành đóng tàu sân bay Trung Quốc, giúp nước này rút ngắn ít nhất 20 năm phát triển.

Vào ngày 26/4/2005, tàu Varyag đã được kéo vào bến tàu 300.000 tấn ở Nhà máy đóng tàu Đại Liên và việc cải tạo tàu Varyag chính thức bắt đầu.

Tại nhà máy đóng tàu này, Varyag đã được tẩy rỉ sét và sơn lại; các thiết bị khác nhau như hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, cùng nhiều hệ thống khác mà Xưởng đóng tàu biển Đen tháo dỡ trước đó, giờ được lắp đặt lại.

Sau khi hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản nhất, Varyag đã thay đổi từ một con tàu bỏ hoang không thể hoạt động, thành một con tàu bình thường có thể hoạt động.

Sau đó Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt vũ khí trang bị trên tàu sân bay Varyag, bao gồm hệ thống phòng không tầm gần Hồng Kỳ 10 và pháo phòng không tầm gần 1130. Hệ thống vũ khí trên tàu sân bay Varyag khá cơ bản, nếu so sánh, chỉ bằng “một góc” Kuznetsov – lớp tàu anh em của Varyag. Lý do là Hải quân Trung Quốc tập trung cho Varyag theo đúng nghĩa là một tàu sân bay, chủ yếu để chở máy bay, không có khả năng phóng tên lửa từ dưới sàn tàu như chiếc Kuznetsov.

Vào ngày 27/4/2009, tàu Varyag được đổi tên mới thành tàu Liêu Ninh. Vào ngày 10/8/2011, Liêu Ninh bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật trên biển đầu tiên. Sau nhiều lần thử nghiệm, vào ngày 25/9/2012, tàu Liêu Ninh với số hiệu “16” chính thức được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc, đánh dấu mốc Trung Quốc chính thức sở hữu tàu sân bay.

Sau khi tàu Liêu Ninh được đưa vào biên chế, hướng phát triển của tàu chiến Trung Quốc cũng chuyển từ theo đuổi tính toàn diện của khả năng tác chiến tàu, sang hướng phát triển tập trung vào các nhóm tác chiến tàu sân bay theo mô hình của Hải quân Mỹ.

Chính nhờ có tàu Liêu Ninh mà sự nghiệp hải quân của Trung Quốc mới phát triển như hiện nay, đồng thời giúp hải quân Trung Quốc có thể từng bước tiến vào đại dương xanh và thậm chí vượt trội về quân số so với Hải quân Mỹ ở thời điểm hiện tại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới